11:09 26/11/2016

Dãi nắng đo mưa giữa Song Tử Tây

Anh Võ Thanh Hải, trạm trưởng trạm khí tượng trên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa), đã không quản nắng mưa gió bão, ngày ngày ghi chép số liệu khí tượng thủy văn để truyền về đất liền.

Giữa ngàn khơi Tổ quốc, đảo Song Tử Tây hiện lên hiên ngang, hùng vĩ. Trên đảo có đầy đủ hạ tầng cơ sở như trường học cho trẻ em, hệ thống phát điện bằng gió và năng lượng mặt trời, nhà văn hóa, trạm y tế… Đặc biệt, Song Tử Tây còn có một trạm khí tượng được thành lập từ năm 1988. Trạm khí tượng này nằm ngay cạnh Bia chủ quyền của đảo dựng năm 1956, xung quanh là một màu xanh mướt của những cây đu đủ, cây tra…

Trạm khí tượng đảo Song Tử Tây.

Nhâm nhi ly trà mạn cùng những vị khách đất liền mới đến đảo, anh Võ Thanh Hải (quê Hoài Nhơn, Bình Định) chia sẻ: “Không khí ở đây có độ mặn cao nên không thể đo được độ ẩm”. Quả thực, tại nơi mà gió biển thổi thường xuyên mang theo hơi muối mặn mòi, đến cây cối trên đảo còn không sống được nên máy móc tại đây cũng dễ gặp trục trặc, hỏng hóc. Bởi thế, ngoài công việc thường xuyên là theo dõi các số liệu khí tượng thì những cán bộ tại trạm còn kiêm nhiệm công việc bảo dưỡng máy móc, thiết bị.

Chia sẻ về công việc của mình, anh Hải cho biết, ngày cũng như đêm, nhân viên khí tượng luôn túc trực thường xuyên, cần mẫn thu thập số liệu về mưa, nắng, gió, nhiệt độ… thông báo về đất liền những diễn biến của thời tiết. Qua đó, người dân ở đất liền và đặc biệt là hàng vạn ngư dân trên biển có thể chủ động phòng tránh mưa bão. Mùa khô 4 lần/ngày, mùa mưa bão có khi 30 phút/lần, họ phải ghi chép và truyền số liệu về Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ (tại Nha Trang, Khánh Hòa) các thông số cơ bản về sức gió, nắng, mưa, nhiệt độ, khí áp... để Trung tâm dự báo thời tiết hằng ngày.

Biên chế 3 người tại trạm khí tượng Song Tử Tây bao gồm một trạm trưởng và hai nhân viên. Có thể nói, đảo này là một trong những vị trí đón bão đầu tiên trên biển Đông. Tùy theo mùa, hướng gió cũng thay đổi. Vì thế, số liệu của trạm phải đảm bảo tính chính xác cao. Để làm được điều này, các cán bộ, nhân viên tại trạm luôn ý thức được trách nhiệm của mình. Tranh thủ giờ nghỉ, họ lại ôn luyện chuyên môn của ngành để nâng cao tay nghề, hằng tháng họp rút kinh nghiệm những vấn đề còn thiếu sót.

Anh Võ Thanh Hải chia sẻ, cuộc sống của những người “đếm gió, đo mưa” ở Trường Sa khó khăn hơn nhiều so với các đồng nghiệp ở đất liền. Mùa mưa bão, công việc vẫn không được chểnh mảng. Trong điều kiện gió mạnh, mưa lớn, nếu thao tác chậm, thiếu chính xác có thể làm hỏng giản đồ nhiệt ghi biến trình thời tiết, coi như hỏng bản tin.

Không chỉ đối diện với những khó khăn trong công việc, do nằm giữa biển khơi nên các cán bộ tại đây còn phải thích nghi với những thiếu thốn về cơ sở vật chất, cũng như những khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Đảo thường bị thiếu nước ngọt và rau xanh. Để có nước phục vụ sinh hoạt, trạm có 2 giếng nước lợ và 3 bể chứa nước mưa nhưng vẫn không đủ nước ngọt dùng quanh năm mà mọi người đều phải tiết kiệm triệt để, nhất là vào mùa khô.

Anh Võ Thanh Hải cần mẫn với công việc hằng ngày.

Để có đủ rau xanh cho bữa ăn, cũng như các chiến sĩ trên đảo, nhân viên tại trạm khí tượng trồng rau tăng gia sản xuất. Nhìn những vườn rau xanh tươi, chúng tôi không khỏi cảm phục ý chí của cả con người và cây cối trên đảo. Để có được những vườn rau như vậy, anh Hải cùng các đồng nghiệp phải không ngừng chăm bón và tưới tắm từ nguồn nước hạn chế trên đảo.

“Ngoài tiết kiệm nước thì việc tiết kiệm điện cũng rất quan trọng. Nguồn điện trên đảo chủ yếu từ các máy năng lượng mặt trời nên không phải lúc nào cũng đủ cung cấp đầy đủ cho công việc và sinh hoạt. Mùa nắng chỉ sử dụng 2 giờ/ngày, ưu tiên 6-7 giờ tối là giờ sinh hoạt cao điểm. Tuy vậy, chúng tôi thường động viên nhau vượt qua khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Hải nói.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, anh Võ Thanh Hải sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề khí tượng thủy văn. Cha anh, ông Võ Thống từng có thời gian công tác tại Trường Sa và nay vẫn làm việc tại Trạm khí tượng huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định). Tết vừa rồi, anh Hải phải ở lại làm nhiệm vụ tại Trường Sa nên không về đón xuân cùng gia đình, ông Thống đã gọi điện thoại hỏi thăm và dặn dò con trai cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Em trai anh Hải, anh Võ Thành Tín cũng công tác tại Trạm khí tượng trên đảo Trường Sa.

Có lẽ cái duyên với nghề khí tượng từ thời bố anh truyền lại đã khiến anh Hải gắn bó với công việc hiện tại. “Vợ con ở đất liền, không về được cũng nhớ lắm. Nhưng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ công tác rồi ngày đoàn tụ sẽ không còn xa”, anh Hải vui vẻ chia sẻ.

Bài và ảnh: Hoàng Dương