11:19 04/11/2019

Đại biểu Quốc hội kiến nghị các giải pháp phòng, chống tội phạm

Các đại biểu đánh giá cao việc trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra, khám phá, truy tố, xét xử, đáp ứng được công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 4/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2019; Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.  

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo trên.

Thảo luận ở Hội trường về các báo cáo nêu trên, cơ bản các ý kiến đại biểu thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Để tiếp tục góp ý, hoàn thiện nội dung các báo cáo, tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra, khám phá, truy tố, xét xử, đáp ứng được công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) lưu ý: Trên thực tế vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội phạm kinh tế như tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Việc chứng minh này là rất khó vì các đối tượng thường tìm mọi cách che giấu hành vi và việc đưa và nhận hối lộ rất khó chứng minh, đa phần chỉ chứng minh khi qua phạm tội quả tang mà khó chứng minh qua án truy xét. Tuy nhiên, điều này khó nhưng không phải là không làm được.

Nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm ma túy trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) kiến nghị bốn vấn đề: cần chỉ đạo sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản liên quan, đảm bảo đồng bộ và phù hợp với thực tiễn; tăng cường chế tài xử lý nghiêm khắc với tội phạm ma túy, nhất là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong lớp trẻ, các đối tượng "ngáo đá"; việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện phải thông thoáng hơn, dễ dàng hơn, coi cai nghiện tập trung vẫn là ưu tiên hàng đầu; bổ sung kinh phí ngân sách đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh.

Đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) đề nghị, Chính phủ sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế các Nghị định quy định về quản lý người nghiện và cai nghiện ma túy hiện hành. Sớm khắc phục những tồn tại, yếu kém lãng phí trong công tác cai nghiện ma túy hiện nay, đồng thời thí điểm điều trị nghiện ma túy có hiệu quả với từng loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp để áp dụng tại các cơ sở cai nghiện và các cơ sở y tế.

Về việc đưa người ra nước ngoài lao động trái phép, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đề cập vấn đề từ góc độ phòng chống tội phạm. Theo đại biểu, công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động còn bất cập, người dân thiếu thông tin chính xác, kịp thời từ phía cơ quan quản lý nhà nước; chi phí xuất khẩu lao động quá cao; việc đào tạo, cấp phép cho hoạt động xuất khẩu lao động còn nhiều bất cập... Trong khi đó nhu cầu xuất khẩu lao động ở nhiều địa phương là quá lớn, từ đó xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức lừa đảo, "đục nước béo cò".

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị tăng cường tuyên truyền cho người dân biết đưa người trái phép ra nước ngoài là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, không đề người dân coi hành vi trên là thông lệ bình thường trong xã hội, tiếp tay, tham gia và thành nạn nhân của các loại tội phạm này.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, việc thu hồi tài sản đạt kết quả tốt hơn; phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm; đồng thời quan tâm khắc phục những bất cập trong xử lý những vi phạm về môi trường...

Sáng mai 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về nội dung này.

TTXVN/Báo Tin tức