01:09 08/01/2011

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng: Đổi mới toàn diện đất nước

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV, lần thứ V và các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương của các nhiệm kỳ đại hội đó, nhân dân ta đã phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Công cuộc cải tạo XHCN đã tiến thêm một bước.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV, lần thứ V và các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương của các nhiệm kỳ đại hội đó, nhân dân ta đã phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Công cuộc cải tạo XHCN đã tiến thêm một bước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, nền kinh tế - xã hội nước ta đứng trước nhiều khó khăn. Chúng ta đã mắc những sai lầm trong bố trí cơ cấu kinh tế, nhất là ở lĩnh vực đầu tư và xây dựng cơ bản của những năm 1976-1980, đã để lại hậu quả nặng nề.

Thực tiễn đất nước đặt Đảng ta trước những thách thức to lớn, đòi hỏi phải đổi mới phương pháp lãnh đạo, trước hết là đổi mới tư duy. Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng diễn ra từ ngày 15 – 18/12/1986, tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng, và 32 đoàn đại biểu quốc tế.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình của đất nước..., Đại hội VI đã đề ra đường lối đổi mới. Đại hội xác định đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, trọng tâm trước mắt là đổi mới chính sách kinh tế, giữ vững ổn định chính trị là tiền đề bảo đảm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.

Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Ảnh: Tư liệu - TTXVN


Về phương hướng cơ bản của chính sách kinh tế-xã hội, Đại hội nêu rõ, tư tưởng chỉ đạo là bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư, bố trí lại nền kinh tế quốc dân theo cơ cấu hợp lý; đổi mới cơ cấu kinh tế giữa các ngành, thực hiện bằng được ba chương trình mục tiêu về lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất XHCN, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế. Phát huy mạnh mẽ động lực khoa học kỹ thuật. Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.


Thực hiện công bằng xã hội, lối sống có văn hóa; đảm bảo an toàn xã hội, khôi phục trật tự, kỷ cương trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội...

Đại hội đã nêu 4 bài học kinh nghiệm: Một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.


Trong điều kiện Đảng cầm quyền phải đặc biệt chăm lo củng cố sự liên hệ giữa Đảng và nhân dân. Mọi chủ trương của Đảng phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân lao động.

Hai là, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Ba là, phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới.


Bốn là, phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng XHCN. Vấn đề cấp bách là tăng cường sức chiến đấu và nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực tổ chức thực tiễn của Đảng.


Phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng cũng như trong lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội.

Đại hội quyết định bổ sung và sửa đổi một số điểm cụ thể trong Điều lệ Đảng cho phù hợp với tình hình mới; bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VI, gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.