10:14 31/10/2019

Đại biểu Y Khút Niê: Cần có giải pháp căn cơ khắc phục những thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu

Tham gia góp ý về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngày 31/10, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Y Khút Niê (Ama Sa Ly) đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù riêng để thu hút sự đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào vùng Tây Nguyên, nhất là vào các lĩnh vực thu mua, chế biến hàng nông sản.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Y Khút Niê phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đại biểu Y Khút Niê nhất trí cao với kết quả đạt được trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2019 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày trước Quốc hội. 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch được Quốc hội giao, trong đó 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra.

“Kết quả này không thể không nói đến sự nỗ lực, năng động, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp”, đại biểu Y Khút Niê nói.  

Theo đại biểu Y Khút Niê, công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhân dân, đã huy động một nguồn lực rất lớn trong nhân dân và nhân dân tự giác thực hiện. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,8%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt và các cán cân của nền kinh tế được ổn định, mở rộng. Đời sống nhân dân được nâng cao và có sự chuyển biến tích cực, rõ nét. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 3,3%, nợ công giảm chỉ còn 56,1% GDP mà năm 2016 là 64,6%. Nhiều nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là đầu tư từ tư nhân triển khai mạnh mẽ. Tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 45,3% theo đúng định hướng. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, vốn đầu tư nước ngoài đạt 14,2 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Doanh nghiệp trong nước đăng ký mới, tăng cả số lượng và vốn đầu tư…

Đại biểu Y Khút Niê cho rằng, đây là dấu hiệu đáng mừng cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên ngoài những mặt tích cực đã đạt được trong năm 2019, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải có giải pháp khắc phục thời gian tới, đó là công tác huy động vốn đầu tư từ nguồn ngân sách 9 tháng chỉ đạt tỷ lệ quá thấp là 59,7% so với kế hoạch. Việc triển khai giao vốn không đảm bảo tiến độ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ đầu tư công và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tình hình kinh tế - xã hội giữa các vùng miền chưa phát triển đồng đều có sự phân hóa giàu nghèo ngày càng giãn rộng...

“Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát những khâu vướng mắc, tồn tại, có giải pháp căn cơ, khắc phục tình trạng này trong thời gian tới”, đại biểu Y Khút Niê đề nghị.  

Theo đại biểu tỉnh Đắk Lắk, nước ta là một quốc gia có gần 70% dân số sống bằng nghề nông nghiệp, với năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp, lại còn chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra, đặc biệt là đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi. Tình hình biến đổi khí hậu như hạn hán, triều cường lên cao, sạt lở bờ sông… ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng ở một số vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân ở vùng này.  

Thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành đã kịp thời hỗ trợ, có nhiều biện pháp hữu hiệu cứu người, cứu gia súc, cứu cây trồng vùng bị thiên tai do bệnh tật. “Về lâu dài, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, tầm nhìn chiến lược, trong đó chú trọng công tác đầu tư trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, đầu tư xây dựng, nâng cấp hồ chứa, sớm hoàn thiện kênh mương thủy lợi đã và đang hoạt động... nhằm khắc phục hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra trong thời gian tới”, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đề nghị.  

Đại biểu Y Khút Niê đồng tình với dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2020 đối với hai chương trình mục tiêu quốc gia: Một là bổ sung 241,021 tỷ đồng để đầu tư vốn ứng trước đối với dự án chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2022. Hai là, điều chỉnh tăng 3.580,2 tỷ đồng vốn nước ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của hai chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, điều chỉnh giảm tương ứng vốn trong nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đại biểu Y Khút Niê, so với mặt bằng chung của cả nước, Tây Nguyên vẫn là một vùng còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội tuy có bước phát triển nhưng vẫn còn chậm, tiềm năng chưa được khai thác bởi thiếu nhiều nguồn đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Để tăng cường thu hút đầu tư, phát huy lợi thế, tiềm năng ở vùng này một cách hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, rất cần sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và chung tay của cả nước.  

“Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sớm nghiên cứu quy hoạch đường cao tốc qua vùng Tây Nguyên và sớm bố trí đủ nguồn đầu tư nâng cấp các đường kết nối giữa Quốc lộ 1A với Quốc lộ 14 nhằm tăng cường giao thương hàng hóa du lịch giữa các tỉnh duyên hải miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên theo chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được phê duyệt. Bởi thực tế cho thấy, ở đâu có sự đầu tư hạ tầng giao thông phát triển thuận tiện thì ở đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng và ổn định”, đại biểu tỉnh Đắk Lắk kiến nghị.  

Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu có những giải pháp đột phá căn cơ, chế độ chính sách phù hợp hơn nữa trong việc khuyến khích tài năng trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Đối với các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù riêng để thu hút sự đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào vùng này, nhất là vào các lĩnh vực thu mua, chế biến hàng nông sản nhằm đảm bảo tính ổn định, sự yên tâm sản xuất cho nông dân, tránh tình trạng rủi ro về giá, khó khăn về tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, ổn định cuộc sống”, đại biểu Y Khút Niê đề nghị.

V.T/Báo Tin tức