08:16 26/08/2020

Đàm phán thương mại: Điểm sáng duy nhất trong quan hệ Mỹ-Trung

Theo các quan chức chính phủ ở cả hai quốc gia, các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc sáng 25/8 đã rà soát tiến độ thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một qua điện đàm. Thông tin này làm dịu bớt lo ngại quan hệ xấu đi giữa hai nước sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận đình chiến thương mại này.

Điểm sáng thương mại

Chú thích ảnh
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc ở Washington, DC ngày 31/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc đàm phán qua điện thoại diễn ra giữa trưởng đoàn Trung Quốc là Phó thủ tướng Lưu Hạc và đại diện Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một được hai bên ký kết hồi tháng 1, nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ năm 2018. Trong thỏa thuận này, Trung Quốc đồng ý mua một lượng hàng hóa kỷ lục của Mỹ vào năm 2020 và 2021 để đổi lại việc Mỹ giảm thuế với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, đã qua hơn nửa năm 2020 mà tốc độ mua hàng Mỹ của Trung Quốc vẫn ở mức thấp so với kỳ vọng, dấy lên đồn đoán thỏa thuận có nguy cơ đổ bể.

Theo tờ Fortune, tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã hoãn cuộc đàm phán dự kiến diễn ra ngày 15/8 theo kế hoạch do ông giận dữ với Trung Quốc trong nhiều vấn đề và công khai đặt câu hỏi về việc liệu hai bên có tiếp tục đàm phán thương mại nữa không. Ông nói: “Tôi không muốn đàm phán với họ lúc này. Điều Trung Quốc làm với thế giới (đại dịch COVID-19) thật không thể tưởng tượng nổi”. Khi được hỏi liệu Mỹ có rút khỏi thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc không, ông Trump trả lời: “Chúng ta sẽ xem chuyện gì xảy ra”.

Dù còn điểm yếu nhưng ngày 25/8, cả hai bên dường như quyết tâm trấn an dư luận và các thị trường rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một vẫn đi đúng hướng. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) nói trong một tuyên bố: “Cả hai bên đều nhận thấy tiến triển và cam kết thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo thỏa thuận thành công”.

Tuyên bố ngắn gọn của USTR cũng xác nhận điều hai bên đã bàn bạc các vấn đề: các cam kết mua hàng của Trung Quốc trong khuôn khổ thỏa thuận, các bước Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện để bảo vệ tài sản trí tuệ Mỹ ở Trung Quốc và cách thức thiết lập môi trường kinh doanh tự do hơn cho các tập đoàn đa quốc gia Mỹ ở Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trước khi tham dự vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc ở Washington, DC ngày 10/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tương tự, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hai bên đã đối thoại mang tính chất xây dựng và nhất trí tạo điều kiện để thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Cuộc đàm phán ngày 25/8 đánh dấu thời điểm hiếm hoi Mỹ và Trung Quốc hợp tác trong bối cảnh quan hệ song phương ngày càng xuống dốc vì vấn đề đại dịch COVID-19, Đặc khu hành chính Hong Kong, nhân quyền… Tuyên bố giữa hai bên đánh dấu cuộc đàm phán thương mại cấp cao đầu tiên từ khi hai bên ký thỏa thuận giai đoạn một hồi tháng 1, cho thấy thương mại là lĩnh vực duy nhất còn lại mà hai nước có thể đối thoại với tinh thần xây dựng.

Có những lúc, căng thẳng song phương dường như khiến thỏa thuận thương mại giai đoạn một gặp rủi ro. Hơn nữa, tiến độ thực hiện thỏa thuận của Trung Quốc dường như chệch choạc. Theo thỏa thuận, Trung Quốc phải mua hàng Mỹ trị giá 200 tỷ USD năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2020, số lượng hàng Trung Quốc mua kém xa so với cam kết khi tới tháng 6, nước này mới nhập khẩu hàng Mỹ trị giá 40,2 tỷ USD, chưa bằng một nửa cam kết. Trung Quốc chậm mua hàng hóa Mỹ ở cả trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp… Trong lĩnh vực nhập khẩu năng lượng Mỹ, Trung Quốc thực hiện kém xa so với cam kết nhất. Tính tới tháng 6, Trung Quốc mới nhập khẩu 5% trong số sản phẩm năng lượng trị giá 25,3 tỷ USD mà nước này đồng ý mua của Mỹ năm 2020.

