03:06 20/03/2018

'Đại gia' Aeon xây trung tâm thứ 2 tại Hà Nội, thị trường bán lẻ thêm sức hút

Aeon đang đẩy nhanh tốc độ hiện diện, gia tăng sự nhận biết thương hiệu với tham vọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt. Các doanh nghiệp Việt thêm sức ép cạnh tranh nhưng cũng là cơ hội để trưởng thành trong hội nhập.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam đang chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường hấp dẫn nhất thế giới của ngành bán lẻ.

Bởi thế, chỉ vài năm trở lại đây, các đại gia bán lẻ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đua nhau chen chân vào thị trường Việt. Có thể kể đến những tên tuổi như Lotte của Hàn Quốc, Takashimaya, Aeon Mall của Nhật Bản, Central Group của Thái...

Đã có 4 trung tâm thương mại hoạt động tại Việt Nam, kết quả kinh doanh của Aeon khá khả quan. “Chậm nhưng chắc” là phương châm kinh doanh của "người khổng lồ" bán lẻ Nhật Bản. Tìm hiểu và thâm nhập thị trường Việt từ năm 2008, Aeon mất đến 6 năm để chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại Aeon Mall đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh.

AEON mới khởi công trung tâm thương mại thứ 2 tại Hà Nội.

Khắt khe trong chọn đối tác

Aeon hiện là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới với 179 liên doanh trong và ngoài nước Nhật Bản. Được thành lập từ năm 1758, Tập đoàn Aeon là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản.

Danh tiếng của Aeon gắn liền với sự cẩn trọng và tác phong chuyên nghiệp đến từng chi tiết, đặc biệt là sự khắt khe trong việc lựa chọn đối tác. Tập đoàn này hiểu rằng những cái bắt tay chiến lược với các thương hiệu bản địa sẽ là đòn bảy thúc đẩy khả năng thích ứng với thị trường của Aeon.

Trước đây, Aeon đã bắt tay với thương hiệu Fivimart nổi tiếng ở Hà Nội, mở ra chuỗi siêu thị Aeon Fivimart. Với cách này, Aeon tận dụng được hệ thống cơ sở hạ tầng vốn có của Fivimart, dùng tiềm lực của mình để mở rộng chuỗi siêu thị.

Mới đây, Aeon lại hợp tác với BIM Group cho ra đời dự án Aeon Mall Hà Đông, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích lên tới 9,5ha, khu để xe có sức chứa hàng ngàn ô tô.

Nhắc tới BIM Group, đây là một tập đoàn đa ngành, phát triển kinh doanh ở nhiều lĩnh vực. Những sản phẩm nông sản chất lượng như muối nguyên liệu, muối công nghiệp của BIM Group liên tục dẫn đầu thị trường nội địa, là đối tác với các thương hiệu hàng đầu như Nestlé, Ajinomoto... Đồng thời, BIM Group cũng nổi tiếng ở mảng dịch vụ, nhà hàng.

Sự hợp tác này cho phép Aeon khai thác được tối đa những lợi thế từ đối tác Việt Nam để tạo thêm sức hút cho thương hiệu Nhật Bản của mình. Lựa chọn một đối tác không những có nền tảng tài chính vững chắc mà còn có kinh nghiệm làm việc với đối tác quốc tế dày dặn, một lần nữa Aeon cho thấy sự cẩn trọng trong kinh doanh của người Nhật. Đây cũng được coi là cơ sở vững chắc để dự án Aeon Mall Hà Đông thành công.

Bên trong trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên, Hà Nội.

Đón đầu sự phát triển của khu Tây Nam Thủ đô

Nếu như trung tâm thương mại Aeon đầu tiên của Hà Nội được đặt ở quận Long Biên, cửa ngõ phía Đông đang phát triển nhanh chóng thì Aeon Mall thứ 2 được đặt tại quận Hà Đông, cửa ngõ Tây Nam Thủ đô.

Hiện tại, các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm có tốc độ đô thị hóa cao với thu nhập và mức sống tăng nhanh. Nơi đây quy tụ hàng loạt dự án dân cư, khu đô thị, tòa nhà chung cư quy mô lớn. Tuy nhiên, những tiện ích phục vụ đời sống xã hội tại đây vẫn chưa được chú trọng.

Chọn Hà Đông làm vị trí đầu tư thứ 2 tại Hà Nội, Aeon đã đón đầu được nhu cầu mua sắm của một vùng đang phát triển rất nhanh tại Hà Nội. Tuy nhiên ngược lại, họ cũng xác định sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với những đại gia bán lẻ khác đang hoạt động tại đây như Big C, Metro, Co.op mart...

Aeon Mall Hà Đông được dự báo sẽ góp phần thay đổi bộ mặt toàn bộ khu vực, tác động tích cực đến đời sống và nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm của người dân khi được đưa vào hoạt động năm 2019. Đây sẽ là điểm trung chuyển giữa khu vực Tây Nam Hà Nội với các quận trung tâm, kết nối dễ dàng với hệ thống đường vành đai mở rộng, tuyến xe buýt BRT 01 (Kim Mã - Yên Nghĩa) và BRT 02 (Hòa Lạc - Kim Mã), tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông...

Xét về khía cạnh phân tích bất động sản, các chuyên gia cho rằng, các đại siêu thị sau khi đi vào hoạt động sẽ khiến giá trị bất động sản xung quanh gia tăng đáng kể. Chẳng hạn như sức hút của siêu thị Big C Thăng Long kéo theo rất nhiều dự án bất động sản lân cận. Khi giới thiệu ra thị trường, các dự án này đều lấy thước đo khoảng cách đến BigC như một lợi thế nhằm cạnh tranh với các dự án khác.

Dự án Aeon Mall Hà Đông được kỳ vọng cũng sẽ như vậy, góp phần nâng cao dân trí và phúc lợi xã hội cho khu vực Tây Nam, đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì...

Các nhà bán lẻ Việt Nam đương nhiên sẽ chịu thêm sức ép trước sự lấn sân này của đại gia Nhật. Tuy nhiên, chắc hẳn người tiêu dùng Thủ đô sẽ được hưởng lợi là những sản phẩm, dịch vụ tốt.

Hoàng Dương/Báo Tin tức