05:09 31/05/2013

“Đại dịch” đánh cắp bản quyền âm nhạc tại Gana

Nếu như cách đây hai thập kỷ, ngành công nghiệp âm nhạc Gana không phải đau đầu xử lý tình trạng đánh cắp bản quyền thì nay, vấn nạn đó lại trở thành một “đại dịch” hoành hành tại quốc gia châu Phi này.

Nếu như cách đây hai thập kỷ, ngành công nghiệp âm nhạc Gana không phải đau đầu xử lý tình trạng đánh cắp bản quyền thì nay, vấn nạn đó lại trở thành một “đại dịch” hoành hành tại quốc gia châu Phi này.


 

Những băng đĩa trôi nổi trên thị trường đang giết chết nền nghệ thuật của Gana.

 

Hành vi đánh cắp bản quyền trong các lĩnh vực như âm nhạc và phim ảnh ngày càng gia tăng đồng nghĩa với việc nền công nghiệp nghệ thuật đòi hỏi tính sáng tạo của Gana đang dần dần bị “bóp chết” trên chính quê hương của nó. Các bản báo cáo cho thấy, cứ 100 bài hát được phát trên đài phát thanh thì có 80 bài không được sự cho phép của các nghệ sĩ. Một số băng đĩa nhạc còn được bán trên xe buýt với mức giá “bèo” chỉ 0,52 USD trong khi các nghệ sĩ Gana đã tốn hàng nghìn USD đầu tư vào đó.


Ngay cả những sản phẩm âm nhạc được gửi đến giới truyền thông để lót đường cho sự ra mắt album mới cũng bị làm nhái ở nước ngoài, sau đó tràn vào thị trường Gana với mức giá thấp hơn giá gốc. Tinh vi hơn, các đối tượng làm nhái còn tiến hành hoạt động của chúng ở vùng biển rồi quay trở lại đất liền tung sản phẩm ra thị trường.


Ông Rex Owusu - Marfo, quan chức Liên đoàn nhạc sĩ Gana (MUSIGA), cho biết các nhạc sĩ tại đất nước này không chỉ đang mất đi những “đứa con tinh thần” mà còn bị cướp cả “miếng cơm manh áo”. Không những thế, nạn đánh cắp bản quyền còn phá hủy các khoản đầu tư vào các sản phẩm mới, làm giảm việc làm và ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người.


Nguy hiểm hơn, theo ông Owusu, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật của Gana như các nhà văn, nhà xuất bản, nhà soạn nhạc, nhà sản xuất... đang dần mất đi hứng thú sáng tạo bởi vốn bỏ ra thì nhiều trong khi lợi nhuận thu về lại không thỏa đáng do hành vi đánh cắp bản quyền.


Mặc dù Gana đã có quy định xử phạt hành động vi phạm luật sở hữu trí tuệ nhưng thời gian qua, việc triển khai những quy định này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Ông Owusu kêu gọi siết chặt hơn nữa hệ thống luật chống vi phạm bản quyền hiện hành cũng như ban bố thêm luật mới, đặc biệt là luật về đánh cắp bản quyền trên Internet.


Trong khi theo đánh giá của các chuyên gia, nghệ thuật là lĩnh vực có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động thì nghịch lý lại ở chỗ nhà chức trách Gana vẫn chưa thực hiện đủ những việc cần phải làm để bảo vệ lĩnh vực này. Ông Owusu cho rằng, Gana cần tập trung dồn lực vào cuộc chiến chống vấn nạn đánh cắp bản quyền trên tất cả các mặt trận, bằng mọi phương tiện có thể. Chỉ như vậy, Gana mới có thể tiến xa bởi ngành công nghiệp nghệ thuật hứa hẹn sẽ giúp “hái” ra tiền, hạn chế đói nghèo cũng như làm giảm tỉ lệ thất nghiệp tại Gana.


Trước thực trạng tệ đánh cắp bản quyền hoành hành tại Gana, Tổ chức Những người Sở hữu Âm nhạc Chính đáng Gana (GHAMRO) đã bắt đầu mở chiến dịch quy mô lớn trên truyền hình nhằm vận động cộng đồng tẩy chay các sản phẩm làm giả, làm nhái. Chiến dịch này một mặt góp phần trả lại nguồn thu chính đáng từ lao động nghệ thuật cho giới nghệ sĩ Gana, mặt khác góp phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung ở quốc gia này.


Cuộc chiến chống đánh cắp bản quyền ở Gana thời gian tới chắc chắn sẽ còn nhiều cam go, cần sự đồng tâm hiệp lực của tất cả các bên liên quan. Đã đến lúc chính phủ và người dân Gana không thể làm ngơ trước “đại dịch” đang hủy hoại tiền đồ của nền nghệ thuật khơi nguồn cho những sáng tạo trên lục địa đen.


Anh Minh (Theo Xinhua)