10:13 22/10/2020

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Cần ủng hộ và hỗ trợ hoạt động thiện nguyện cá nhân

Trước những ý kiến cho rằng các cá nhân thực hiện việc cứu trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt phải thông qua Mặt trận Tổ quốc mới đúng Luật; trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội sáng 22/10, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, nên tách bạch quyền cá nhân với tổ chức thực hiện cứu trợ nhân đạo.   

Theo đại đại biểu Lê Thanh Vân, có nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 64 vẫn còn hiệu lực, nhưng nhiều nội dung đã lỗi thời, lạc hậu. 

Cụ thể, Nghị định 64/2008 quy định hình thức huy động các quỹ tài chính để phục vụ cho mục tiêu xã hội; giao cho các tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc nhằm chia sẻ trách nhiệm với nhà nước trong công tác xã hội. Đồng thời, nghị định thiên về quy định huy động nguồn lực.  

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. Ảnh: LV

Trong khi đó, hành động cứu trợ nhân đạo, "tương thân tương ái" chia sẻ của những cá nhân thiện nguyện với đồng bào khó khăn thiên về quy phạm pháp luật dân sự. Đó là cho, tặng trên cơ sở tự nguyện. Thực tế, có một số trường hợp người thiện nguyện không có điều kiện trao, tặng quà, hỗ trợ cho đồng bào lũ lụt thì họ uỷ thác cho người mà mình tin tưởng.      

Đại biểu Lê Thanh Vân lấy ví dụ, trường hợp ca sĩ Thuỷ Tiên nhận được sự uỷ thác của rất nhiều người. Có những em học sinh ủng hộ 30.000 đồng do nhịn ăn sáng, có những người ủng hộ cả tiền triệu. Nhưng tóm lại, họ đã tin tưởng Thuỷ Tiên hành động đúng với tôn chỉ, mục đích của từ thiện. Hành động đó vừa là ký gửi, uỷ thác, tín thác, gửi gắm niềm tin.

Vì thế, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, Luật phải xem xét dưới góc độ về chế định cho, tặng trong Luật dân sự, chứ không phải trong Luật huy động tài chính phục vụ cho mục đích khác. Mục đích chính là ủng hộ đồng bào và Thủy Tiên đang làm rất tốt.       

Đánh giá cao về nghĩa cử này, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, Luật nên củng cố lại những cơ sở pháp lý. Trước hết, ghi nhận hình thức tham gia công tác từ thiện xã hội đối với các cá nhân này. 

Vậy điều chỉnh luật như thế nào, Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, các cá nhân này chỉ cần đăng ký với chính quyền địa phương nơi họ đến thiện nguyện. Chính quyền địa phương thông báo các đối tượng, cách thức cứu trợ. Như vừa qua, đoàn cứu trợ của nhân dân có nơi nấu bánh chưng, nơi nấu cơm; thể hiện tấm lòng yêu nước thương nòi, “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” của người Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp như vậy pháp luật cần phải bảo hộ để mọi công dân thực hiện quyền của mình, phát huy được tinh thần dân tộc.    

“Những cá nhân này đang làm tốt và chia sẻ gánh nặng với Mặt trận Tổ quốc. Nếu chờ Mặt trận Tổ quốc duyệt thì cơm phân phối đã bị hỏng. Tính tức thời là quan trọng nhất. Các cá nhân thiện nguyện đến ngay bất cứ điểm nào khi nạn nhân đang cần nhất. Nếu phải qua thủ tục, thông qua tổ chức khác thì tính tức thời sẽ không còn nữa. Pháp luật cần hỗ trợ cho hoạt động ấy. Những hoạt động thiện nguyện của các cá nhân vừa qua đa số được ủng hộ, hoan nghênh, chỉ số ít là băn khoăn và phản đối. Do đó, về mặt pháp lý cần rõ ràng và bảo trợ tính nhân văn này”, đại biểu Lê Thanh Vân nói. 

Tin, ảnh: Lê Vân/Báo Tin tức