Trước thảm cảnh đổ nát sau trận động đất kinh hoàng tại Myanmar cuối tháng 3/2025, mang theo niềm tin và kỳ vọng của Tổ quốc, đoàn cứu hộ cứu nạn Việt Nam đã nhanh chóng lên đường, chung tay hỗ trợ nước bạn vượt lên thảm họa thiên tai.
Sau khi trở về nước, Trưởng đoàn cứu hộ Bộ Công an, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) đã chia sẻ với báo phóng viên báo Tin tức và Dân tộc về chuyến đi cứu nạn cứu hộ tại Myanmar sau trận động đất kinh hoàng.
Từng khoảnh khắc, âm thanh, cảm xúc vẫn vẹn nguyên trong lòng Đại tá Nguyễn Minh Khương, không ít lần cổ họng ông nghẹn ứ, phải dừng lại ổn định cảm xúc… Giữa khoảng lặng ấy, chúng ta hiểu rằng, đằng sau bộ quân phục dày dạn kia là trái tim xót xa, đau đáu nghĩ về những số phận kém may mắn, nhưng cũng đầy ý chí, quyết tâm hỗ trợ nước bạn trong “cuộc chiến” không tiếng súng.
Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ với phóng viên báo Tin tức và Dân tộc.
“Cứu người sống, tìm người chết” trong đống đổ nát
Lúc 18 giờ ngày 30/3, đoàn cứu hộ Việt Nam đặt chân xuống sân bay quốc tế Yangon, Myanmar. Theo dự tính ban đầu, quãng đường đoàn di chuyển từ sân bay Yangon tới Thủ đô Naypyidaw mất khoảng 5 tiếng đồng hồ, tuy nhiên hôm đó đoàn đã phải di chuyển gần 9 tiếng để đến được địa điểm tập trung.
Khung cảnh hai bên đường như những thước phim quay chậm, những cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt Đại tá Nguyễn Minh Khương đó là những con đường bị nứt toác, những công trình giờ chỉ còn là đống đổ nát, những mái nhà đã từng là tổ ấm của các gia đình giờ đây hoang tàn, ngổn ngang. Chính những tàn tích này đã khiến đường đi của đoàn trở nên gian nan, nhưng cũng là lời nhắc nhở không nói thành lời: Người dân nơi đây đang cần sự hiện diện của những cán bộ, chiến sĩ Việt Nam.
15 giờ ngày 31/3, 3 chiếc xe tải nặng nề chở hơn 60 tấn thiết bị và vật tư cuối cùng cũng đến nơi tập kết. Bởi trên suốt hành trình ấy, đoàn xe phải dừng lại nhiều lần để các lực lượng kiểm tra bên trong có vũ khí hay không?...
Nạn nhân đầu tiên được đưa ra ngoài là một em bé 10 tuổi. Nhưng không một phép màu xảy ra, em đã mất. “Khi chúng tôi đưa cháu ra khỏi hiện trường, thi thể vẫn còn mềm. Có thể cháu bé chỉ vừa mới mất khoảng nửa ngày. Do điều kiện thực tế, nếu chúng tôi tiếp cận được sớm hơn thì có lẽ chúng tôi đã cứu được cháu bé…”, giọng Đại tá Nguyễn Minh Khương nghẹn lại.
Từ những tiếc nuối đó, các cán bộ, chiến sĩ trong đoàn cứu hộ Việt Nam tại Myanmar tự nhủ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa và trăn trở: Làm thế nào để chạy đua với thời gian, giành giật sự sống cho nạn nhân, cũng như nhanh chóng tìm kiếm người bị nạn, trao về gia đình, người thân…
Đại tá nhớ lại những lần cùng anh em đối mặt với tình huống khó khăn nhất, khi cứu một cụ bà khoảng 80 tuổi bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Phải mất hai ngày ròng rã, các chiến sĩ mới đưa được cụ ra ngoài. Hôm trước đó, dù đã nỗ lực, nhưng đến 19 giờ, công tác cứu nạn, cứu hộ vẫn chưa thể hoàn thành. Đại tá Nguyễn Minh Khương quyết định cho anh em trở về nghỉ ngơi, ai nấy đều trăn trở, canh cánh trong lòng...
“Đêm ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ không thể chợp mắt. Tâm trí họ cứ miên man: “Sáng mai phải làm sao? Làm thế nào để đưa cụ ra nhanh nhất…?” Bản thân tôi cũng trằn trọc tới tận gần 1 giờ sáng mới ngủ thiếp đi. Nhưng chưa được bao lâu, tôi giật mình tỉnh giấc vào khoảng hơn 3 giờ… lòng đầy lo lắng. Hôm sau, chúng tôi bắt tay ngay thực hiện các phương án để giải quyết tình huống, chúng tôi nỗ lực làm từ sáng sớm cho đến chiều tối trong môi trường nhiều tử khí…”, Đại tá Nguyễn Minh Khương kể lại.
