11:11 05/11/2020

Đại biểu Quốc hội đề xuất những giải pháp quản lý thuỷ điện

Sáng 5/11, vấn đề thủy điện và thủy điện nhỏ tiếp tục được các đại biểu Quốc hội thảo luận, nêu ý kiến trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia…

Dự án thủy điện nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực

Trước đó, trong phiên thảo luận chiều 4/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có phần giải trình việc phát triển thủy điện. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: "Chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng nhập khẩu, trong khi năng lượng sơ cấp đã gần hết. Năng lượng từ thủy điện là nguồn năng lượng rất quan trọng".

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình làm rõ vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đối với câu chuyện thủy điện ảnh hưởng như thế nào đến lũ bão, ngập lụt, sạt lở, thậm chí là động đất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ông đã 2 lần tham gia cùng đoàn công tác tại Quảng Bình, Quảng Trị và gần đây là Quảng Nam, Quảng Ngãi cho thấy, lượng mưa ở một số tỉnh miền Trung rất lớn, lên đến hàng nghìn mm mỗi đợt. Thời gian lưu bão của cơn bão số 9 kéo dài đến 6 tiếng, tác động đến cấu tạo địa chất, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương và gây ra sụt lở nghiêm trọng...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tranh luận với hai đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) và Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) về vấn đề thủy điện và tác động môi trường của các dự án này.  

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, dự án thủy điện nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Pháp luật Việt Nam đã có quy trình về pháp lý rất bài bản, đảm bảo hiệu quả trong từng dự án. Người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh ở đây là Luật Đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật, báo cáo tác động môi trường. “Đây là những nhân tố cơ bản để giúp cấp có thẩm quyền đánh giá, xem dự án đó, cái nào là chủ đạo, có hiệu quả hay không, tác động tiêu cực còn có những gì”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Bên cạnh đó, các dự án này phải đảm bảo điều kiện để hạn chế bớt tiêu cực, để khai thác tốt những ưu thế, lợi ích.  

Về quản lý đất rừng tự nhiên, đại diện ngành công thương cho rằng khi triển khai dự án thủy điện có các khâu rất quan trọng. Đầu tiên là bổ sung quy hoạch, các địa phương có nhiệm vụ tuân theo các thông tư hướng dẫn, như Thông tư 43 của Bộ Công Thương.

Nói về tiêu chí sử dụng đất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, nếu dự án thủy điện nào vượt quá 10 ha đất cho 1 MW thì không được xem xét. Để bổ sung dự án thủy điện vào quy hoạch, Bộ Công Thương phải xin ý kiến của rất nhiều bộ, ngành. Sau đó, cấp có thẩm quyền mới phê duyệt dự án đầu tư, quản lý các dự án đầu tư.

Căn cứ theo luật định, cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương kiểm tra việc thực hiện đúng quy định của pháp luật. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nói báo cáo đánh giá tác động có vai trò quan trọng, là căn cứ để cơ quan quản lý đánh giá tính khả thi của dự án. Báo cáo này đều được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử các cơ quan chức năng.

“Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện”

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) tranh luận, nêu một số ý kiến bàn về thủy điện và  nhắc đến lịch sử xây dựng các dự án thủy điện, bắt nguồn từ dự án thủy điện sông Đà.  Theo đại biểu Thanh Vân, mặt tích cực của thủy điện là điều tiết lũ tốt nhưng mặt trái là việc lạm dụng trong xây dựng, lợi dụng địa điểm và quy trình khi đầu tư thủy điện.

“Đáng tiếc rằng một số chủ đầu tư lạm dụng công trình để trục lợi thông qua phá rừng, lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên”, đại biểu Thanh Vân nhấn mạnh đó là điều đáng lên án. Đại biểu Thanh Vân cho rằng đánh giá phải khách quan, nhiều chiều và con người chính là chủ thể vi phạm pháp luật do lợi ích nhóm gây ra, xử là xử động cơ mục đích của họ. “Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện”, đại biểu Thanh Vân nêu quan điểm.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương, Trung Quốc phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phát biểu tranh luận lại, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, khi nói về vấn đề thủy điện, không nên tùy tiện so sánh với Biển Đông. Đại biểu Dương Trung Quốc cảnh báo nếu chúng ta không nhìn nhận đúng về câu chuyện thủy điện sẽ để lại hậu quả nặng nề trong vài chục năm nữa.

Đại biểu Dương Trung Quốc đồng tình với việc doanh nghiệp tham gia xây dựng dự án thủy điện phải đóng trước một khoản tiền coi như phí môi trường để sau này dừng khai thác còn khắc phục. Còn nếu dừng rồi mới phải xử lý, doanh nghiệp sẽ tìm cách thoái thác. “Việc xây dự án thủy điện phải có chế tài, Nhà nước phải nắm đằng chuôi. Còn nhiều doanh nghiệp tìm cách thoái thác, bỏ đi. Yếu tố lợi ích nhóm sẽ để lại nhiều tổn hại cho sau này”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Còn đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, dự án thủy điện có 2 mặt, nếu các cơ quan thực hiện đúng quy định, thì nên củng hộ. “Tôi kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nên lưu ý những tiêu cực ấy nên được kiểm soát một cách hiệu quả hơn”. Nhắc lại quan điểm của đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng các dự án thủy điện như quả bom nổ nhậm, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng điều này cũng có phần đúng.

“Đây là nhận thức chủ quan trên điều kiện khách quan. Còn nếu đúng là quả bom nổ chậm thì chúng ta phải tháo”, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị. Bày tỏ đồng tình với các giải pháp Bộ Công Thương đang thực hiện, đại biểu tỉnh Khánh Hòa kêu gọi nên đồng tình với các giải pháp đó, từng bước tháo gỡ những yếu tố tiêu cực, nâng hiệu quả sử dụng các dự án này.

V.Tôn/Báo Tin tức