01:09 08/01/2011

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng: Đưa nước ta vượt qua thử thách

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng: Tình hình chính trị ổn định, nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, đạt được những tiến bộ rõ rệt trong việc thực hiện các mục tiêu của 3 chương trình kinh tế...

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng:


Tình hình chính trị ổn định, nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, đạt được những tiến bộ rõ rệt trong việc thực hiện các mục tiêu của 3 chương trình kinh tế, bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, dân chủ xã hội ngày càng được phát huy, đời sống nhân dân bước đầu ổn định, quốc phòng được giữ vững, an ninh quốc gia được đảm bảo, quan hệ quốc tế được mở rộng...

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu kém và khó khăn. Nhiều vấn đề kinh tế-xã hội nóng bỏng chưa được giải quyết. Tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, nhất là những biến động xảy ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu...

Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII từ ngày 24 – 27/6/1991, tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu đại diện cho 2,1 triệu đảng viên trong cả nước.


Đến dự Đại hội có các đoàn đại biểu: Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, Đảng Cộng sản Cuba, Đảng Cộng sản Nhật Bản...

Đại hội đã kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và tổng kết kinh nghiệm bước đầu về tiến hành công cuộc đổi mới. Đó là phải giữ vững định hướng XHCN trong quá trình đổi mới; phải đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để nhưng phải có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp; phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần phải đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về kinh tế - xã hội. 

Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2000; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi bổ sung một số điểm trong Điều lệ Đảng.


Cương lĩnh chính trị nêu rõ những đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng và những phương hướng cơ bản để xây dựng thành công CNXH ở nước ta.

Đại hội khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng; tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện Việt Nam.


Đại hội đã quyết định phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm 1991-1995 với mục tiêu tổng quát và phương châm chỉ đạo là vượt qua khó khăn, thử thách, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa nước ta cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 146 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công được giao trách nhiệm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đón đọc số báo sau: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng: Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước