10:19 29/10/2015

Đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp khi sửa đổi luật thuế

Chiều 29/10, theo chương trình của Kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.


Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Thân Đức Nam thảo luận tại tổ. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đây là những dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp lần này. Do đặc điểm tác động lớn của các sắc luật thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và điều tiết nền kinh tế, các dự luật được sửa đổi lần này nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của các đại biểu Quốc hội mà còn cả cộng đồng doanh nghiệp và cử tri.


Duy trì sự ổn định của các đạo luật thuế


Ngay trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã nhận định Luật thuế GTGT và Luật quản lý thuế mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung tại Luật số 71/2014/QH13, hiệu lực thi hành ngày 01/01/2015 và Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi hiện nay chưa đến thời điểm hiệu lực thi hành (01/01/2016), việc tiếp tục đề nghị sửa đổi những đạo luật thuế này chưa thực sự hợp lý, có thể dẫn đến thiếu ổn định trong chính sách về thu ngân sách. Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá tổng thể các luật về thuế và sửa đổi toàn diện các nội dung của từng luật thuế trình Quốc hội xem xét khi đủ điều kiện.


Tại buổi thảo luận, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về nội dung sửa đổi giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với tất cả hàng hoá chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra nhưng không được thấp hơn mức tỷ lệ (%) do Chính phủ quy định so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Nhiều ý kiến mong muốn cơ quan soạn thảo chú trọng đến yếu tố đảm bảo bình đẳng, thống nhất mặt hàng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu bán ra trong nước. Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần tính toán kỹ và cụ thể hơn nữa nhóm các điều khoản được sửa đổi lần này, tránh trường hợp hàng hóa nhập khẩu chịu hai lần thuế Tiêu thụ đặc biệt, “thuế trùng thuế”. Có như vậy mới thể hiện tính rõ ràng, minh bạch và cụ thể của sắc luật thuế.


Băn khoăn căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt


Băn khoăn đối với quy định về căn cứ tính thuế Tiêu thụ đặc biệt theo nội dung dự thảo, Đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là vấn đề nổi lên trong việc sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt lần này bởi tác động rộng lớn của nó đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, quy định như trong dự thảo là chưa rõ ràng, cụ thể. Căn cứ tính thuế là vấn đề phức tạp nhất, ví dụ như hàng nhập khẩu, việc lấy giá nào để làm căn cứ bắt đầu tính thuế bởi vì tỷ lệ phần trăm trên mức giá là rất quan trọng. Việc lựa chọn giá bán lẻ hay giá bán buôn để tính thuế là điểm mấu chốt và là vấn đề rất phức tạp khi sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Đại biểu Trần Du Lịch phân tích.


Cắt nghĩa nội dung sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt như trong dự thảo: Giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán ra nhưng không được thấp hơn mức tỷ lệ (%) do Chính phủ quy định so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra, Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị, cơ quan soạn thảo cần phải lý giải thêm bởi đây cũng là điểm thể hiện tính cạnh tranh giữa sản xuất hàng hóa trong nước và nước ngoài, rất cần lưu tâm khi sửa đổi Luật này.


Tán thành với quan điểm của cơ quan thẩm tra, Đại biểu Trương Thị Ánh (TP.Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, sửa đổi các đạo luật về thuế cần đặc biệt tôn trọng tính công khai, minh bạch và rõ ràng. Việc sửa đổi thuế phải tính đến yếu tố bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau. Ngoài ra, dự thảo cần bổ sung quy định đảm bảo tiếp tục định hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong việc kê khai, nộp thuế.


Cùng quan điểm này, Đại biểu Võ Thị Dung (TP.Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi các đạo luật thuế phải đảm bảo tiêu chí bình đẳng giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, không phân biệt doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân. Việc sửa đổi cũng phải hội tụ các tiêu chí minh bạch, rõ ràng và không áp dụng chính sách cào bằng đối với các doanh nghiệp.


“Thuế của chúng ta còn một điểm yếu là chỉ sửa nội dung mà chưa có giải pháp cụ thể, vẫn còn những vấn đề tiêu cực trong quản lý thuế, đặc biệt là đội ngũ thực hiện tính thuế, thu thuế”, Đại biểu Dung nói. Từ đó, đại biểu của đoàn TP.Hồ Chí Minh kiến nghị dự thảo sửa đổi lần này phải bổ sung thêm quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đối với cán bộ ngành thuế, có quy định về việc thực hiện những giải pháp tăng cường năng lực cho cán bộ ngành thuế; sao cho tạo điều kiện cho người nộp thuế được dễ dàng, thuận lợi hơn.


Dự kiến, theo chương trình, hai dự thảo sửa đổi trên sẽ tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội tại hội trường một lần nữa trước khi chính thức được thông qua tại tại Kỳ họp lần này.


QV (TTXVN)