12:06 16/12/2016

Đảm bảo đủ lao động, sẵn sàng sản xuất ngay sau Tết

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Cần chủ động triển khai ngay kế hoạch năm 2017 từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới, phải thực sự bắt tay vào việc, không để diễn ra tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi".

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các doanh nghiệp và bản thân người lao động đã tích cực lên kế hoạch để tập trung sản xuất. Đặc biệt, ngay từ bây giờ, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị tuyển lao động, tránh tình trạng thiếu hụt lao động trước và sau Tết, đảm bảo hiệu quả sản xuất quý 1/2017.

Ưu tiên công việc

Chị Đinh Thị Lượng, công nhân may mặc khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) đã lên kế hoạch sắp xếp nghỉ Tết từ bây giờ, để còn quay trở lại làm việc theo đúng hẹn. “Năm nay nghỉ tết 7 ngày, nhưng công việc là công việc, giờ chúng tôi cũng đảm bảo đúng quy định vì cũng không muốn nhảy việc như trước, làm ổn định tích góp sau này về quê”, chị Lượng chia sẻ.

Ông Đinh Viết Thanh, Phó phòng hành chính, Công ty May 10 cho biết: Ngay sau khi có lịch nghỉ Tết, đơn vị đã bám vào khung nghỉ này để xây dựng kế hoạch sản xuất. “Thông thường, với các đơn hàng làm cho đối tác nước ngoài, công ty sẽ thông báo trước lịch nghỉ Tết, nhất là khung lịch nghỉ của Nhà nước, để họ chủ động, cũng như đảm bảo quyền lợi này cho người lao động. Nếu công nhân có nguyện vọng nghỉ thêm, doanh nghiệp và đại diện công đoàn sẽ cùng trao đổi để có giải pháp hợp lý nhất. Tuy nhiên, mọi kế hoạch đã phải lên từ bây giờ cho chủ động với ưu tiên cao nhất đảm bảo cho sản xuất”, ông Đinh Viết Thanh cho biết.

Còn Công ty cơ khí Hoàn Mỹ liên tục trong các phiên giao dịch việc làm đều đăng ký tuyển 20 - 30 nhân viên kinh doanh, sản xuất, lái xe. “Do cuối năm, để đáp ứng các đơn hàng, công ty tuyển thêm nhân sự đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường. Đồng thời, tùy vị trí cụ thể và căn cứ từ biến động nhân sự, đơn vị cũng tuyển các vị trí làm bán thời gian”, đại diện công ty cho biết.

Một phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: XC

Tại các phiên giao dịch việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội gần đây, nhu cầu tuyển việc làm về lĩnh vực dịch vụ, sản xuất cũng tăng trên 10%. Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Để đảm bảo giao đúng hạn đơn hàng, các doanh nghiệp đã chủ động lập kế hoạch và tuyển thêm nhân sự. Trong đó khối dịch vụ tăng cường tuyển thêm nhân sự bán thời gian, còn lĩnh vực sản xuất cũng tuyển thêm lao động chuyên môn để bố trí sản xuất sau Tết.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh. Đại diện Công ty Samsung Vina Electronics cho biết, hầu như phiên giao dịch việc làm nào của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh, công ty đều đăng ký tuyển dụng, để tuyển lao động, nhằm đảm bảo yêu cầu sản xuất, nhất là trong dịp trước và sau Tết.

Giữ chân người lao động

“Để giảm thiểu sự thiếu hụt lao động dịp trước và sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp thường tập trung vào những giải pháp giữ chân người lao động như nâng cao thu nhập cho người lao động trong năm, thực hiện nhiều chính sách phúc lợi cho người lao động như tổ chức tặng vé tàu xe Tết, tặng quà Tết…”, đại diện Công ty Samsung Vina Electronics cho biết.

Tổng số lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 300.000 người, hầu hết đến từ các địa phương khác, hàng năm người lao động đều về quê ăn Tết. Trong quí 1/2017, các doanh nghiệp tại các KCN - KCX thành phố cần khoảng 8.000 lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp tại các KCN mới thành lập.

Ông Trần Công Khanh, Chánh Văn phòng Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX - KCN) Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết: Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán thường xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp có đơn hàng phải hoàn thành trước hoặc sau Tết Nguyên đán và do người lao động về quê đón Tết chưa quay trở vào kịp. Tuy nhiên, dự kiến năm nay tình hình thiếu hụt lao động không cao.
Nếu như các năm trước, sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán thường xảy ra tình trạng công nhân nhảy việc hoặc ở lại quê không trở lại thành phố làm việc, với tỉ lệ khá cao (chiếm khoảng 10 - 15%); tuy nhiên, những năm gần đây, tỉ lệ này đã giảm.

