01:14 11/01/2017

Đài Anh 'chấm điểm' cho ông Obama sau 8 năm cầm quyền

Và không chỉ "chấm điểm" cho Obama sau 8 năm làm Tổng thống Mỹ, đài BBC của Anh còn đánh giá về khả năng của chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng trên các lĩnh vực như kinh tế, đối ngoại, y tế...

Đã gần đến lúc khép lại trang cuối cùng của 8 năm cầm quyền tại Nhà Trắng của ông Barack Obama. Trước khi ông chuyển đến chỗ ở mới ở khu dân cư Kalorama giàu có của thủ đô Washington, hãy cùng nhìn lại những gì mà ông đã nỗ lực thực hiện - và kết quả của các nỗ lực đó.

Kinh tế: Điểm A

Khi ông Obama nhậm chức, kinh tế Mỹ đang rơi tự do. Tỷ lệ thất nghiệp đã vọt lên mức hai con số, giá nhà ở rớt thảm hại còn ngành tài chính thì đang bên bờ vực sụp đổ.

Tình hình kinh tế có lẽ là di sản lớn nhất của ông Obama. Ảnh: BBC

Tám năm sau, bức tranh kinh tế mang màu sắc ổn định và tăng trưởng ở mức vừa phải. Về mặt chính sách, ông Obama đã sớm đưa ra một gói kích cầu lớn và một đạo luật cải cách tài chính trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Chính quyền của ông đã giám sát một chương trình hỗ trợ đã cứu General Motors khỏi một cuộc phá sản có thể đã tàn phá nền công nghiệp ô tô Mỹ. Chương trình Tái cho vay Hợp túi tiền cho Nhà ở, do Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang triển khai, đã giúp hàng triệu người mua nhà ở Mỹ tránh khỏi cảnh bị tịch thu nhà và giảm bớt gánh nặng từ các khoản vay mua nhà lãi suất cao.

Tổng thống đã thương lượng được một thỏa thuận giúp xóa bỏ rất nhiều khoản miễn giảm thuế dưới thời Tổng thống George W Bush để đổi lấy việc ngừng tăng chi tiêu trong ngân sách liên bang. Ông cũng thường xuyên kêu gọi tăng mức lương tối thiểu trên toàn quốc, nhưng không nhận được bất cứ sự ủng hộ nào từ phía Quốc hội nằm trong tay Đảng Cộng hòa.

Mặc dù thị trường chứng khoán đang đạt đến những đỉnh mới, thu nhập bình quân hộ gia đình vào năm 2015 vẫn còn thấp hơn mức năm 2007. Tuy thế, nếu xét đến hoàn cảnh mà ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình, thì có lẽ tình trạng của nền kinh tế hiện lại là di sản lớn nhất của ông.

Khả năng của ông Trump: Đảng Cộng hòa cắt giảm thuế khi nắm quyền là điều có thể chắc chắn. Các cải cách về thuế, nhiều khả năng bao gồm việc quay trở lại mức thuế dưới thời Tổng thống Bush cùng với nhiều thay đổi quan trọng khác, có vẻ như chắc chắn sẽ được thông qua. Đạo luật cải cách tài chính của ông Obama cũng dễ bị làm yếu đi bởi chúng là đối tượng thường được ông Donald Trump nhắm tới trong khi phàn nàn về các quy định của luật.

Mặc dù phe bảo thủ thích chỉ trích các nỗ lực của ông Obama trong việc giúp đỡ các công ty Mỹ là "chọn ra người thắng và kẻ thua", các bằng chứng ban đầu (Carrier, Ford Motors,...) cho thấy đó là một truyền thống mà ông Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục, mặc dù có thể với điều kiện ngặt nghèo với những công ty không làm ông vừa ý.

Thương mại: Điểm D-

Tổng thống Obama đã đưa việc hoàn thiện hai bản hiệp định thương mại - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) - trở thành nền tảng cho toàn bộ nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Nhưng TPP đã bị "vứt vào sọt rác" trước cả khi được Quốc hội Mỹ để mắt tới, bởi sự chống đối của một liên minh giữa phe cực tả của đảng Dân chủ và những người theo chủ nghĩa dân tộc về kinh tế đang ngày càng có quyền lực nhờ sự nổi lên của ông Trump.

Ông Trump có thể và sẽ kết liễu bất cứ hy vọng nào Tổng thống Obama có trong việc để lại một di sản lâu dài về thương mại thông qua TPP và TTIP

TTIP, vẫn còn đang trong giai đoạn đàm phán và sẽ làm giảm các rào cản thương mại giữa Mỹ và EU, đang bị bỏ rơi bởi các chính khách ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Chính quyền Obama đã thành công trong việc ký hiệp định thương mại tự do với Panama, Colombia và Hàn Quốc, nhưng những thành công đó là quá nhỏ bé so với quy mô và tầm vóc của những thất bại mang tính khu vực kia.

