04:11 04/04/2017

Đắk Lắk ngăn chặn tình trạng trẻ em bị đưa đi lao động trái pháp luật

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 88 trẻ em bị đưa đi lao động trái phép tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác.

Một cơ sở sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh có sử dụng lao động trẻ em của Dak Lak. Ảnh: baodaklak.vn

Nguy hiểm hơn, trẻ em bị đưa đi lao động chỉ từ 10 – 16 tuổi, trong khi gia đình của trẻ và chính quyền địa phương đều không nắm được tình trạng ăn ở, điều kiện lao động của các em. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu đối với trẻ em khi không có sự chăm sóc, quan tâm từ phía gia đình và xã hội.

Trẻ em bị dụ dỗ đưa đi lao động ngoại tỉnh chủ yếu tập chung ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như các huyện Krông Bông (42 em), Cư M’gar (29 em), Ea Kar (13 em)…

Ông Y’ Suôm Niê - Trưởng buôn Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông bông cho biết: Đầu năm 2017, một đối tượng lạ mặt tên là Nguyễn Thị Khang (thường trú tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) đến buôn tiếp cận các gia đình có trẻ em độ tuổi 10 - 16, có hoàn cảnh khó khăn, sau đó làm hợp đồng đưa 14 trẻ em đi lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buôn Cuôr, xã Ea Mdroh, huyện Cư M’gar cũng diễn ra tình trạng tương tự. Theo ông Y’ Duăk Niê, Trưởng buôn Cuôr đầu năm 2017, trên địa bàn buôn xuất hiện một đối tượng lạ mặt, tiếp cận các gia đình có trẻ em từ 10 - 16 tuổi, tập hợp 25 trẻ em đưa đi lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua tìm hiểu của phóng viên, đầu năm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xuất hiện các đối tượng tìm kiếm lao động trẻ em để đưa đi lao động ngoại tỉnh. Tất cả các đối tượng đều tạm trú tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một số đối tượng đã làm hợp đồng lao động với gia đình có trẻ em với mức lương từ 15-18 triệu/năm và chỉ trả lương một lần vào cuối năm. Tuy nhiên, tất cả hợp đồng đều không có giá trị pháp lý, khi không có điều khoản rõ ràng, thậm chí không có chữ ký của người lao động và người sử dụng lao động.

Điều đáng nói, cả gia đình và chính quyền địa phương đều không có thông tin về điều kiện ăn ở, làm việc của trẻ em khi tham gia lao động ngoại tỉnh, thậm chí có gia đình không hề biết con mình bị các đối tượng lạ mặt tiếp cận và đưa đi lao động ngoại tỉnh.

Chị H’ Let Liêng buôn Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông có con trai là Y’ Kim Liêng (sinh năm 2002) cho biết: Gia đình không hề biết chuyện con trai đi lao động ngoại tỉnh. Khi chị đi làm rẫy về chỉ nghe hàng xóm nói lại có người đón con đi làm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau vài lần liên lạc được với con, chỉ biết Y’ Kim Liêng phải làm việc từ sáng sớm tới tối khuya trong một xưởng may tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Được biết, trong số những trẻ em đi lao động ngoại tỉnh hồi đầu năm đã có một số em trở về đoàn tụ với gia đình sau một thời gian làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những trường hợp may mắn đó là em Lê Thị Dương (sinh năm 2000), thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông. Đầu năm 2017, em Dương được đưa đi làm việc tại xưởng may Hải Hồng (quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh). Trong xưởng chỉ có lao động trẻ em từ 10 - 16 tuổi. Các em phải làm việc 12 tiếng đồng hồ từ sáng sớm đến tối khuya, phải ăn ở tại xưởng làm việc và thường xuyên bị chủ la mắng. Do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt, sau hơn 10 ngày em Dương đã bỏ trốn về với gia đình.

Anh Lê Văn Hồng, thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông có hai người con là Lê Văn Cải (sinh năm 2007) và Lê Văn Khương (sinh năm 2002), được một người lạ đưa đi lao động tại xưởng may Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu năm. Do không thể chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt nên các con anh đã nhiều lần gọi điện cầu cứu gia đình và mong được về nhà. Để đưa hai con về nhà, anh phải chuẩn bị 2.600.000 đồng. Anh Hồng được chủ xưởng may hẹn đến một cây xăng tại quận Bình Tân để nộp tiền và đón hai con về.

Anh Giàng A Nụ, Trưởng thôn Giang Đông, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng cho biết: Hồi đầu năm, một số trẻ em của thôn đi lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng do thời gian làm việc trong ngày quá dài và điều kiện ăn, ở không đảm bảo nên sau một thời gian ngắn các em được gia đình đón về địa phương.

Thực tế trên cho thấy tình trạng trẻ em bị bóc lột sức lao động khi tham gia lao động ngoại tỉnh đã hiện hữu, ngoài ra các em còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ xấu, thậm chí liên quan tới các tệ nạn xã hội khi làm việc trong điều kiện khắc nghiệt mà không có sự bảo vệ từ phía gia đình và xã hội.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng trẻ em tham gia lao động ngoại tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, đội ngũ cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở các thôn, buôn rà soát, nắm bắt thông tin và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các đối tượng môi giới đưa trẻ em đi lao động ngoại tỉnh, đồng thời tuyên truyền vận động nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em cho người dân.

Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng trẻ em lao động ngoại tỉnh cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, đặc biệt phát huy vai trò của chính quyền địa phương tại cơ sở, các hội đoàn thể tại thôn, buôn. Để giải quyết gốc rễ của vấn đề, trước hết phải giải bài toán kinh tế cho các hộ gia đình khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa.

Tuấn Anh (TTXVN)