05:22 04/05/2016

Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa hè

Hàng chục nghìn điểm kinh doanh thực phẩm, quán ăn vỉa hè tại Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP), nhất là trong dịp hè. Do đó, dịp này, Hà Nội sẽ tăng cường thanh kiểm tra, quy trách nhiệm đảm bảo ATTP tới chính quyền cơ sở.

Nguy cơ ngộ độc hiển hiện

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, qua quá trình triển khai đến nay, đã có 99% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã ký cam kết đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm với chính quyền địa phương; kiến thức thực hành các nhóm đối tượng tăng so với năm 2013 (người quản lý tăng từ 59,1% lên 86,8%; người kinh doanh, chế biến tăng từ 58% lên 82,9%; người tiêu dùng tăng từ 72,6% lên 83,5%). Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng thức ăn đường phố vi phạm ATTP chưa đảm bảo 10 tiêu chí vẫn còn khá nhiều.Vi phạm nhiều nhất là chế biến, bày bán ngay trên vỉa hè không che đậy, cơ sở chật hẹp, chung với nơi sinh sống của gia đình. Nhiều điểm bán hàng rong không có dụng cụ đảm bảo vệ sinh, bán hàng ngay cạnh rãnh thoát nước. Nhiều chủ cơ sở chưa tuân thủ quy định đảm bảo an toàn thực phẩm, vì lợi nhuận coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng...

Về nguyên tắc, thực phẩm đã nấu dễ nhiễm vi sinh gây hại nếu để ở bên ngoài quá 2 giờ. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng như hiện nay là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virút sinh trưởng và phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, và bệnh dịch truyền qua thực phẩm tăng cao.

Quán ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đó chính là lý do vì sao thức ăn đường phố, thức ăn chế biến sẵn là một trong những “thủ phạm” gây nên nhiều vụ ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô. Và đáng tiếc, dù các cơ quan chức năng đã “vào cuộc” song đến nay, tình trạng mất vệ sinh ATTP vẫn tái diễn tại nhiều quán ăn đường phố. Ngay tại phố Đội Cấn, tầm 19 giờ, một loạt quán ăn vỉa hè được bày dọc phố; trong đó, không ít bàn ăn để ngay cạnh thùng rác, cống rãnh. Dễ nhận thấy, ở nhiều quán hàng, thức ăn để không che đậy đã tạo điều kiện cho vi sinh vật, ruồi nhặng phát triển. Ấy thế nhưng do giá rẻ nên các quán ăn này luôn tấp nập khách và vì vậy cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

“Vào tuần cuối tháng 4, do về muộn nên tôi ghé qua chợ cóc gần nhà mua nửa con vịt luộc sẵn về ăn. Vịt để trong tủ kính hấp hơi lại được chủ quầy băm trên chiếc thớt ẩm ướt, nhớt nước. Sau khi ăn khoảng 4 - 5 tiếng, tôi và con gái bị tiêu chảy, đau bụng dữ dội nên phải cấp cứu tại Trung tâm chống chống độc, Bệnh viện Bạch Mai”, chị Nguyễn Thanh Hà, Đội Cấn, quận Ba Đình kể.

Theo thống kê, Hà Nội có gần 59.000 cơ sở thực phẩm lớn, 412 chợ, 90 siêu thị và 20 trung tâm thương mại phân bổ tại các quận, huyện. Trong 3 tháng đầu năm, Hà Nội đã có 742 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm tại 37.082 cơ sở; đã phát hiện 6.894 cơ sở vi phạm ATTP, xử lý 5.249 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 488 cơ sở, phạt tiền 1.758 cơ sở với số tiền phạt gần 10 tỷ đồng, hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo ATTP trị giá hơn 45 triệu đồng.

“Phần lớn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn là nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành ATTP và xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, tâm lý “làng xóm, họ hàng” làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính ATTP”, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết.

“Bêu tên” cơ sở vi phạm trên loa phường

Để tạo sự chuyển biến rõ nét trong quản lý ATTP với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và văn minh đô thị, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình điểm về an toàn thức ăn đường phố, mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn và đảm bảo ATTP tại 30 tuyến phố văn minh đô thị triển khai thí điểm. Đặc biệt, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền, các đơn vị chức năng trong quản lý cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và tăng cường thanh kiểm tra, kiên quyết xử phạt khi có vi phạm ATTP theo phân cấp. Trường hợp phát hiện các cơ sở vi phạm ATTP, kịp thời thông báo tên cơ sở vi phạm trên đài phát thanh xã, để người tiêu dùng biết không sử dụng.

Để khắc phục những tồn tại, Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm quận, huyện, thị xã định kỳ 6 tháng kiểm tra công tác quản lý ATTP của xã, phường, thị trấn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do xã, phường quản lý. Bên cạnh đó, huy động các cơ quan chức năng, lực lượng liên ngành phối hợp kiểm tra đảm bảo mỹ quan đô thị, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không đảm bảo ATTP, vệ sinh môi trường. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về ATTP, nêu tên các cơ sở vi phạm trên đài phát thanh xã, phường để người tiêu dùng biết; chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh lây truyền qua thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…

Hà Nội cũng đã kiện toàn 4 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, đồng thời, thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận huyện và 10 phường để xử lý dứt điểm tồn tại về ATTP tại tuyến cơ sở.

“Trong quý II/2016, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt trong mùa hè. Để chấn chỉnh vi phạm ATTP, Chính phủ và bộ ngành hữu quan sớm ban hành những chế tài mạnh để bảo đảm tính răn đe, nếu cơ sở vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm kinh doanh thực phẩm vĩnh viễn”, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề xuất.
Bài và ảnh: Xuân Minh