Khả năng của ông Trump: Ông Trump có thể và sẽ kết liễu bất cứ hy vọng nào Tổng thống Obama có trong việc để lại một di sản lâu dài về thương mại thông qua TPP và TTIP. Hơn thế nữa, Tổng thống mới còn sẵn sàng lật lại di sản của các đời Tổng thống trước, khi ông hứa sẽ tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA) - được hoàn thiện dưới thời Tổng thống Bill Clinton - hoặc thậm chí rút lui hoàn toàn khỏi hiệp định này.

Lời hứa của Trump về việc áp đặt các mức thuế nhập khẩu hà khắc với một số hàng hóa ngoại nhập cũng sẽ đi ngược lại các cam kết của Mỹ với Tổ chức Thương mại Thế giới, có thể gây xói mòn nền móng của định chế thương mại toàn cầu này.

Đối ngoại: Điểm C+

Ông Obama sẽ rời Nhà Trắng với hai thành tựu nổi bật trong lĩnh vực ngoại giao - hiệp định hạt nhân với Iran và tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba. Bất kể ý kiến dư luận về tính đúng đắn của những thành tựu đó (và nhiều người cũng có ý nghĩ như vậy), chúng là đại diện cho sự ấm lên đáng kể trong quan hệ giữa Mỹ và hai quốc gia từng là đối thủ trong thời gian dài. Ông Obama cũng hoàn thành một lời hứa chủ chốt trong giai đoạn vận động tranh cử của mình khi rút quân lực Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan.

Kế hoạch "xoay trục sang châu Á" của ông Obama cũng không có nhiều thành tựu trong việc ngăn cản tham vọng khu vực của Trung Quốc. Ảnh: BBC

Tuy vậy, ở những chỗ khác, chính sách ngoại giao của Tổng thống sắp mãn nhiệm đã tạo ra nhiều mối quan hệ bị rạn nứt và nhiều vấn đề tiềm ẩn. Cuộc cách mạng Mùa xuân Arab bắt đầu vào năm 2010 đã lan ra khắp khu vực Trung Đông, với đỉnh điểm là cuộc nội chiến ở Syria đã tạo nền móng cho sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và một cuộc khủng hoảng tỵ nạn quy mô lớn làm chấn động nền chính trị châu Âu.

Triều Tiên vẫn đang tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của họ và những kế hoạch "xoay trục sang châu Á" của ông Obama cũng không có nhiều thành tựu trong việc ngăn cản tham vọng khu vực của Trung Quốc. Tất nhiên trách nhiệm cho những bất ổn toàn cầu này không thể bị quy hết cho ông Obama, nhưng dù sao chúng vẫn để lại một dấu ấn vĩnh viễn trên bảng thành tích của ông.

Khả năng của ông Trump: Ông Trump đã chỉ trích hiệp định hạt nhân với Iran, mặc dù khác với một số đảng viên Cộng hòa, ông vẫn chưa thề sẽ từ bỏ nó hoàn toàn. Nhưng ông sẽ sớm nhận ra rằng tái đàm phán hiệp định đa phương này khó khăn hơn nhiều so với những gì ông vẫn nghĩ. Với Cuba, ông có thể dựa vào quyền hạn của Tổng thống để lật lại toàn bộ những ưu đãi ngoại giao mà ông Obama đã dành cho với quốc đảo này, bao gồm giảm bớt lệnh cấm vận và hạn chế đi lại - mặc dù ông Trump vẫn xác nhận quan điểm của mình về vấn đề này.

Tổng thống đắc cử có vẻ cũng sẽ thích có một mối quan hệ gần gũi hơn với Israel và một nỗ lực mới trong việc cải thiện quan hệ với Nga. Ở Syria, ông đã chỉ trích các hành động của Tổng thống Obama nhưng chưa đưa ra được một chính sách thay thế nhất quán, nên vẫn không rõ bằng cách nào - hay liệu - ông có thay đổi lộ trình ở đây không.

Tuy vậy, một điều vẫn là chắc chắn. Ít nhất về mặt phát ngôn thì chính quyền của ông Trump sẽ để lại một dấu ấn khác hẳn so với chính sách ngoại giao theo xu thế quốc tế hóa của ông Obama, vốn dựa nhiều vào hợp tác và phối hợp với các đồng minh.

Y tế: Điểm B+

Cải cách toàn diện hệ thống chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực mà đảng Dân chủ đã theo đuổi trong nhiều thập niên. Cuối cùng, dưới thời ông Obama, họ đã đạt được.

Cải cách toàn diện hệ thống chăm sóc sức khỏe của ông Obama cuối cùng có thể trở thành "một chiếc bánh nướng dở". Ảnh: BBC

Nhưng do một trở ngại phút chót ở Thượng viện trước khi được thông qua lần cuối, đạo luật đồ sộ này đã trở thành một "chiếc bánh nướng dở", khiến cho việc thực thi chúng gặp nhiều khó khăn. Trang web hỗ trợ cho việc mua bán các gói bảo hiểm y tế của chính phủ liên bang, hầu như không hoạt động trong nhiều tháng kể từ ngày ra mắt, là một sai lầm chính trị nghiêm trọng và vô cùng rõ ràng.

