01:11 19/01/2012

Đầm ấm phum sóc vào xuân

Một mùa xuân vui tươi và đầm ấm nữa lại về với hơn 300.000 đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh. Trên khắp các phum sóc, đâu đâu cũng tràn ngập không khí náo nức đón Xuân về, Tết đến.

Một mùa xuân vui tươi và đầm ấm nữa lại về với hơn 300.000 đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh. Trên khắp các phum sóc, đâu đâu cũng tràn ngập không khí náo nức đón Xuân về, Tết đến. Đồng bào Khmer phấn khởi, mừng vui không chỉ vì cuộc sống ấm no, mà ở đó còn có sự khởi sắc trên từng phum sóc, xóm làng…

Về xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, đi đến đâu cũng thấy bà con đang tất bật với công việc chăm sóc cho ruộng lúa, rẫy màu, sửa sang lại nhà cửa tươm tất, trang hoàng để chuẩn bị đón Tết. Đưa chúng tôi đến thăm vùng đồng bào dân tộc Khmer sống dọc theo hai bờ kênh 3/2, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng Nguyễn Văn Công phấn khởi, cho biết: Cách đây hơn chục năm, vùng đất này luôn bị ngập mặn, nhiễm phèn, mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa nhưng năng suất bấp bênh. Vì thế, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây luôn bị cái nghèo đeo bám. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa giáp hạt, lễ hội truyền thống của đồng bào và Tết Nguyên đán, các cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể đều phải vận động vật chất, tiền nong… để cứu trợ cho bà con. Nhưng kể từ khi xã Phước Hưng được hưởng lợi từ những Chương trình 134, 135, 167… của Chính phủ và các dự án xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer, đời sống cùa bà con đã có bước phát triển đáng kể. Hơn 1.200 ha đất khó sản xuất trước đây, nhờ có hệ thống thủy lợi khép kín để ngăn mặn, tháo phèn đã sản xuất được 2 -3 vụ lúa /năm, năng suất bình quân đạt hơn 6 tấn/ha. Đất được cải tạo ngọt hóa, bà con Khmer không chỉ trồng lúa mà còn trồng được hoa màu, cây ăn trái, giúp bà con tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ vậy, đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng/năm, tăng so với thời điểm năm 2000. Và trong dịp đến Tết Nhâm Thìn này, hơn 800 hộ nghèo được nhận nhà mới theo Quyết định 167 của Chính phủ, toàn xã không còn hộ dân nào phải sống trong những căn nhà tre lá ọp ẹp, đơn sơ.

Người dân Khmer vui mừng được mùa đậu phộng (lạc).


Anh Thạch Riêng, ở ấp Chợ Trên, được hỗ trợ 8 triệu đồng để cất căn nhà mới trị giá hơn 16 triệu đồng, khoe rằng: "Gia đình tui chỉ có 2 công ruộng nhưng có đến 6 miệng ăn nên lao động quần quật quanh năm đến hơn nửa đời mà vẫn không sao cất nổi căn nhà vững chắc để ở. Cũng nhờ 3 năm trước được Nhà nước hỗ trợ cho 5 triệu đồng để mua 2 con bò giống nuôi sinh sản. Hôm cất nhà mới, tui đã bán đi 2 con bò con được hơn 15 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà được chắc chắn và đàng hoàng hơn. Tết này gia đình tui cũng như nhiều hộ Khmer trong xóm mừng lắm, vì không còn cái cảnh thiếu ăn và được đón Tết trong ngôi nhà mới".

Đến thăm Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang không khí mừng xuân về, tết đến của đồng bào Khmer cũng không kém phần náo nức, rộn ràng. Dọc hai bên con đường liên thôn nhiều ngôi nhà tường đã được quét sơn mới, tạo cho diện mạo vùng nông thôn tươi sáng hẳn lên. Hiệp Hòa nghèo của trước đây không phải vì lý do đất chật người đông, mà ngược lại, đồng đất Hiệp Hòa mênh mông. Nếu tính chia bình quân thì mỗi người dân Hiệp Hòa có đến gần 3.000 m2 đất nông nghiệp để canh tác. Tuy nhiên, do thiên nhiên không ưu đãi, đất đai bị nhiễm phèn mặn, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa và trông vào nước trời. Năm nào mưa thuận gió hòa thì cây lúa còn có được mùa thu hoạch, còn gặp bất lợi thì xem như tay trắng. Sản xuất khó khăn nên kinh tế chậm phát triển, nhiều hộ dân lâm vào cảnh thiếu ăn. Năm 2000, toàn xã có hơn 2.280 hộ dân đã có hơn 40% trong diện hộ nghèo.