Đặc biệt năm nay, theo ông Khanh, tình hình lao động trở lại doanh nghiệp làm việc sau Tết dự báo sẽ ổn định, chứ không biến động nhiều như mọi năm. “Ba năm gần đây người lao động cũng đã quay trở lại doanh nghiệp làm việc sớm cao hơn mọi năm ( đạt 90 - 95%) và tỉ lệ nhảy việc, bỏ việc sau Tết năm nay cũng rất thấp. Một trong những nguyên nhân khiến tình hình lao động tại các KCN - KCX ở Thành phố Hồ Chí Minh dần ổn định là do nhiều chính sách đãi ngộ tốt từ phía chủ doanh nghiệp như thưởng Tết, đưa đón công nhân về quê, tặng vé xe cho công nhân… ngày càng tốt hơn”, ông Khanh cho biết.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu lao động và thông tin thị trường lao động thành phố, để đảm bảo ổn định nguồn nhân lực, các DN đã có kế hoạch bổ sung lao động bằng việc tuyển nhiều lao động trước Tết và tập trung chăm lo đãi ngộ tốt cho người lao động bằng các hoạt động như tặng vé xe Tết, lì xì đầu năm…

Tương tự, đại diện Công đoàn KCN-KCX Hà Nội cho biết: Đơn vị cũng đang hướng dẫn công đoàn trực thuộc đối thoại với chủ sử dụng lao động về thực hiện tăng lương tối thiểu, lương thưởng dịp Tết, chế độ đãi ngộ với lao động có thâm niên, có thành tích trong sáng kiến sáng tạo… Từ các cuộc đối thoại, người lao động kiến nghị cụ thể về chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi về đảm bảo an toàn lao động, nghỉ Tết, lương thưởng và thống nhất kế hoạch trở lại làm việc sau Tết. Thực tế từ vài năm trở lại đây, do được chủ sử dụng lao động thưởng tết, bố trí xe đưa về quê và đón trở lại nên tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc đạt trên 98%.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam: Cùng với quá trình hội nhập, các doanh nghiệp đều phải chủ động xây dựng phương án bố trí sản xuất kinh doanh hợp lý dựa trên lịch nghỉ Tết. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định sẽ là Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Do đó tôi tin rằng, dù nghỉ Tết, nhưng các đơn vị vẫn bố trí lực lượng để giải quyết phát sinh của doanh nghiệp trong thời gian nghỉ Tết và sau Tết.


Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội: Trong xu thế hội nhập, thời gian nghỉ Tết của Việt Nam vẫn là thời gian làm việc của nhiều đối tác. Do đó, để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp đã phải lên kế hoạch sớm từ nguyên vật liệu, nhân sự, thủ tục hành chính… Để khuyến khích lao động trở lại sau Tết, một trong các giải pháp là có chế độ lương thưởng đúng với năng lực. Tư tưởng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” giờ đã giảm nhiều và với doanh nhân, thời gian cũng là tiền bạc, đưa vào sản xuất lúc nào sẽ có lợi lúc đó. Ngay cả với các thành viên Hiệp hội, việc đi lễ theo truyền thống cũng chỉ tổ chức vào 1 ngày trong ngày nghỉ, sau đó tập trung vào làm việc.


Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ LĐTBXH): Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tháng đầu của năm mới, phải thực sự bắt tay vào việc, không để diễn ra tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi" là chỉ đạo đúng, phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay. Qua tổng hợp làm bản tin thị trường lao động hàng quý cho thấy, nhu cầu tuyển lao động thường tăng cao vào cuối năm, giảm vào đầu năm. Tuy nhiên, gần đây nhu cầu tuyển lao động đã tăng ngay từ đầu năm để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Điều này cũng có thể thấy rõ qua việc trước kia nhiều cửa hàng phải qua Tết mới mở lại, nhưng một hai năm gần đây, các cửa hàng dịch vụ mở từ mùng 2 Tết phục vụ nhu cầu của người dân, người lao động; thậm chí mở xuyên Tết.


Anh Nguyễn Đức Hùng, công nhân công ty Samsung (Thái Nguyên): Các năm trước, vào những ngày nghỉ Tết, những ai ở lại làm việc được trả cao gấp 2 lần ngày thường và còn được thưởng, nên vẫn có nhiều người đăng ký ở lại làm việc. Nếu công ty quan tâm trả lương, trả thưởng hợp lý thì nhiều người sẽ đi làm lại đúng thời hạn và bắt tay ngay vào công việc.


Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam): Nhằm động viên người lao động, nhiều đơn vị tổ chức ra quân đầu năm, khuyến khích người lao động vào làm sớm, các doanh nghiệp còn sẵn sàng trả mức lương cao hơn ngày thường cho người lao động. Nhờ đó, hoạt động sản xuất ở các nhà máy, khu công nghiệp tại nhiều doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên để từ bỏ thói quen “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nhất là từ phía cơ quan hành chính Nhà nước thì cần có sự giám sát, chế tài của lãnh đạo, ngành chức năng và cả báo chí, cộng đồng người dân. Có vậy, sau kỳ nghỉ, việc đi làm trở lại mới đúng nghĩa.


Xuân Cường - Hoàng Tuyết