05:22 15/05/2016

Đại biểu phải quan tâm những vấn đề “sát sườn”

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp sẽ diễn ra trên cả nước. Trước thềm sự kiện quan trọng này, rất nhiều tâm tư, nguyện vọng của cử tri đã được gửi tới những ứng cử viên, những người chuẩn bị trở thành người đại biểu của nhân dân.

Nếu trúng cử, những ĐBQH và đại biểu HĐND phải luôn bám sát thực tế, quan tâm đến những vấn đề sát sườn đời sống người dân như chuyện học hành, đi lại, chữa bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm... để phản ánh đúng tiếng lòng của người dân tại cơ quan quyền lực Nhà nước. Đó là ý kiến chung của rất nhiều cử tri gửi gắm tới các ứng cử viên.

Cử tri Nguyễn Quốc Vinh, khu vực ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ông cũng như các cử tri ở phường Láng Hạ mong các ĐBQH sẽ đại diện cho cử tri giám sát dự án đường ống nước sông Đà. Vì đường ống nước sông Đà đã nhiều lần bị vỡ, khiến cuộc sống của người dân “lao đao” mỗi khi bị mất nước, phải sơ tán vì thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, ĐBQH cần hiến kế cho Quốc hội, Chính phủ để có những giải pháp chống ùn tắc giao thông. Hiện nay, giao thông ở khu vực Láng Hạ cũng như các đường phố xung quanh khu vực này thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Cử tri Đoàn Thị Hương, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP Hà Nội lại bức xúc với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. “Hàng ngày, tôi luôn băn khoăn với câu hỏi ăn uống thế nào đây, có an toàn hay không? Tôi mong các ĐBQH lần này nếu trúng cử sẽ đề xuất các giải pháp giải quyết rốt ráo để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng này”, bà Hương cho biết. Cử tri Đoàn Thị Hương cũng đề nghị, các ĐBQH cần hiến kế cho Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý, tức là luật pháp, chính sách phải minh bạch, cụ thể, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm khi các vụ ngộ độc xảy ra, thực phẩm bẩn bị phát hiện, tránh tình trạng một “miếng thịt bò mà nhiều sở quản lý”.

Trước vấn đề quản lý chung cư còn nhiều bất cập, cử tri Nguyễn Thị Hồng Hải (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cũng mong muốn: “Các đại biểu, nhất là đại biểu HĐND cấp phường cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này”. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tâm huyết trong lĩnh vực giáo dục cũng được nhiều cử tri gửi gắm tới các đại biểu. Chị Hồ Ngọc Loan, cử tri phường 16, quận 4, TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến đầu tư cho giáo dục đối với các con em của hộ nghèo. Bên cạnh đó, môi trường sống chưa thực sự lành mạnh, tình trạng đá gà, cờ bạc, trộm cướp... vẫn diễn ra thường xuyên. Điều này xuất phát từ việc quan tâm giáo dục cho lớp thanh niên của xã hội chưa đầy đủ nên dễ dàng bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu.

Không chỉ có vấn đề dân sinh, nhiều cử tri cũng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình trước những vấn đề hệ trọng của quốc gia như: vấn đề tham nhũng, cải cánh hành chính, cải cách tư pháp, Biển Đông... Cử tri Nguyễn Phan Vân (Cựu chiến binh huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, ông rất bức xúc trước tình trạng tham nhũng hiện nay dù những năm qua Đảng, Nhà nước có nhiều giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi.

Đồng tình với quan điểm này, ông Cao Chánh Nguyên Huấn, cử tri phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh công tác cải cách hành chính, vì đây là việc làm thiết thực nhất để thấy được tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân. “Do vậy tôi mong các đại biểu trúng cử sẽ tập trung vào công tác này trên các lĩnh vực quản lý hành chính tại địa phương.

Dù là một đại biểu Hội đồng nhân dân cấp phường, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố hay đại biểu Quốc hội, các cử tri đều mong muốn, các đại biểu đã được nhân dân tín nhiệm, tin tưởng thì phải có trách nhiệm đối với nhân dân. “Như vậy, người đại biểu phải tin dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, của cử tri”, chị Nguyễn Việt Anh, cử tri phường 7, quận 11, TP Hồ Chí Minh cho biết.

Xuân Phong - Thu Phương - Hữu Vinh - Anh Đức