10:06 29/10/2014

Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu lên án Mỹ cấm vận Cuba

188 trên 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết Đại hội đồng LHQ lên án lệnh bao vây cấm vận mà Mỹ áp đặt chống Cuba suốt hơn 5 thập kỷ qua.

Ngày 28/10, 188 trên 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết Đại hội đồng LHQ lên án lệnh bao vây cấm vận mà Mỹ áp đặt chống Cuba suốt hơn 5 thập kỷ qua.

Đây là lần thứ 23 liên tiếp đại đa số các nước thành viên Liên hợp quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với Báo cáo "Sự cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt chống Cuba" do chính phủ Cuba trình lên hàng năm.

Kết quả trên hoàn toàn giống kết quả bỏ phiếu hồi năm 2013 khi chỉ có Mỹ và Israel bỏ phiếu phản đối nghị quyết lên án lệnh cấm vận, trong khi một số quốc gia Nam Thái Bình Dương như Palau, quốc đảo Marshall và Micronesia, đã bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, các nghị quyết của ĐHĐ LHQ không có tính ràng buộc về pháp lý, mà chỉ phản ánh quan điểm của các nước thành viên LHQ về các vấn đề nóng hổi của tình hình quốc tế, vì vậy Washington vẫn duy trì lệnh trừng phạt La Habana.

188 trên 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết Đại hội đồng LHQ lên án lệnh bao vây cấm vận mà Mỹ áp đặt chống Cuba suốt hơn 5 thập kỷ qua.


Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla đánh giá cao sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính đáng của La Habana yêu cầu Washington dỡ bỏ vô điều kiện cuộc bao vây, cấm vận phi lý này, đồng thời nhấn mạnh các vấn đề nghiêm trọng của thế giới đương đại là mệnh lệnh cho chúng ta thay đổi cách đối xử với nhau”. Ông nói rằng việc các nước phải hợp tác với nhau để ngăn chặn dịch Ebola và nguy cơ an ninh cho thấy cần phải thay đổi thái độ và tìm kiếm sự hợp tác vì “sự tồn vong của loài người”.

Theo ông Bruno Rodriguez Parrilla, chính sách cấm vận của Mỹ đã khiến Cuba thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ USD và sự phong tỏa của Mỹ đã khiến người dân, đặc biệt là trẻ em nước chịu đựng nhiều khó khăn. Ông nhấn mạnh rằng không một người trung thực nào, dù ở Mỹ hay ở bất cư đâu trên toàn thế giới có thể chấp nhận được những hậu quả tàn phá như thế của cuộc bao vây phi lí.

Chính sách chống Cuba của Mỹ đang vấp phải sự chỉ trích không chỉ trên bình diện quốc tế. Một kết quả thăm dò hồi tháng Hai vừa qua cho thấy có tới 56% công dân Mỹ ủng hộ thay đổi chính sách của Washington với La Habana. Riêng tại bang Florida có đông kiều dân Cuba sinh sống, số người ủng hộ việc xem xét lại toàn bộ mối quan hệ và bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba lên tới 63%.

Trong khi đó, cũng tại phiên họp này, nhiều quốc gia thành viên LHQ đã đánh giá cao những nỗ lực của Cuba trong cuộc chiến chống đại dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi. Hiện Cuba đã gửi 250 bác sỹ và nhân viên y tế tới các nước Tây Phi để tham gia cuộc chiến ngăn chặn dịch bệnh.

Hôm 20/10, nhật báo "New York Times" của Mỹ đăng bài xã luận ca ngợi việc Cuba cử hàng trăm y bác sĩ tới các "ổ dịch" ở Tây Phi là "hành động đáng khen ngợi", cần được noi theo và có "đóng góp to lớn". Theo bài báo những nỗ lực này giúp Cuba trở thành quốc gia có vai trò nổi bật nhất trong cuộc chiến ngăn chặn dịch Ebola lây lan và chính quyền Mỹ cần hợp tác với Cuba trong nỗ lực chung này.


TTXVN/Tin tức