10:17 30/10/2019

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất

Liên quan đến sự việc 160 công nhân Công ty Golden Victory Việt Nam (trụ sở tại xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) bị ngất, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt phải nhập viện trong các ngày 14, 17 và 23/10, hiện các cơ quan chuyên môn của Trung ương và địa phương vẫn chưa có kết luận nguyên nhân vụ việc. 

Từ ngày 23/10, Công ty Golden Victory Việt Nam đã ra thông báo tạm ngừng sản xuất để chờ kết luận của cơ quan chức năng.

Tuy vậy, trước sự việc này, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã có công văn yêu cầu cơ quan chức năng, các huyện, thành phố, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh vì sức khỏe người lao động.

Chú thích ảnh
Các bệnh nhân bị ngộ độc khí tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Golden Victory Việt Nam được điều trị tại Trung tâm y tế huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, thực tế cho thấy, việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động chưa tuân thủ nghiêm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Người lao động chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, phương tiện bảo vệ, thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tránh những vấn đề liên quan ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định yêu cầu, cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động; chính sách pháp luật của Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực, ngành nghề có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật, theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý an toàn vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động tại các cơ sở sản xuất để phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sức khỏe người lao động; đặc biệt, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Liên đoàn Lao động, tổ chức Công đoàn cơ sở kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động; phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy định về an toàn trong sản xuất.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phải đo, kiểm tra môi trường định kỳ; lập hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động; chấp hành chế độ báo cáo an toàn vệ sinh lao động theo quy định. Khi xảy ra sự cố nghiêm trọng, tai nạn lao động tích cực phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động…

Nguyễn Lành (TTXVN)