09:17 16/09/2020

Đại dịch COVID-19 khiến ngân hàng ‘tăng tốc’ số hóa dịch vụ

“Tôi chỉ có một mơ ước duy nhất là mọi giao dịch ngân hàng đều có thể làm trên điện thoại di động. Chừng nào chưa làm được điều đó chúng ta chưa phổ cập được tài chính toàn diện...”, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước-NHNN) nói.

Chú thích ảnh
Ngân hàng số sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các mô hình kinh doanh sáng tạo dựa trên số hóa. Ảnh: Minh Yến.

Sự kiện đang gây chú ý là phiên bản ứng dụng BIDV SmartBanking trên bàn phím - SmartKeyboard của BIDV. Với ứng dụng này, khi đang trò truyện trên các ứng dụng chat với bạn bè, người thân, đối tác… người dùng vẫn có thể chuyển tiền 24/7, gửi tiền tiết kiệm; nạp tiền điện thoại; thanh toán hóa đơn điện, nước, phí dịch vụ, Internet, điện thoại; mua vé máy bay; mua sắm trực tuyến qua tiện ích VnShop, mã phản hồi nhanh QR Pay… 

Với sự ảnh hưởng mạnh mẽ mang tính toàn cầu của Công nghệ 4.0, đặc biệt sau sự bùng phát của dịch COVID-19, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước. Trong bối cảnh đó, rất nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng các ứng dụng ngân hàng điện tử. 

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Trần Long - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV chia sẻ: Theo khảo sát của Ernst & Young  (E&Y) năm 2019 tại 30 quốc gia, 81% doanh nghiệp đang có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ chuyển đổi số trong 5 năm tới. Nhu cầu và hành vi của khách hàng cũng thay đổi theo hướng đòi hỏi trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số vượt trội, cấp tín dụng tức thời, thanh toán theo thời gian thực với chi phí thấp; đồng thời kỳ vọng ngân hàng trở thành nơi dịch vụ một cửa (one-stop-shop) cung cấp thông tin, tư vấn thị trường, giải pháp kết nối.

 “Ngay tại BIDV, trong thời gian giãn cách xã hội, doanh nghiệp rất quan tâm đến kênh trực tuyến BIDV iBank để gửi chứng từ sử dụng chữ ký số mà không cần mang đến ngân hàng. Doanh số giao dịch bình quân tháng qua kênh ngân hàng số trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng vọt so với cùng kỳ 2019 là 106%”, ông Trần Long nói.

Đại diện LienVietPostBank ngày 16/9 cho hay: Công ty TNHH Mạng lưới Thông minh (SmartNet) và LienVietPostBank vừa triển khai ví điện tử SmartNet, kiều hối và các dịch vụ khác. Động thái này sẽ khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và NHNN trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. 

Theo đó, khách hàng có thể liên kết nạp tiền/rút tiền thông qua tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ nội địa mở tại LienVietPost Bank với ví điện tử SmartPay. Người dùng ví hoặc có tài khoản tại ngân hàng có thể quét mã thanh toán (QR code) khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại mạng lưới đơn vị chấp nhận thanh toán (ĐVCNTT) của hai bên một cách nhanh chóng và dễ dàng. 

Đón trước đà hồi phục của thị trường kiều hối cuối năm, SmartPay còn được kỳ vọng giúp người dùng tiếp cận dễ dàng dịch vụ kiều hối do ngân hàng cung cấp. Theo ông Marek E. Forysiak, Chủ tịch SmartPay, việc cung cấp các giải pháp tiên tiến nhằm giúp khách hàng cá nhân và tiểu thương sử dụng dịch vụ kiều hối để nhận tiền nhanh hơn với chi phí thấp hơn. 

Trước đó, LienVietPostBank đưa ra thị trường giải pháp eKYC - định danh khách hàng điện tử trên ví Việt nhằm đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, nâng cao độ bảo mật và tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng khi sử dụng. Thay vì định danh khách hàng bằng gặp mặt trực tiếp, phải đến địa điểm giao dịch, đối chiếu chứng từ giấy, eKYC sẽ  định danh khách hàng bằng phương thức điện tử không cần gặp mặt trực tiếp nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến như: Kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân với cơ sở dữ liệu tập trung về danh tính người dùng, xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng nhờ trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhận định về cuộc đua số hóa của các ngân hàng trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế tài chính TS Cấn Văn Lực nói: "Đó là xu thế tất yếu. Đầu tư công nghệ là đầu tư hiệu quả". Đối với các ngân hàng, chi phí đầu tư công nghệ khá lớn ban đầu, nhưng sẽ đem lại lợi ích cuối cùng. Phần đầu tư công nghệ của ngân hàng giả sử làm tăng chi phí hoạt động khoảng 7% thì doanh thu đem về cho ngân hàng, lợi ích cho ngân hàng là lớn gấp đôi, tăng khoảng 12 - 15%. Hơn nữa các ngân hàng chuyển đổi số là vì khách hàng. Khách hàng ngày nay đòi hỏi cao hơn, chỉ thích giao dịch ngân hàng số", TS Cấn Văn Lực nói. 

Theo thống kê của NHNN, hiện Việt Nam có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày, tốc độ tăng trưởng Mobile Banking thời gian qua là 200%. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là thói quen, do đó cần cú hích lớn để thay đổi thói quen người dùng. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác giữa ngân hàng với các dịch vụ Fintech (công nghệ trong tài chính). Hiện có tới 81% tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác giữa ngân hàng - Fintech để cùng phát triển.

“NHNN sắp trình các Nghị định liên quan đến vấn đề lớn như: Đại lý ngân hàng, tiền điện tử, thanh toán quốc tế, Mobile Money. Như vậy trong tương lai không xa, khi hành lang pháp lý cho ngân hàng số hoàn thiện hơn, ngoài những tiện ích mà khách hàng có thể sử dụng trên bàn phím SmartKeyboard, sẽ có thêm nhiều dịch vụ ngân hàng số tiện ích, hiện đại hơn…Tuy nhiên, để phổ cập được tài chính toàn diện cần thêm nhiều giải pháp hướng đến người dân. Thói quen dùng tiền mặt, thậm chí ‘ngại’ đến ngân hàng của không ít người tiêu dùng chính là bước cản lớn nhất trong phát triển tài chính toàn diện”, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán – NHNN nói. 
 
Minh Phương/Báo Tin tức