10:00 06/10/2011

Đảm bảo xuất khẩu tăng trưởng ổn định

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, dự báo xuất khẩu trong những tháng cuối năm có thể tăng 24 - 25%. Đó là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu để hạn chế nhập siêu trong các tháng cuối năm không hề đơn giản,...

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, dự báo xuất khẩu trong những tháng cuối năm có thể tăng 24 - 25%. Đó là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu để hạn chế nhập siêu trong các tháng cuối năm không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh thị trường sẽ khó khăn do kinh tế thế giới chưa phục hồi, nợ công tăng lên. Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp( DN) sản xuất và xuất khẩu nhằm đảm bảo xuất khẩu tăng trưởng ổn định.

Nhập siêu lại có chiều hướng tăng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 8,3 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 9,3 tỷ USD và nhập siêu có thể trở lại mức 1 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu đang có xu hướng gia tăng trở lại, từ mức xuất siêu hơn 1,1 tỷ USD trong tháng 7, sang tháng 8 lại nhập siêu xấp xỉ 400 triệu USD và tháng 9 còn cao hơn. Diễn biến nhập siêu tăng trong tháng 9 là do kim ngạch xuất khẩu được dự báo có khả năng giảm mạnh hơn nhiều so với nhập khẩu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước tính sẽ giảm khoảng 10,2% so với mức thực hiện tháng trước và đánh mất mốc 9 tỷ USD đạt được trong tháng 7 và 8. Ngược lại, nhập khẩu chỉ giảm gần 3,6% và vẫn đang đứng ở mức khá cao.

Công ty Fimex Việt Nam ( Sóc Trăng ), một trong các nhà xuất khẩu sản phẩm chế biến giá trị cao từ tôm, đạt doanh thu 43,7 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2011 ước tính đạt khoảng 70,03 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu 76,87 tỷ USD và tăng 26,9% so với cùng kỳ. Nhập siêu đến tháng 9/2011 ước tính khoảng 6,84 tỷ USD, bằng khoảng 9,77% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng thời kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh do phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều giảm so với tháng trước. Đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm mạnh tới 40,9% về giá trị và khoảng 41,8% về lượng do Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chính thức hoạt động trở lại từ ngày 13/9 đã tiết giảm cung xuất khẩu mặt hàng này.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu đa số nhóm hàng nông sản cũng đều sụt giảm khá lớn, trong đó kim ngạch xuất khẩu gạo giảm khoảng 24% so với tháng trước, riêng hạt điều tăng 3,4% và đây cũng là nhóm duy nhất có kim ngạch tăng trong tháng này. Than đá giảm 15,7%; nhóm hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ giảm từ 5,2% đến 7,6%; điện tử, máy tính giảm 3,5%; máy móc, thiết bị, phụ tùng giảm 6,6%... Không còn thuộc nhóm có kim ngạch cao, nhưng đá quý, kim loại quý lại có mức giảm kim ngạch lớn nhất khi giảm gần 76%, chỉ còn đạt khoảng 40 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu do việc tái xuất vàng đã không còn và thay vào đó là Việt Nam lại phải nhập khẩu trở lại.

Về nhập khẩu, tháng 9 so với tháng trước có tới 22 trên tổng số 32 nhóm hàng có kim ngạch giảm. Chỉ tính trong nhóm các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn, số nhóm hàng giảm cũng áp đảo, trong đó đáng chú ý là kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng giảm trên 10% so với tháng trước; điện tử máy tính giảm gần 8,4%; chất dẻo, gỗ, hóa chất, bông, sợi dệt… cũng đều giảm so với tháng trước. Ngược lại, nhập khẩu xăng dầu tăng trên 14,6% so với tháng 8; vải tăng gần 2%; đáng chú ý là nhập khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng tăng tới 6,5 lần so với tháng trước, dù kim ngạch tháng này chỉ đạt khoảng 100 triệu USD.

Hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu

Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng mặc dù kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn nhưng các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam vẫn duy trì lượng cầu ổn định. Bên cạnh đó, cơ hội tiếp cận nhiều thị trường mới cùng với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu gia tăng là cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu Việt Nam trong những tháng cuối năm. Để thúc đẩy xuất khẩu, song song với mở rộng thị trường xuất khẩu, các DN cũng phải thực hiện chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, trong đó cần chú trọng đến việc đa dạng hóa mặt hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu thực hiện tốt hai nội dung trên sẽ đảm bảo cho xuất khẩu tăng trưởng ổn định.

Các DN cho rằng, để làm được những vấn đề trên thì DN cần được tháo gỡ khó khăn về vốn và lãi suất. Hiện nay, một số chính sách của Nhà nước về lãi suất đã phần nào giải tỏa khó khăn cho DN. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa giải quyết tận gốc vấn đề vốn vì vẫn còn nhiều đơn vị tiếp cận nguồn vốn khó khăn, nhất là đối với DN vừa và nhỏ. Ngoài ra, DN xuất khẩu hiện cũng đang đối mặt với một số khó khăn như khả năng cạnh tranh thấp tại thị trường xuất khẩu, đó là nhiều mặt hàng gia công xuất khẩu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhưng giá nguyên liệu nhập tăng cao. Tình trạng thiếu hụt lao động cũng đang ở mức nghiêm trọng, nhất là lao động tay nghề cao. Chi phí công nhân có xu hướng tăng nhanh khiến hàng sản xuất tại Việt Nam đang mất dần lợi thế có giá nhân công rẻ.

Bộ Công Thương nhận định: Nhập siêu sẽ tăng hơn do không còn tình trạng ồ ạt xuất khẩu vàng như trong 8 tháng năm 2011 mà sẽ chuyển sang tình trạng nhập khẩu vàng tăng trong các tháng tới để bình ổn thị trường vàng trong nước. Nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu như sắt thép, vật liệu xây dựng, xăng dầu… để chuẩn bị sản xuất trong năm sau sẽ tăng cao trong quý IV cũng là những yếu tố khiến nhập siêu sẽ tăng khá mạnh trong những tháng cuối năm. Bộ Công Thương dự báo, năm 2011, nhập siêu của nước ta sẽ khoảng 11 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, những tháng cuối năm xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn về giá và thị trường. Để góp phần giúp xuất khẩu tăng trưởng ổn định, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp, nắm bắt thông tin từ các địa phương, hiệp hội ngành hàng để chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho DN; đồng thời, thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ để kiềm chế nhập siêu.

Đỗ Thảo Nguyên