03:08 17/03/2016

Đại học Luật TP.HCM vươn tầm phát triển

Ngày 30/3/1996, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 1234/GD&ĐT thành lập Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập Phân hiệu Đại học Luật TP Hồ Chí Minh và Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với NGUT.GS.TS Mai Hồng Quỳ (ảnh) - Hiệu trưởng Đại học Luật TP Hồ Chí Minh về quá trình phát triển, đào tạo của nhà trường.

Xin NGUT.GS. TS cho biết đôi nét về quá trình 20 năm trưởng thành của nhà trường?

Trong 20 năm qua, Trường Đại học Luật TP.HCM có những bước phát triển nhanh, mạnh mẽ về quy mô và chất lượng đào tạo, cơ cấu tổ chức ngày càng hoàn thiện, cán bộ giảng viên liên tục được bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo. Trường hiện có 7 khoa và 1 bộ môn trực thuộc trường với 5 chuyên ngành đào tạo về luật, bao gồm: khoa Luật Thương mại, khoa Luật Dân sự, khoa Luật Hình sự, khoa Luật Hành chính - Nhà nước, khoa Luật Quốc tế, khoa Khoa học cơ bản, khoa Quản trị và Bộ môn Anh văn pháp lý. Đồng thời, trường cũng chuyển từ đào tạo đơn ngành sang đào tạo đa ngành như mở thêm ngành và thành lập thêm khoa Quản trị, Bộ môn Anh văn pháp lý với ngành Quản trị-Luật, Quản trị Kinh doanh và Ngôn ngữ Anh.
Quy mô đào tạo của trường hiện nay khoảng 8.000 sinh viên chính quy và 10.000 sinh viên hệ vừa làm vừa học.

Trường Đại học Luật TP.HCM gồm hai cơ sở với diện tích là 7.196 m2 (Cơ sở 1 tại số 2 Nguyễn Tất Thành, P.12, Q.4 và Cơ sở 2 tại số 123 quốc lộ 13 P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức). Thời gian qua trường đã đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng hoạt động đào tạo: năm 2007 đưa vào sử dụng khu giảng đường và văn phòng làm việc tại cơ sở 1 với tổng diện tích hơn 14.000 m2; năm 2014 tiếp tục đưa cơ sở 2 với diện tích hơn 12.000 m2 vào sử dụng.
Thực hiện đề án xây dựng trường thành trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật phục vụ cho chiến lược cải cách tư pháp theo NQ49 của Bộ Chính trị, hiện nay trường đang triển khai dự án xây dựng mới Trường Đại học Luật TP.HCM với quy mô diện tích khoảng 29,96 ha tại Khu giáo dục - đào tạo đại học tại phường Long Phước, Q.9, TP.HCM.

Được biết, Đại học Luật TP.HCM có một chương trình đào tạo đặc biệt là Quản trị - Luật khiến phụ huynh và sinh viên rất quan tâm. Xin NGUT.GS.TS nói cụ thể về quy trình đào tạo này?

Trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhằm phù hợp với sứ mạng và mục tiêu giáo dục, chức năng của nhà trường, đồng thời gắn với nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động. Trường đã có chương trình đào tạo cử nhân Quản trị - Luật, một chương trình đột phá của nhà trường với một khối lượng kiến thức chuyên ngành bổ ích, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn nhân lực cử nhân luật. Chương trình được xây dựng trên sự tham khảo các chương trình đào tạo của những nước tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Úc… đào tạo cử nhân Quản trị - Luật theo loại hình đào tạo chính quy. Sau 5 năm học, sinh viên tốt nghiệp được cấp 2 bằng cử nhân ngành Quản trị kinh doanh và cử nhân Luật nhằm đào tạo cử nhân có năng lực chuyên môn cao theo tiêu chuẩn quốc tế có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đây cũng là chuyên ngành được phép triển khai đào tạo đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam và sau 6 năm thực hiện, khóa đầu tiên (khóa 34) với thời gian học 5 năm đã được cấp 2 bằng cử nhân Quản trị kinh doanh và cử nhân Luật.

Những năm qua, song song với hoạt động đào tạo thì nhà trường cũng đã tổ chức nhiều hội thảo quốc tế, nhiều nghiên cứu khoa học quan trọng, thưa NGUT.GS.TS?

Tính đến năm 2015, nhà trường đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với trên 20 trường đại học và các tổ chức quốc tế của nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Từ các thỏa thuận này, nhà trường và các trường đối tác đã liên kết đào tạo, trao đổi học thuật, hội thảo quốc tế. Từ năm 2010 đến tháng 8 năm 2015, nhà trường đã tiếp đón hơn 300 đoàn cán bộ, chuyên gia, giảng viên và sinh viên nước ngoài đến thăm và làm việc tại trường; cử khoảng 120 đoàn chuyên gia, giảng viên và sinh viên nhà trường tham gia các cuộc thi học thuật, hội thảo, giảng dạy mang tầm khu vực và quốc tế. Đặc biệt, nhà trường đã xây dựng chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ với trường Đại học Tây Anh Quốc (Anh) và nhóm các trường đại học của Pháp qua đó đã tuyển sinh được 6 khóa với tổng số 133 học viên (67 học viên Việt Nam, 63 học viên Pháp).

Nhà trường đã tổ chức hội thảo về góp ý sửa đổi Hiến pháp Việt Nam 1992 và 2013; Hội thảo “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam” được tổ chức ngày 26/7/2014 tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM có sự hiện diện của 30 chuyên gia, học giả quốc tế có tên tuổi đến từ rất nhiều nước trên thế giới, như Mỹ, Nhật, Nga, Pháp... và 250 khách mời tham dự hội thảo đến từ Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao.

Triển khai thực hiện Đề án xây dựng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm quốc gia về đào tạo pháp luật được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 549/QĐ-TTg ngày 4/4/2013, Trường Đại học Luật TP.HCM đang phấn đấu để trở thành trung tâm đào tạo đại học và sau đại học đạt tiêu chuẩn và có chất lượng cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cho xã hội, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.

Xin cám ơn NGUT.GS.TS Mai Hồng Quỳ!


Phạm Đăng Giới (thực hiện)