04:12 29/04/2021

Đảm bảo môi trường du lịch an toàn dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/4: Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4/2021 tăng nhẹ so với tháng 3/2021 nhưng vẫn giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 4 tháng qua, khách quốc tế đến nước ta giảm 98,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chú thích ảnh
Công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Nguyên nhân là do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID -19, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Do đó lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu của năm ước tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước do các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống đã hoạt động trở lại. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4.000 tỷ đồng, giảm 49,2% so với cùng kỳ năm 2020...

Tổng cục Du lịch cho biết, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa du lịch hè đang đến gần, số lượng khách đặt phòng, đặt tour tăng mạnh. Ví dụ như Khánh Hòa sẽ đón khoảng 70.000 lượt khách du lịch lưu trú. Công suất phòng của các khách sạn ước đạt khoảng 70%. Trong đó, khách du lịch chủ yếu tập trung tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở thành phố Nha Trang và khu vực Bãi Dài (Cam Lâm - Cam Ranh). Còn Vietravel Hà Nội dự kiến dịp lễ 30/4-1/5 năm nay sẽ phục vụ khoảng 15.000 lượt khách với các điểm đến được lựa chọn nhiều nhất Sapa, Hạ Long, Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Buôn Mê Thuột, miền Tây...

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực, Tổng cục Du lịch đề nghị cơ quan quản lý du lịch các địa phương cần tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra phòng chống dịch, phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác quản lý.

Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức các đoàn công tác, phối hợp kiểm tra tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Kiên Giang nhằm đảm bảo môi trường du lịch an toàn phục vụ khách du lịch dịp nghỉ lễ. 

Tổng cục Du lịch cũng đề nghị sở quản lý du lịch các địa phương cần đôn đốc doanh nghiệp du lịch nghiêm túc khai báo, đánh giá an toàn COVID-19 theo quy định. Đây là một tiêu chí đánh giá cơ sở đủ điều kiện đón, phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu du khách, chuẩn bị sẵn sàng phương án đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chung của ngành trong năm 2021.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết sẽ lùi Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - Hà Nội (VITM) năm 2021 sang tháng 6/2021 thay vì tổ chức vào tháng 5 như dự kiến do diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19. Chủ đề của hội chợ năm nay là “Cơ hội của du lịch Việt Nam 2021 trong trạng thái bình thường mới” (viết tắt là “Bình thường mới, cơ hội mới”). Năm 2020, tuy gặp nhiều khó khăn do COVID-19, VITM vẫn diễn ra với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp từ 6 quốc gia và 47 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã tàn phá nặng nề du lịch toàn cầu, tác động tiêu cực của nó còn kéo dài nên nền kinh tế thế giới phải hoạt động trong tình trạng vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Ngành du lịch đã nhận thấy phương thức quản lý và kinh doanh truyền thống không còn phù hợp. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại (di động, điện toán đám mây, internet vạn vật, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, block chain) và thương mại điện tử sẽ đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số, tạo sự thay đổi về chất, tăng trưởng vượt bậc cho ngành du lịch. Các doanh nghiệp tham gia hội chợ có cơ hội tìm hiểu về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới để khai thác các lợi thế, thúc đẩy kinh doanh, khôi phục và phát triển du lịch.

Thanh Giang (TTXVN)