Do đó, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, các cựu quan chức và cố vấn hiện tại ở hai nước đều thận trọng, không coi trọng quá về số lượng hàng hóa Trung Quốc cần tăng cường mua theo kế hoạch. Đồng thời, hai bên đều có cảm nhận chung là có kênh liên lạc còn tốt hơn là không có gì. Cố vấn phía Trung Quốc nhận định: “Hai bên đã nhất trí tạo điều kiện để thực hiện thỏa thuận. Điều đó cho thấy Mỹ vẫn muốn giữ thỏa thuận. Trung Quốc cũng thế. Điều chúng tôi kỳ vọng vẫn như trước: Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện cam kết, còn Mỹ sẽ tiếp tục kiểm tra tiến độ”.

Về phía Mỹ, Kelly-Ann Shaw, cựu quan chức thương mại Nhà Trắng và là người hỗ trợ đàm phán thỏa thuận, cho biết mặc dù cần kiểm tra tiến độ thực hiện thỏa thuận, nhưng việc thỏa thuận vẫn tiến triển cho thấy cả hai bên vẫn cam kết tuân thủ. Ông Shaw nói: “Thỏa thuận giai đoạn một có thể là điểm sáng duy nhất trong quan hệ Mỹ-Trung trên diện rộng”.

Ông Clark Jennings, cựu cố vấn thương mại của chính quyền Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, nhận định: “Tổng thống Trump cần duy trì thỏa thuận để mang lại chiến thắng cho các thành phần hỗ trợ chính trị của mình, đặc biệt là nông dân miền Trung Tây bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại”.

Vấn đề TikTok

Chú thích ảnh
Biểu tượng ứng dụng chia sẻ video TikTok tại văn phòng ở Culver, Los Angeles, Mỹ ngày 21/8. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Fortune, trước cuộc đàm phán thương mại ngày 25/8 nói trên, có thông tin cho rằng các nhà đàm phán Trung Quốc muốn đưa ra một vấn đề có khả năng gây bất đồng: việc Tổng thống Trump quyết định cấm ứng dụng TikTok và WeChat ở Mỹ. Tuy nhiên, không bên nào xác nhận vấn đề có được đề cập trong cuộc đàm phán hay không. Trước đó, ngày 24/8, tập đoàn công nghệ Trung Quốc Bytedance (chủ sở hữu TikTok) đã thông báo sẽ kiện chính phủ Mỹ vì quyết định cấm này.

Ngay cả khi vấn đề TikTok và WeChat có được đề cập ngắn gọn thì cuộc đàm phán ngày 25/8 vẫn là một trong những cuộc trao đổi thân thiện đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều tháng qua. Không lâu sau khi có tin tức về đàm phán giữa hai bên, các thị trường toàn thế giới đã có dấu hiệu tích cực.

Dù vậy, vấn đề TikTok nói riêng và cuộc chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung nói chung vẫn còn đó. Theo tờ Financial Times, lệnh cấm TikTok cũng như WeChat của Tổng thống Trump là một phần trong cuộc chiến leo thang và ngày càng mở rộng với các tập đoàn công nghệ Trung Quốc. TikTok và phiên bản Douyin ở Trung Quốc được tải nhiều hơn Facebook năm 2019, còn WeChat là siêu ứng dụng không thể thiếu với nhiều người trong số 1,1 tỷ người dùng toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh cấm TikTok và WeChat. Ảnh: THX/TTXVN

Về lý do cấm hai ứng dụng trên, Tổng thống Trump và giới chức Mỹ lo ngại TikTok và WeChat đe dọa an ninh quốc gia và các lợi ích của Mỹ, ví dụ như thông qua việc đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng Mỹ để gửi cho các cơ quan tình báo Trung Quốc. Đây là cáo buộc bị phía Trung Quốc cương quyết bác bỏ.    

Mỹ đưa ra lý do an ninh quốc gia để cấm TikTok, song đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm và còn có những nguyên nhân sâu xa khác đằng sau động thái này. Lệnh cấm TikTok và WeChat là diễn biến mới, nấc thang mới trong cuộc cạnh tranh lợi ích và chiến lược toàn diện Mỹ-Trung.    

Đây là bước đi mới của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trên nhiều phương diện, sau khi Mỹ đã tung ra hàng loạt đòn cứng rắn khác trong gần 3 năm qua, như việc mở cuộc chiến thương mại, cấm cửa các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc là Huawei và ZTE, mới nhất là đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston (bang Texas)…    

Việc cấm TikTok và WeChat không phải là chiến thuật mới trong cuộc xung đột chiến lược lâu dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chính quyền Tổng thống Trump đang dùng chính chiêu bài mà Bắc Kinh đã áp dụng để ngăn chặn các mạng xã hội Mỹ thâm nhập thị trường Trung Quốc những năm qua.    

Thùy Dương/Báo Tin tức