Video ghi lại hoạt động của Đoàn CNCH Bộ Công an Việt Nam tại Myanmar:
Thời tiết tại Thủ đô Naypyidaw, Myanmar tương đối khắc nghiệt, nhiệt độ ban ngày lên đến 40 độ C. Trong cái oi ả đặc quánh ấy, đoàn cứu hộ Việt Nam phải đối mặt với một thách thức khắc nghiệt hơn cả cái nóng, đó là mùi tử khí bốc ra từ các thi thể đang trong quá trình phân hủy.
“Để hạn chế mùi tử khí, các cán bộ chiến sĩ đã sử dụng dầu gió để nhỏ vào các lớp khẩu trang nhằm lấn át mùi. Tuy nhiên, sau mỗi ca làm việc, một số chiến sĩ đã xì ra cả máu mũi, các lớp niêm mạc mũi bị cay, nóng và vỡ niêm mạc…”, Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ.
Mỗi lần tiếp cận thi thể các nạn nhân, Đại tá Nguyễn Minh Khương luôn quán triệt chỉ đạo các thành viên trong đoàn làm việc trong khoảng 30 phút, sau đó phải đổi người khác. Bởi mùi tử khí nồng nặc từ thi thể nạn nhân bị phân hủy, có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình cứu nạn, cũng như sức khỏe các thành viên trong đoàn.
Năm 2023, Đại tá Nguyễn Minh Khương cũng thực hiện hoạt động cứu nạn, cứu hộ người dân Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất kinh hoàng. Nhưng chuyến cứu hộ tại Myanmar lần này có nhiều khó khăn, thử thách hơn. Đại tá chia sẻ, tại Thổ Nhĩ Kỳ, đặc điểm công trình nơi đoàn Việt Nam làm nhiệm vụ là các tòa nhà thường đã sập đổ hoàn toàn, biến thành đống đổ nát hỗn độn. Trong tình huống ấy, đoàn đã đề nghị phía bạn hỗ trợ bằng máy móc cơ giới để bốc dỡ từng lớp vật liệu nặng, mở đường tiếp cận. Tuy nhiên, khi tiếp cận những vị trí có nạn nhân bị vùi lấp, đoàn không thể dùng máy cào, bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến cơ thể họ bị nghiền nát. Vì vậy, khi tiếp cận điểm nóng, đoàn chuyển sang sử dụng các thiết bị khoan, cắt, phá chuyên dụng. Mỗi vết khoan, mỗi nhát cắt đều phải tính toán kỹ lưỡng, từng bước, từng bước một để giữ cứu nạn nhân ở phía dưới lớp bê tông.
“Nhưng tại hiện trường đổ nát ở Myanmar, chúng tôi phải luồn lách vào bên trong tầng một của một tòa nhà đã sập, các tầng trên hoàn toàn đè lên tầng dưới, tạo ra một khối bê tông chồng chất đầy hiểm họa. Để tiếp cận được nạn nhân, chúng tôi phải đục sàn, cắt sàn, thậm chí phá tường, mở đường sang các vị trí bên cạnh. Mỗi bước tiến đều tiềm ẩn nguy cơ, chỉ cần một dư chấn nhỏ, những khối bê tông phía trên có thể sụp xuống bất cứ lúc nào...”, đại tá Nguyễn Minh Khương kể lại.
Dù có nhiều khó khăn, nhưng vượt lên trên hết, bằng ý chí quyết tâm, tinh thần “tương thân tương ái”, đoàn cứu hộ Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng Tổ quốc giao phó. Họ không chỉ mang theo máy móc, thiết bị, mà còn mang theo lòng nhân ái, mang theo hình ảnh cao đẹp của con người Việt Nam dũng cảm, nhân văn và tràn đầy tình người, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.
Hiện trường đổ nát sau thảm hoạ động đất tại Myanmar. Ảnh: Bộ Công an Việt Nam
Một trong số 7 nạn nhân mà Đoàn cứu hộ cứu nạn Bộ Công an Việt Nam trực tiếp tìm kiếm và đưa ra khỏi hiện đường. Ảnh: Bộ Công an Việt Nam
Một Việt Nam đượm nghĩa tình
Trở về Việt Nam sau chuyến đi, Đại tá Nguyễn Minh Khương vẫn chưa thể ngủ trọn giấc. Có những khoảnh khắc ám ảnh mãi không nguôi. Trong buổi trò chuyện với phóng viên, ông nghẹn ngào nhắc đến hình ảnh một cháu bé mất một chân sau vụ động đất. Đứa trẻ còn quá nhỏ, chỉ biết khóc và liên tục gọi mẹ bế, nhưng do bị thương quá nặng, em không thể ngồi dậy. Đó là một trong những khoảnh khắc khiến những người trưởng đoàn không thể kìm được cảm xúc.
