02:14 19/02/2014

Đàm phán thương mại Mỹ - EU còn nhiều thách thức

Tiến trình thương lượng Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang tiến triển, song thách thức lớn nhất liên quan đến sự khác nhau về luật chưa được tháo gỡ.

Tiến trình thương lượng Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang tiến triển, song thách thức lớn nhất liên quan đến sự khác nhau về luật chưa được tháo gỡ. Đây là nhận định chung của các quan chức hai bên sau cuộc gặp tại Washington, Mỹ ngày 18/2.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp kéo dài hai ngày, Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm và ý chí chính trị mạnh mẽ của cả hai phía nhằm đạt được một thỏa thuận tham vọng và toàn diện. Ông Froman khẳng định bên cạnh những thách thức, cả Mỹ và EU đều nhìn thấy rõ những cơ hội để đạt được tiến bộ đáng kể trong tiến trình đàm phán của những tháng tới.

Ảnh minh họa.



Trong một tuyên bố riêng, Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht cho biết ông nhất trí với người đồng cấp Mỹ, cho rằng lộ trình vẫn được đảm bảo, song khẳng định giai đoạn tiếp theo sẽ càng khó khăn hơn và đó là khi các vòng đàm phán thực sự bắt đầu.

Ủy viên thương mại EU cũng hối thúc các đối tác Mỹ tăng tốc để hoàn tất lộ trình ký kết TTIP sớm. Theo ông De Gucht, hai bên đã xác định rõ các lĩnh vực cần thỏa thuận và dù sự khác biệt vẫn lớn hơn so với sự tương đồng, bức tranh toàn cảnh giờ đã rõ ràng. Tuy nhiên, nhà đàm phán này cũng khẳng định lập trường không thay đổi của EU là không hy sinh những tiêu chuẩn cao trong các vấn đề phát triển bền vững cho các lợi ích thương mại.

Cuộc gặp vừa qua giữa các đại diện Mỹ và EU là để chuẩn bị cho cuộc đàm phán cấp cao về TTIP dự kiến sẽ diễn ra vào 10/3 tới tại Brussels, Bỉ nhằm đánh giá tổng thể các thỏa thuận đạt được và vạch ra lộ trình tương lai của các vòng đàm phán tiếp theo.

Được khởi động từ tháng 7/2013, tiến trình thương lượng TTIP đã đi qua ba vòng đàm phán với tham vọng hình thành nên một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. Hiện các nền kinh tế EU và Mỹ chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ, 30% kim ngạch thương mại toàn cầu.

TTIP thành công sẽ là hiệp định tự do thương mại (FTA) lớn nhất và là kiểu mẫu FTA xuyên lục địa đầu tiên của thế giới. Đầu tư và hoạt động thương mại xuyên Đại Tây Dương hiện tạo ra tới 13 triệu việc làm cho cả hai phía. Ủy ban châu Âu ước tính nếu TTIP hoạt động, sẽ giúp cho nền kinh tế mỗi bên cộng thêm từ 0,5% đến 1% vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm và tạo thêm hàng triệu việc làm mới.

Đối với châu Âu, TTIP có thể tạo thêm nửa triệu việc làm và đem lại 119 tỷ euro/năm cho nền kinh tế này. Với nền kinh tế Mỹ, con số này sẽ là 95 tỷ euro. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp ảnh hưởng đến thị trường lao động, TTIP rõ ràng là một cơ hội lớn cho hai bên cải thiện tình hình.

Mỹ và EU đặt lộ trình ký kết TTIP vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, do còn nhiều bất đồng nên các nhà đàm phán không bảo đảm sẽ đạt được mục tiêu này.


TTXVN/Tin tức