03:08 18/03/2013

Đám cưới tập thể lần đầu tiên của thanh niên Thủ đô

Hôm qua (17/3), lần đầu tiên tại Hà Nội, một đám cưới tập thể dành cho thanh niên, lao động trẻ đã được tổ chức. Cưới tập thể giúp niềm vui hạnh phúc ngày cưới nhân lên, đồng thời giảm gánh nặng kinh tế cho những đôi vợ chồng trẻ khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân.

Hôm qua (17/3), lần đầu tiên tại Hà Nội, một đám cưới tập thể dành cho thanh niên, lao động trẻ đã được tổ chức. Cưới tập thể giúp niềm vui hạnh phúc ngày cưới nhân lên, đồng thời giảm gánh nặng kinh tế cho những đôi vợ chồng trẻ khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân.

 

Nhân niềm hạnh phúc lên gấp bội


Ngày 17/3/2013 trở thành một kỷ niệm đặc biệt sâu sắc đối với 20 bạn trẻ, những nhân vật chính tại Lễ cưới tập thể do Thành đoàn Hà Nội tổ chức cho 10 cặp uyên ương là các đoàn viên sinh sống hoặc làm việc ở phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai).


 

Niềm vui của các cặp uyên ương.

Khác với lễ cưới thông thường, tại đám cưới tập thể này, bên cạnh các nghi lễ truyền thống như: cô dâu chú rể trao nhẫn, rót rượu sâm panh… thì các bạn trẻ còn được nhận quà của các cơ quan, đoàn thể và lãnh đạo thành phố. Trong trang phục truyền thống áo dài khăn đóng, chú rể Nguyễn Khắc Thanh nắm tay cô dâu Nguyễn Thanh Thúy cười rạng rỡ: “Với mình, đây là kỷ niệm rất đẹp, rất ấn tượng trong cuộc đời”. Bố mẹ của Thanh và Thúy từ Thái Bình có mặt trong đám cưới đặc biệt của con cũng cảm thấy rất tự hào và hãnh diện khi lễ thành hôn của con mình được nhiều cơ quan đoàn thể quan tâm.


Ưu điểm đầu tiên của việc tổ chức cưới tập thể, theo Khắc Thanh là về mặt kinh tế. Thanh và Thúy (quê ở Thái Bình) mới trở thành cư dân phường Thịnh Liệt được vài năm nay. Hai vợ chồng đều vừa ra trường, mới bắt đầu lập nghiệp, kinh tế còn rất khó khăn. “Đám cưới hôm nay, chúng mình được hỗ trợ 1 triệu đồng, lại được tặng một ảnh cưới phóng to. Các chi phí cho khâu tổ chức, bánh kẹo, trà nước… đều được hỗ trợ. Sắp tới, đưa vợ về ra mắt họ hàng ở quê, chúng mình vẫn làm cỗ nhưng chỉ làm gọn nhẹ vài mâm cỗ để cúng gia tiên và mời họ hàng. Nhờ vậy, hai vợ chồng bớt được rất nhiều gánh nặng kinh tế để lo đám cưới”.


“Hiện nay, để tổ chức một đám cưới cần khoản chi phí không nhỏ. Nhiều cô dâu chú rể do tổ chức cưới xa hoa, tốn kém nên sau khi cưới còn phải lo trả nợ hàng chục triệu đồng”, chị Lê Thị Thanh Ngà, Bí thư Đoàn phường Thịnh Liệt cho biết. Trong khi đó, nếu chọn hình thức cưới tập thể, các cặp uyên ương vừa tiết kiệm được chi phí mà lại còn nhận được rất nhiều lời chúc phúc, quà tặng và sự trợ giúp của các đoàn viên về mọi mặt trong khâu tổ chức.


Bên cạnh đó, “hạnh phúc của các đôi uyên ương như được nhân lên gấp 10 lần vì còn có sự chung vui của 9 cặp cô dâu chú rể khác”, Thu Trà - một trong 10 cô dâu may mắn của lễ cưới đặc biệt cho biết.


Cưới tập thể còn là niềm vui chung của gia đình nội ngoại hai bên. Chia sẻ tâm trạng khi con trai cả được tổ chức cưới tập thể, bác Nguyễn Thanh Mai, mẹ chú rể Việt Anh cho biết: “Cưới tập thể rất vui mà gia đình nội ngoại đỡ được nhiều nỗi lo, nhất là về chi phí tổ chức”.

 

Sẽ nhân rộng mô hình cưới văn hóa


Việc tổ chức cưới tập thể cho thanh niên tại khu dân cư - sáng kiến của Đoàn phường Thịnh Liệt chỉ mới thông tin rộng rãi đầu tháng 3/2013 đã nhanh chóng được đông đảo bạn trẻ hưởng ứng. Đây là mô hình điểm của Thành Đoàn Hà Nội.


Theo chị Lê Thị Thanh Ngà, tới đây, Đoàn phường sẽ triển khai xây dựng mô hình “Phòng cưới văn hóa” để duy trì cách tổ chức cưới tiết kiệm, văn minh. Việc tổ chức sẽ căn cứ vào đăng ký của các bạn trẻ. Vì lễ cưới tập thể sáng 17/3 là lần đầu tiên làm điểm, các cặp đôi được nhận tài trợ hoàn toàn từ nguồn quỹ của thành phố Hà Nội. Còn sắp tới, khi tham gia cưới theo mô hình này, mỗi cặp đôi cũng chỉ phải chi khoảng 800.000 - 1 triệu đồng/đám cưới.


Theo Thành Đoàn Hà Nội, mô hình “Phòng cưới văn hóa” được thành lập với mục đích xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, hỗ trợ các thanh niên gặp khó khăn về kinh tế ở thời điểm lập gia đình: địa điểm tổ chức, trang trí đám cưới… Còn tham gia Câu lạc bộ Gia đình trẻ, những cặp vợ chồng trẻ sẽ được tư vấn nhiều kinh nghiệm khi bước vào đời sống hôn nhân.


Tuy nhiên, để những lễ cưới tiết kiệm, văn minh như thế này trở nên phổ biến thì không đơn giản. Thói quen phổ biến của người dân vẫn là tổ chức linh đình, với vài chục, thậm chí hàng trăm mâm cỗ. Vì thế, để nhân rộng mô hình cưới văn hóa, tiết kiệm, cần phổ biến thông tin rộng rãi tới người dân, nhất là các đoàn viên thanh niên.


Bài và ảnh: Mạnh Minh