Tuy vậy phần lớn bộ luật vẫn có kết quả như dự định. Tỷ lệ người Mỹ không có bảo hiểm y tế đã tụt từ 15.7% năm 2011 xuống 9.1% năm 2015. Hơn 8.8 triệu người Mỹ đã đăng ký các gói bảo hiểm qua hệ thống quản lý bởi chính phủ liên bang trong cùng kỳ - một con số cao kỷ lục. Các công ty không còn có thể từ chối bán bảo hiểm cho các cá nhân đang mang bệnh, và không có giới hạn cho các khoản chi bảo hiểm.

Mặc dù có những khiếm khuyết, việc thông qua Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Affordable Care Act), theo lời Phó Tổng thống Joe Biden, là một sự kiện lớn.

Khả năng của ông Trump: Đảng Cộng hòa đã tìm cách bác bỏ đạo luật nói trên kể từ thời điểm nó được ông Obama phê duyệt. Ông Trump thì thường xuyên phê phán nó như một thất bại. Và ngay lúc này, Đảng Cộng hòa đang bắt đầu chuẩn bị để xóa bỏ các cải cách này "từ gốc đến ngọn", theo lời Thủ lĩnh phe Đa số Thượng viện - ông Mitch McConnell.

Mặc dù chỉ nắm đa số mong manh ở Thượng viện, đảng Cộng hòa vẫn có thể đạt được mục tiêu này nhờ vào quyền hạn của Tổng thống và các thủ thuật lập pháp. Nhưng việc tạo ra một kế hoạch thay thế sẽ khó khăn hơn nhiều. Hiện tại, dường như đảng Cộng hòa đã quyết định loại bỏ bộ luật trước cả khi xác định rõ ràng hậu quả, nhưng ông Trump đã nhắc nhở các đồng sự tại Quốc hội rằng đây là một công việc mà họ nên tiến hành thận trọng.

Nhập cư: Điểm B

Ngay sau khi ông Obama đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm 2012, đã có lúc tưởng như việc cải cách toàn diện hệ thống nhập cư dường như là điều hiển nhiên.

Tổng thống và các cộng sự trong đảng Dân chủ ủng hộ, và nhiều đảng viên Cộng hòa bị đe dọa thấy việc cấp quyền cư trú vĩnh viễn cho một số lao động nhập cư không khai báo và sắp xếp lại hệ thống nhập cư Mỹ là các biện pháp cần thiết để giành được cảm tình của số cử tri Mỹ Latin đang ngày một nhiều thêm.

Obama đã khiến một số người đặt biệt danh cho ông là "Tổng tư lệnh trục xuất". Ảnh: BBC

Một "cuộc nổi loạn" từ dưới lên trong đảng Cộng hòa đã làm chệch hướng các kế hoạch đó, buộc ông Obama phải vận dụng một loạt các biện pháp hành pháp để cấp quyền lưu trú cho những người nhập cư vào Mỹ không khai báo khi còn là trẻ em và gia đình nhập cư của các công dân Mỹ và người được cư trú vĩnh viễn. (Chính sách sau cùng sau đó đã bị ngưng lại trong một cuộc chiến pháp lý kéo dài về tính hợp hiến của nó).

Trong khi các nỗ lực đó nhận được nhiều lời khen từ các nhóm vận động ủng hộ người nhập cư và các nhóm Mỹ Latin, chính sách tăng cường trục xuất đối với những người nhập cư không khai báo khác của của chính quyền Obama đã khiến một số người đặt biệt danh cho ông là "Tổng tư lệnh trục xuất". Từ năm 2009 đến 2015, chính quyền Obama đã trục xuất hơn 2,5 triệu người - phần lớn trong số đó bị cáo buộc phạm tội hình sự hoặc là những người mới đến.

Khả năng của ông Trump: Ông Trump rất có thể sẽ ngưng chống lại vụ kiện nhằm vào biện pháp hành pháp của ông Obama. Ông cũng có thể đơn phương trục xuất những người nhập cư đã được cấp phép lưu trú dưới thời Obama, mặc dù việc đó sẽ gây nhiều tranh cãi hơn.

Tổng thống đắc cử đã hứa sẽ trục xuất hơn 3 triệu người nhập cư không khai báo hiện đang sống trên lãnh thổ Mỹ - bao gồm những du khách ở lại quá thời hạn visa của họ - mặc dù nếu xét đến những gì Obama đã làm thì đó chỉ là một sự khác biệt về quy mô chứ không phải về bản chất.

Đã có thời điểm ông Trump hứa trục xuất tất cả những người nhập cư bất hợp pháp vào nước Mỹ - hơn 11 triệu theo nhiều dự tính - một hành động không chỉ khác biệt so với chính sách của ông Obama mà còn với bất cứ Tổng thống Mỹ thời hiện đại nào khác.

Công Thuận