05:08 29/05/2013

Dân Cao Bằng lật tung sân vườn tìm quặng

Sau một thời gian được dẹp yên, gần đây nạn khai thác khoáng sản trái phép ở các điểm mỏ thuộc tỉnh Cao Bằng lại diễn ra khá ngang nhiên và có dấu hiệu tinh vi hơn trước.

Sau một thời gian được dẹp yên, gần đây nạn khai thác khoáng sản trái phép ở các điểm mỏ thuộc tỉnh Cao Bằng lại diễn ra khá ngang nhiên và có dấu hiệu tinh vi hơn trước.


Người dân huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng khai thác quặng trái phép, thu gom bán cho các đầu nậu vận chuyển sang Trung Quốc. Ảnh: Văn Phúc/Sài Gòn Giải Phóng


Tại các điểm mỏ như Bó Lếch, Bó Bủn xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, người dân nơi đây đã tự lật tung vườn tược, nhà mình để tìm quặng. Ba nhà dân liền kề Nhà văn hóa thôn Bó Bủn, hố quặng đã "ăn" vào tận phần móng nhà. Mảnh sân trước đó được lát gạch để làm chỗ phơi nông sản cũng đã bị lật tung không thương tiếc.

Đến Bó Lếch vào một buổi sáng cuối tháng 5, chúng tôi được chứng kiến cảnh người dân tập trung như đi hội quanh mảnh vườn khoảng 300m2 để “tận thu” quặng. Họ cho rằng mình chỉ “nhặt” quặng từ việc san nền nhà, cải tạo vườn tạp và đào ao thả cá…

Tuy nhiên, theo một số người dân sống quanh khu vực này (những người không tham gia vào việc khai thác khoáng sản trái phép), để nguỵ trang cho việc khai thác lậu quặng sắt, một số tay đầu nậu tìm đến những gia đình có quặng sắt ở vườn, đồi, thậm chí cả dưới nền nhà, sau đó mua quặng với giá thoả thuận (400- 500 đồng/1kg).

Đầu nậu sẽ cho máy móc vào đào bới tìm quặng, khi thấy ổ hoặc vỉa quặng, chủ nhà sẽ chịu trách nhiệm khai thác, thu gom vào các bao tải, hoặc đổ đống vào một chỗ, chờ các xe của đầu nậu vào chuyên chở ra một số điểm tập kết ở thành phố Cao Bằng hoặc huyện Hòa An.

Để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, các đầu nậu ký sẵn một hợp đồng thuê máy ủi, máy xúc giữa chủ máy và những gia đình có quặng, dưới hình thức thuê máy để đào ao, san nền nhà, hoặc cải tạo vườn, đồi.

Tương tự như ở Bó Lếch, Bó Bủn, tại khu đồi Khau Mi thuộc thôn Cốc Phát, xã Đức Long, huyện Hòa An, tình trạng khai thác quặng sắt trái phép cũng diễn ra rầm rộ, Không ít diện tích rừng thông tại khu vực đang đứng trước nguy cơ bị "bức tử". Người dân ở đây cho biết, trước đây khu đồi này đã bị cấm khai thác vì gây ô nhiễm đến môi trường, chưa được bao lâu thì nay quặng tặc lại tiếp tục lộng hành. Nếu tình trạng khai thác quặng trái phép vẫn tiếp diễn như hiện nay thì chẳng mấy chốc những cánh rừng sẽ trở nên tan hoang trơ trọi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Tại các khu vực như: Nguyên Bình, Bảo Lạc và đặc biệt, tại điểm mỏ Nà Rụa, Nà Đoỏng của thành phố Cao Bằng “quặng tặc” cũng đang hoạt động ngang nhiên như thách thức các cơ quan chức năng.

Lãnh đạo Phòng Thanh tra Môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng, ông Lê Hồng Hải, Trưởng Phòng cho biết, từ đầu năm đến nay mới xử lý được 1 vụ chở quặng lậu không có nguồn gốc với số tiền nộp phạt là 2.000.000 đồng và tịch thu 47.770 kg quặng sắt.

Đáng nói hơn, mặc dù thực trạng này diễn ra đã lâu, không ít diện tích rừng (đặc biệt là rừng thông) đã bị chặt phá, chốc rễ, nhiều hầm, hố mọc lên trong rừng, nhiều khu vườn, đồi biến thành những hố bom… nhưng đến nay, lực lượng Thanh tra Môi trường của Cao Bằng mới chỉ bắt và xử lý được một vụ.




Yến Thanh