Bên cạnh đó là khoảnh khắc chứng kiến các bệnh nhân bị chấn thương sọ não đang phải nằm điều trị ngoài trời, dẫn lưu dịch từ não ra, trong môi trường điều trị không đảm bảo, các nạn nhân có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn… Và cả hình ảnh người mẹ thẫn thờ đứng ngoài trời trông ngóng con, ánh mắt buồn rầu, hai cánh tay chi chít những nốt hồng do muỗi đốt…
Đặc biệt là hiện trường cuối cùng đoàn cứu nạn Bộ Công an thực hiện tại khách sạn Jade City, khu vực được đánh giá phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất.
“Khách sạn cao 9 tầng, nhưng toàn bộ phần tầng 1 đã bị đổ sập sau trận động đất, 8 tầng phía trên đè toàn bộ lên khu vực tầng 1. Các cấu kiện ở đây có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào nếu công tác cứu nạn không đảm bảo. Để có thể tiếp cận vị trí nạn nhân, các cán bộ chiến sĩ phải bò từ mép ngoài vào bên trong khoảng 10 mét, bởi vị trí tầng 1 giáp các tầng trên chỉ cách nhau khoảng 50 cm, rấtbnhỏ hẹp”, Đại tá Nguyễn Minh Khương nhớ lại.
Trước khi thực hiện nhiệm vụ, toàn đội đã tiến hành gia cố từng vị trí, dựng các điểm thoát hiểm tạm thời để nếu có rung chấn xảy ra, anh em có đường lui. Mỗi bước tiến vào là một bước đặt cược, nhưng không ai chùn bước.
Đại tá Nguyễn Minh Khương trao quà và thăm hỏi các nạn nhân. Ảnh: Bộ Công an Việt Nam
Đoàn cứu hộ cứu nạn Bộ Công an Việt Nam hỗ trợ các nạn nhân tại một bệnh viện dã chiến. Ảnh: Bộ Công an Việt Nam
Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) trao hàng cứu trợ tới Thủ hiến vùng Yangon U Soe Thein. Ảnh: Bộ Công an Việt Nam
“Trong quá trình tìm kiếm cứu nạn, chúng tôi cũng úp ngược các chai nước uống, đặt tại hiện trường để cảnh báo rung chấn. Theo lẽ thường, phần tiết diện nắp chai khi bị úp ngược rất bé, nên khi có rung chấn nhẹ, các chai nước cũng có thể bị lật đổ, khi ấy anh em sẽ phải dừng công việc và rút ngay ra khỏi hiện trường”, Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ.
Khi đưa được nạn nhân trong đống đổ nát ra ngoài, nhận được sự tán thưởng và sự nể phục của các đoàn công tác quốc tế khác, bởi sự kiên cường và tinh thần không quản ngại khó khăn, nguy hiểm của đoàn Việt Nam, Đại tá Nguyễn Minh Khương và các đồng đội cảm thấy ấm lòng.
Ngoài nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, đoàn công tác Việt Nam còn kịp thời tổ chức khám chữa bệnh, sơ cứu, thay băng, sát khuẩn và cấp phát thuốc cho hơn 50 người bị thương. Hai lều bạt được dựng lên làm nơi tạm trú cho những gia đình chịu cảnh “màn trời, chiếu đất”. Trong hành trình cứu trợ, đoàn còn phun khử khuẩn, diệt muỗi tại các khu dân cư bị ảnh hưởng, tổ chức hoạt động dân vận… Bên cạnh đó giúp đỡ những người dân còn sống sót sau thảm họa động đất; thăm hỏi, động viên các nạn nhân đang được điều trị tích cực.
“Tất cả những nạn nhân, chúng tôi đưa ra khỏi đống đổ nát, chúng tôi đều chia sẻ với gia đình và hỗ trợ một phần kinh phí để có thể giúp họ bước đầu vượt qua khó khăn, mất mát”, Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết.
Điều khiến các chiến sĩ tự hào nhất là nhận được tình cảm, yêu mến của bà con tại Myanmar. Những lần các chiến sĩ đến chợ dân sinh địa phương để mua rau, gia vị... Khi thấy màu áo quen thuộc, những người dân Myanmar hỏi: “Có phải các anh là đoàn Việt Nam không?”... Rồi họ nhất định không nhận tiền. Họ lắc đầu, mỉm cười, mắt ánh lên sự biết ơn chân thành. Tuy nhiên những chiến sĩ nói lời cảm ơn, gửi tiền và giải thích: “Chúng tôi đi làm nhiệm vụ đã được Chính phủ hỗ trợ. Chúng tôi nhất định phải trả tiền vì chúng tôi hiểu rằng các bạn cũng đang khó khăn…”, Đại tá Nguyễn Minh Khương nói.
Đó những câu chuyện, khoảnh khắc khiến những thành viên trong đoàn xúc động, tự hào, hạnh phúc khi những nỗ lực được chính người dân nơi đây ghi nhận và trân trọng. Sự cảm ơn mộc mạc, ánh mắt biết ơn hay chỉ là cái bắt tay thật chặt cũng đủ thôi thúc các bác sĩ, chiến sĩ tiếp tục nỗ lực, cống hiến hết mình…