Một gia đình người Khmer bên ngôi nhà đang được xây mới.

Trước tình hình khó khăn đó, năm 2000, xã Hiệp Hòa được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Có thể nói, đây là yếu tố mang tính quyết định giúp Hiệp Hòa tạo đà phát triển được như hôm nay. Anh Ngô Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Với nguồn vốn được đầu tư 400 triệu đồng mỗi năm, UBND xã đều ưu tiên cho đầu tư về hệ thống thủy lợi, giao thông và điện, nhằm hướng đến mục tiêu cải tạo đất đai, khai thác tốt tiềm năng kinh tế nông nghiệp. Hàng chục công trình thủy lợi cấp 2 - 3, với tổng chiều dài hàng chục kilômét được xây dựng, rồi mỗi ấp đều có một con đường đai, có đường dây điện hạ thế. Đất đai dần được rửa mặn tháo phèn, từ một vụ bấp bênh chuyển lên hai vụ ăn chắc. Đường điện không chỉ phục vụ thắp sáng mà còn giúp người dân nâng cao kiến thức, sử dụng cho tưới tiêu trồng màu… Để giúp dân xóa nghèo, UBND xã Hiệp Hòa đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng đất. Song song đó, xã tập trung đưa khoa học kỹ thuật và nguồn vốn ưu đãi để giúp cho hộ nghèo tổ chức sản xuất đạt hiệu quả. Bình quân mỗi năm, thông qua nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư cho hộ nghèo hơn 1,5 tỷ đồng để trồng màu (chủ lực là cây đậu phộng), nuôi bò, nuôi vịt, mua bán nhỏ. Nhờ vậy, diện tích trồng màu, đàn gia súc, gia cầm ở địa phương không ngừng tăng lên từng năm. Tính đến nay, toàn xã đã có đàn bò hơn 18.000 con, diện tích chuyên màu hàng năm lên đến 700 ha, tăng 500 ha so với năm 2000. Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao cũng từ đó hình thành. Nổi bật như mô hình chuyên màu của gia đình chị Thạch Thị The, ở ấp Sóc Chuối. Với 5 công đất giồng cát, chị được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 10 triệu đồng để trồng đậu phộng, trồng bắp, bí, dưa leo… Với mô hình này, mỗi năm sau khi trừ hết chi phí sản xuất, gia đình chị có thu nhập trên 50 triệu đồng. Còn gia đình ông Thạch Hương, ở ấp Sóc Chuối, thoát nghèo vươn lên khá giả chỉ từ 2 công đất cho mượn của người dân cùng ấp và số tiền 5 triệu đồng cho vay của ngân hàng để trồng đậu phộng. Ông Hương vui vẻ cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của nhà nước, sự đùm bộc của bà con láng giềng mà gia đình tôi hiện nay đã thoát nghèo, mua được 2 con bò, 1 công đất để trồng màu. Tết này, gia đình đã chuẩn bị mọi thứ tươm tất để cùng bà con ăn tết thật vui ”. Nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp, đến nay mức thu nhập bình quân của người dân Hiệp Hòa đạt trên 9 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở Hiệp Hòa từ 40% nay giảm xuống còn 23% theo tiêu chí mới.

Có được sự chuyển biến về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh như hôm nay là nhờ vào sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền, và đáng biểu dương nhất là tinh thần vượt khó của đồng bào Khmer. Thành quả đáng phấn khởi nhất là qua hơn mười năm thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ, Trà Vinh đã triển khai xây dựng gần 600 hạng mục công trình, gồm 317 công trình giao thông thủy lợi, 109 trường học, 15 công trình điện, 30 trạm y tế, 95 chợ nông thôn..., với tổng số vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay hơn 70% diện tích đất trong vùng đồng bào dân tộc Khmer đã được thủy lợi hóa, hơn 80% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, gần 90% số hộ có điện sử dụng. Riêng thực hiện Quyết định 167 của Chính phủ, tính đến Tết Nhâm Thìn này, tỉnh đã xây dựng và bàn giao xong hơn 25.000 căn nhà ở cho hộ nghèo, trong đó số hộ đồng bào Khmer có khó khăn về nhà ở đều đã được xây nhà mới, để đồng bào được hưởng trọn vẹn một mùa xuân đầm ấm, vui tươi.

Phúc Sơn