05:11 27/05/2019

Đại biểu Quốc hội: Chất lượng quy hoạch đất đai đô thị còn thấp, tính dự báo chưa cao

Thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra việc quản lý, sử dụng nguồn lực này còn rất lãng phí, đặc biệt, đối với đất đai ở đô thị thì việc lãng phí này càng đáng tiếc hơn.      

Sáng 27/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.     

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Lý Tiết Hạnh phát biểu tại Hội trường sáng 27/5/2019. Ảnh: Viết Tôn

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Lý Tiết Hạnh cho rằng, nguyên nhân của tình trạng quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai còn lãng phí, đặc biệt ở đô thị là chất lượng quy hoạch thấp, tính dự báo chưa cao, nhiều chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt và thực tế thực hiện có sự khác biệt lớn. Bên cạnh đó, việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất còn bị động. Những nguyên nhân này dẫn đến tình trạng có nhiều trường hợp đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, tiền của vào việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, nhưng đến thời điểm phê duyệt thì tình hình phát triển kinh tế xã hội có những biến động; có những trường hợp đã thay đổi, dẫn đến định hướng quy hoạch bị lạc hậu, lỗi thời; việc điều chỉnh phải thực hiện lại từ đầu. Bên cạnh đó, nhiều dự án treo, chiếm dụng đất... vừa gây lãng phí vừa làm mất đi những cơ hội đầu tư phát triển.    

“Nguồn lực về đất đô thị vẫn chưa thực sự được đánh giá đúng mức, chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ở nhiều nơi vẫn còn một quỹ đất hoặc sử dụng không hiệu quả, chậm đưa đất vào sử dụng, khai thác, hoặc để hoang hoá, sử dụng sai mục đích… Bên cạnh đó, khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp”, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho biết.      

Cũng theo đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, trong một số trường hợp cụ thể, đã để xảy ra sự thất thoát, lãng phí rất lớn. Đặc biệt, tình trạng xác định giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích trong các dự án đầu tư phát triển đô thị chưa sát với giá thị trường làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Có không ít dự án theo hợp đồng BT, phải bỏ ra quỹ đất quá lớn nhưng việc thu lại từ các công trình, dự án hoàn toàn không cân xứng. Việc vội vàng, nôn nóng, thiếu cân nhắc kỹ lưỡng trong thu hút đầu tư, trong nhiều trường hợp là sự tuỳ tiện và dẫn đến thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên đất, cũng là thất thoát tài sản công.   

Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, Hoàng Quang Hàm cho rằng Chính phủ cần rà soát lại các dự án treo (qui hoạch nhưng không thực hiện) để xử lý dứt điểm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đối với những vùng đất qui hoạch cho lâu dài, chưa thực hiện dự án ngay được, thì cần di dời để tạo quĩ đất sạch hoặc phải có chính sách để bảo đảm quyền lợi cho người dân về sửa chữa, cải tạo nhà, về tách hộ…

"Đây cũng là vấn đề rất bức xúc vì liên quan đến qui hoạch đất từ trung ương đến địa phương. Người dân ở vùng đất qui hoạch "treo" không an cư được, thậm chí mua bán chuyển nhượng nhà cũng khó khăn, mất giá… Có dự án như dự án khu Bình Quới - Thanh Đa (Thành phố Hồ Chí Minh) liên quan đến hơn 4.000 hộ dân, gần 15.000 nhân khẩu, có chủ trương qui hoạch từ 1992 đến nay đã 27 năm chưa thực hiện", đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, Hoàng Quang Hàm dẫn chứng.

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 đã quy định rõ nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất. Trong điều kiện hiện nay của nước ta, việc phát huy tối đa nguồn lực quan trọng này để phát triển đất nước có một ý nghĩa hết sức quan trọng.

Bà Lý Tiết Hạnh kiến nghị: Từ kết quả giám sát, Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất trên phạm vi cả nước, gắn với triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đối với những trường hợp đang làm thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên này thì kiến nghị cần làm rõ nguyên nhân, và có giải pháp chấn chỉnh để đảm bảo bảo vệ, quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên vốn là hữu hạn này.   

“Hiện nay giữa Luật đất đai và một số luật chuyên ngành, trong đó có Luật đấu giá tài sản đang có nhiều điểm chưa đồng bộ, bất cập (ví dụ như giữa đấu giá và đấu thầu…), cần nhanh chóng sửa đổi các quy định pháp luật  cho đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn”, bà Lý Tiết Hạnh nêu ý kiến. 

“Tôi đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định thống nhất về cách thức quản lý và triển khai đầu tư các dự án từ vốn ngân sách và vốn tư nhân. Bổ sung quy định cụ thể hơn trong thực hiện việc phân lô bán đất nền, việc giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất…”, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định nói. 

Video Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Lý Tiết Hạnh phát biểu:

 

V.Tôn/Báo Tin tức