09:17 09/09/2019

Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh cần đổi mới giảng dạy theo hướng hiện đại

Ngày 9/9, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng năm học 2019-2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tham dự lễ khai giảng. 

Chú thích ảnh
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tặng quà lưu niệm cho đại diện Ban Giám hiệu nhà trường.

 Chúc mừng những kết quả đạt được của nhà trường, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá: Trong suốt chặng đường đã qua, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vượt lên khó khăn, thử thách, xây dựng, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu. Đến nay, đội ngũ cán bộ giảng dạy, với nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học của trường đã không ngừng phát triển về số lượng và về trình độ, năng lực. Số sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh hàng năm thuộc diện lớn trong cả nước. Trường đã tiên phong trong việc khai mở ra những ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhiều công trình nghiên cứu của trường được đón nhận và đánh giá cao, góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Trường là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn lớn nhất khu vực phía Nam của đất nước.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị, phát huy những kết quả đã đạt được, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục xây dựng và không ngừng hoàn thiện mô hình trường theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Đồng thời, trường cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình giảng dạy, nghiên cứu của trường theo hướng hiện đại, thiết thực, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Trong đó, cùng với phát triển và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, trường cần tiếp tục xây dựng một số chuyên ngành mới để phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ phát triển, bảo vệ đất nước hiện nay và trong tương lai. Mặt khác, nhà trường cần tiếp tục chú trọng phát triển đội ngũ có năng lực sáng tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; có cơ chế chính sách thu hút, đãi ngộ cán bộ giỏi; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Chú thích ảnh
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tặng hoa chúc mừng tân sinh viên của nhà trường.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, với vai trò là một trong hai cái nôi lớn nhất cả nước trong đào tạo và nghiên cứu về khoa học xã hội - nhân văn, trường cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, các cơ quan của Đảng và Nhà nước, chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp vừa mang tầm chiến lược, lâu dài, vừa mang tính cấp bách để giải quyết có hiệu quả những vấn đề đặt ra của thực tiễn đất nước trên tất cả các lĩnh vực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, với vai trò là một trong hai trung tâm đào tạo trong lĩnh vực khoa học, xã hội và nhân văn lớn nhất của đất nước, trường là điểm đến tin cậy của nhiều học giả, chính trị gia trong và ngoài nước, của người học từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều thế hệ thầy trò đã và đang đóng góp thiết thực trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng đời sống chính trị, tinh thần của xã hội Việt Nam. Nhà trường là cầu nối giữa Việt Nam với bạn bè thế giới thông qua việc quảng bá ngôn ngữ, văn hóa của Việt Nam - một quốc gia thân thiện, hòa bình và năng động.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) có quy mô đào tạo hơn 16.000 sinh viên, học sinh các hệ đại học và sau đại học.

Tin, ảnh: T.Hoài (TTXVN)