07:17 23/07/2016

Đại sứ Philippines tại Séc cảnh báo về sự liều lĩnh của Trung Quốc ở Biển Đông

Đại sứ Philippines tại Séc, ông Victoriano Lecaros cảnh báo với tàu sân bay và các vũ khí hiện đại, Trung Quốc có thể làm những gì họ muốn, bất chấp luật pháp và dư luận thế giới.

Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) đã lên án việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo và các hoạt động bất hợp pháp khác cũng như yêu sách phi lý của Bắc Kinh về chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc không công nhận phán quyết này, thậm chí còn dọa lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn của báo Novinky (CH Séc), Đại sứ Philippines tại CH Séc Victoriano Lecaros cảnh báo: "Trung Quốc có thể làm những gì họ muốn". Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Đại sứ Philippines tại CH Séc Victoriano Lecaros. Ảnh: Novinky.cz

Phán quyết của PCA bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough và lên án việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo trái phép. Điều này có ý nghĩa gì đối với Philippines?

Phán quyết của Tòa làm rõ các yêu sách của cả hai quốc gia, những gì các nước này được hưởng và những gì không. Tòa khẳng định rõ ràng rằng hoạt động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là vi phạm luật pháp quốc tế. Họ không có quyền hiện diện ở đó.

Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa, coi điều này là vô nghĩa và thậm chí đe dọa áp dụng vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Ông nghĩ về những điều này?


Tôi muốn hoãn việc bày tỏ ý kiến cho đến thời điểm mà họ thực hiện, bởi vì bây giờ đây chỉ mới là tình huống giả thuyết. Nó giống như một trận cờ vua, anh đi quân vua đến đâu thì tôi sẽ chiếu đến đấy. Có lẽ ở giai đoạn này mà đưa suy đoán những gì Trung Quốc sẽ làm là không hữu ích.

Ông có tin rằng phán quyết có thể thay đổi tình hình, và nếu không thì làm thế nào để thực thi?

Đây là một thể chế do Liên hợp quốc lập ra, Tòa phán quyết những gì là phù hợp với luật pháp, tuy không làm thay đổi thế giới, song chỉ ra những gì cần làm để đạt sự tiến bộ. Khi chúng tôi đã đệ đơn kiện vào năm 2013 thì Trung Quốc từ chối tham gia vào quá trình này. Và tất nhiên anh phải trả án phí cho Tòa. Ban đầu Philippines đã trả một nửa án phí, song Trung Quốc thì không trả một xu. Cuối cùng chúng tôi đã trả toàn bộ án phí.

Các ông sẽ yêu cầu Trung Quốc phải rời các hòn đảo nhân tạo chứ?

Vào thời điểm hiện tại chúng tôi không biết và tôi sẽ không suy đoán một lần nữa. Chúng tôi không thể áp đặt cho Trung Quốc phải làm gì. Nếu Trung Quốc không có khả năng kinh tế và quân sự như bây giờ thì đã chẳng có cuộc trò chuyện của chúng ta ngày hôm nay.

Ông có thể nói rõ hơn là Trung Quốc lấy gì để biện minh cho yêu sách của mình?

Bản đồ với "đường chín đoạn" (ôm tới 90% diện tích của Biển Đông) trên Biển Đông do Tưởng Giới Thạch đưa ra vào năm 1947, tức là hai năm trước khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chính quyền Tưởng Giới Thạch đưa ra những yêu sách về lãnh thổ cũng tương tự như chính phủ Bắc Kinh ngày nay.

Ông có lo ngại rằng Trung Quốc sẽ dám sử dụng sức mạnh quân sự để đoạt lấy lợi ích kinh tế như đang đe dọa?

Một lần nữa lại là câu hỏi Trung Quốc có làm hay không. Khả năng là có, nhưng họ có làm hay không thì tôi không biết. Tôi cho rằng điều này phụ thuộc vào giới cầm quyền và cách họ nắm bắt tình hình trong khu vực. Từ cuối những năm 70 họ có kinh nghiệm trong cuộc đối đầu quân sự với Việt Nam. Cách đây gần ba năm họ đưa giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Có quá nhiều sự ầm ĩ về việc này và có sự đụng độ tàu thuyền của hai bên.

Trung Quốc hiện nay có tàu sân bay và các vũ khí hiện đại khác nên họ cảm thấy mình là một siêu cường, song trước pháp luật thì các nước lớn và các nước nhỏ đều bình đẳng. Pháp luật không thể vận hành theo cách khác được.

Trung Quốc có tranh chấp với các quốc gia khác như Việt Nam, Malaysia và Brunei. Các ông có dự tính sẽ phối hợp với họ để giải quyết vấn đề?

Đây là một trong những sự lựa chọn, Trung Quốc có tranh chấp với Việt Nam, Malaysia và thậm chí Indonesia. Các nước này phàn nàn về việc tàu đánh cá của Trung Quốc tiến sát bờ biển của họ trong khi đánh cá biển là nghề truyền thống của dân nước họ. Hồi tháng Ba, lực lượng bảo vệ bở biển Indonesia đã bắt giữ các thuyền viên của tàu đánh cá Trung Quốc. Bây giờ Philippines cũng đã bắt giữ ngư dân Trung Quốc xâm phạm vùng biển trái phép.

Sự hỗ trợ của người Mỹ quan trọng thế nào đối với các ông?

Sự hỗ trợ của bất cứ ai cũng được hoan nghênh. Người Mỹ luôn nói rằng họ không nghiêng về bên vào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. EU cũng vậy. Nhưng cả hai bên - Mỹ và EU – đều nói rằng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực phải được tôn trọng.

Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Séc)