06:08 10/06/2014

Đàm phán giữa Mỹ và Iran diễn ra tích cực

Ngày đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Iran và Mỹ về chương trình hạt nhân của Tehran đã diễn ra “trong bầu không khí tích cực và xây dựng”.

Ngày 9/6, hãng thông tấn ISNA dẫn lời nhà đàm phán cấp cao của Iran Abbas Araqchi cho rằng ngày đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Iran và Mỹ về chương trình hạt nhân của Tehran đã diễn ra “trong bầu không khí tích cực và xây dựng, các cuộc hội đàm sẽ được nối lại vào 9 giờ địa phương (7h00 GMT) ngày 10/6”.    

Trong khi đó, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho rằng các cuộc hội đàm tại Geneva (Thụy Sĩ) là cần thiết vì các cuộc hội đàm đa phương mở rộng chưa đạt đủ tiến bộ, Mỹ mong muốn có “một vài điều thực tế được đặt trên bàn”.    

Thứ trưởng Ngoại giao đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán của Iran Abbas Araghchi (giữa). Ảnh: AFP/ TTXVN


Trong diễn biến liên quan, phát biểu tại một cuộc họp báo tại Algiers, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho hay các cuộc hội đàm trực tiếp giữa Pháp và Iran về vấn đề hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ được tổ chức vào ngày 11/6. Ông nói: “Sau các cuộc thảo luận (giữa Iran và Mỹ), sẽ có các cuộc thảo luận giữa Iran và Nga và có thể với các nước khác. Ba nước khác theo tôi được biết đó là Mỹ, Nga và Pháp”.

Tình báo Israel: Iran nghiêm túc

Cùng ngày, quan chức tình báo quân đội Israel, tướng Itai Brun nhận định Iran đang đàm phán một cách nghiêm túc về thỏa thuận nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.    

Phát biểu tại Hội nghị thường niên Herzliya tổ chức gần Tel Aviv, Tướng Brun nói: “Rất có thể Iran và các cường quốc đang tham gia đàm phán sẽ hướng tới việc ký kết một thỏa thuận hạt nhân lâu dài vào một thời điểm nào đó trong năm nay. Trong quãng thời gian đó, Iran sẽ chấp nhận thỏa thuận tạm thời và các áp lực, chủ yếu đến từ khía cạnh kinh tế, sẽ dẫn dắt tới một cuộc đối thoại về một thỏa thuận lâu dài mà chúng tôi xem là nghiêm túc”.    

Theo Tướng Brun, Iran đang tôn trọng thỏa thuận tạm thời đạt được hồi tháng 11/2013 mà ông Netanyaho chỉ trích là một "sai lầm lịch sử" khi nới lỏng trừng phạt đối thủ truyền kiếp của Israel. Giới quan sát nhận định đây là một dấu hiệu hiếm hoi thể hiện sự chia rẽ ở cấp cao so với lập trường coi thường các cuộc đàm phán với Iran của Thủ tướng Netanyahu.


TN