10:07 26/10/2012

Đặc vụ Mỹ điều tra vụ sát hại tướng tình báo Lebanon

Bộ trưởng Nội vụ Lebanon (Libăng) Marwan Charbel cho biết, một nhóm đặc vụ thuộc Cục Điều tra Liên bang (FBI) của Mỹ đã tới Lebanon giúp các nhân viên an ninh nước này điều tra vụ đánh bom sát hại Giám đốc tình báo thuộc Lực lượng An ninh nội địa hồi tuần trước.

Ngày 25/10, Bộ trưởng Nội vụ Lebanon (Libăng) Marwan Charbel cho biết, theo yêu cầu của chính quyền Beirus (Bâyrút), một nhóm đặc vụ thuộc Cục Điều tra Liên bang (FBI) của Mỹ đã tới Lebanon giúp các nhân viên an ninh nước này điều tra vụ đánh bom sát hại Giám đốc tình báo thuộc Lực lượng An ninh nội địa (ISF) LebanonWissam al-Hassan hồi tuần trước.

 

Bộ trưởng Saben cho biết các đặc vụ FBI đã bắt đầu thu thập chứng cứ tại hiện trường nơi xảy ra vụ đánh bom. Trước đó, ngày 22/10, Mỹ thông báo cử các đặc vụ FBI tới hỗ trợ Lebanon điều tra vụ đánh bom xe làm hơn 130 người thương vong nói trên. Washington coi đây một vụ tấn công khủng bố, song tuyên bố sẽ đợi kết quả điều tra trước khi đưa ra thêm các phản ứng.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Tình hình an ninh tại Lebanon đã xấu đi nghiêm trọng sau vụ đánh bom kinh hoàng này. Các cuộc biểu tình đòi Thủ tướng Najib Mikati từ chức tại thủ đô Bâyrút và nhiều thành phố khác ở Lebanon đã biến thành bạo loạn đường phố. Quân đội đã buộc phải triển khai tại một số khu vực ở thủ đô Beirus để đảm bảo trật tự trị an.


Lebanon là một quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo với người dòng Thiên Chúa, người Hồi giáo dòng Shiite và Sunni mỗi cộng đồng chiếm khoảng 1/3 dân số. Chính trường phức tạp, song có một thỏa thuận "không thành văn", theo đó tổng thống là người Thiên Chúa Maronite, thủ tướng là người Sunni trong khi chủ tịch quốc hội là người Siai. Người Sunni ở Lebanon đang tức giận sau vụ ông al-Hassan, cũng là người Sunni, bị sát hại. Đây là nhân vật từng phụ trách điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon Rafig Hariri, người thiệt mạng trong một vụ đánh bom ở Beirus cách đây 7 năm mà có nhiều cáo buộc rằng Syria cũng đứng đằng sau vụ này. Theo đánh giá, Giám đốc Tình báo an ninh al-Hassan là người chống đối mạnh mẽ Tổng thống Syria Basha al-Assad cũng như đồng minh lớn của Tổng thống này ở Lebanon là phong trào Hồi giáo Hezbollah của người Shiite.


Căng thẳng sắc tộc không phải là vấn đề mới tại Lebanon. Năm 2008, đụng độ giữa các phần tử vũ trang người Sunni và Shiite tại Beirus đã đẩy quốc gia này đến bên bờ vực một cuộc nội chiến. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đẫm máu ở Syria đã kéo dài hơn 1 năm rưỡi, ngày càng có nhiều lo ngại ngọn lửa bạo lực này sẽ lan sang Lebanon, quốc gia vẫn chịu nhiều tác động chính trị từ Damascus.

 

 

TTXVN/tin tức