05:12 11/05/2018

Đắk Lắk: Nhiều diện tích rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar bị 'cạo trọc'

Hơn 10 ha rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar, tại tiểu khu 1023, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) vừa bị "cạo trọc". Các vụ phá rừng diễn ra ngang nhiên trong một thời gian dài nhưng các ngành chức năng không hề hay biết.

Hơn 10ha rừng tại tiểu khu 1023, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar bị các đối tượng phá, đốt và khai thác gỗ.

Nhận thông tin từ người dân về vụ phá, đốt rừng trên quy mô lớn tại tiểu khu 1023, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, ngày 9/5 phóng viên TTXVN đã tìm về địa phương này. Từ UBND xã Bình Hòa men theo con đường đất độc đạo gần 2 tiếng đồng hồ, phóng viên mới đến được Trạm Kiểm lâm số 8 (Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar).

Dừng chân tại trạm 10 phút, sau đó tiếp tục đi bộ khoảng 2 km nữa, chúng tôi đã đến được điểm phá rừng đầu tiên. Diện tích rừng bị phá và lấn chiếm hơn 4 ha (người dân địa phương gọi đây là khu Láng Ma). Tại hiện trường nhiều thân cây gỗ có đường kính từ 40-60 cm đã bị đốn hạ, còn trơ gốc. Tại các vị trí cây rừng bị đốn hạ, các đối tượng đã cho đào đất, trồng cà phê, hồ tiêu. Một số diện tích rừng vẫn đang bị đốt cháy âm ỉ.

Theo chân người dẫn đường đi bộ thêm 1 tiếng nữa chúng tôi đến được điểm phá rừng lớn hơn với diện tích khoảng 7 ha. Việc tiếp cận khu vực này khá khó khăn do địa hình nhiều dốc thẳng đứng, một bên tiếp giáp với Sông Krông Ana. Sau hơn 30 phút leo đồi dốc chúng tôi đã mục sở thị điểm phá rừng (người dân địa phương gọi là đỉnh Thiên Đã). Từ đỉnh Thiên Đã, cây gỗ to nhóm IV, V, VI vừa bị đốn hạ, lâm tặc đã vận chuyển đi phần thân gỗ, để lại gốc. Dấu vết tại hiện trường cho thấy vụ phá, đốt rừng này vừa mới xảy ra khoảng 1 đến 2 ngày trước, do nhiều gốc cổ thụ bị đốt vẫn còn đỏ lửa.

Theo quan sát của phóng viên, việc khai thác gỗ tại khu vực này rất khó khăn do địa hình hiểm trở, tuy nhiên do vị trí giáp ranh với sông Krông Ana nên rất thuận lợi cho các đối tượng tẩu tán, vận chuyển gỗ trái phép bằng đường sông.

Cùng ngày, rời tiểu khu 1023 chúng tôi về Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar, ông Dương Bá Cường, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn cho biết, tiểu khu 1023 được giao cho Trạm kiểm lâm số 8 quản lý. Tại tiểu khu này có 10 hộ (đồng bào Mông) làm nhà sinh sống, ngoài ra còn có 27 hộ dân từ các địa phương khác sang xâm canh đất rừng từ nhiều năm nay. Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã nhiều lần có văn bản đề nghị huyện Krông Ana, xã Bình Hòa, di dời các hộ dân ra khỏi rừng, nhưng chưa thực hiện được.

Sau đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar khẳng định, thời gian qua đơn vị đã chỉ đạo quyết liệt xử lý các điểm lấn chiếm, khai thác rừng trái phép. Về việc hủy hoại, xâm lấn rừng tại tiểu khu 1023, hiện đơn vị chưa rõ. Chúng tôi sẽ cử lực lượng đi kiểm tra, khảo sát lại địa điểm các đối tượng lấn chiếm hủy hoại rừng, nếu phát hiện có dấu hiệu buông lỏng quản lý chúng tôi sẽ xử lý theo quy định.

Điểm phá rừng ngay bên cạnh sông Krông Ana, thuận lợi cho các đối tượng vận chuyển lâm sản bằng đường sông.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar có diện tích 20.932,3 ha, nằm trên địa 6 xã thuộc hai huyện Lắk và Krông Ana. Các vụ phá, đốt rừng diễn ra ngang nhiên, thậm chí cả ban ngày, trong một thời gian dài, tuy nhiên lực lượng chức năng bảo vệ rừng vẫn... thờ ơ.

Phóng viên TTXVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.




Tin, ảnh: Phạm Cường (TTXVN)