03:08 14/03/2014

Đa số người Đức phản đối trừng phạt Nga

Đa số người dân Đức phản đối áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine và phần lớn người dân Đức lo ngại về những tác động tiêu cực đối với nước này.

Theo báo "Thương mại" của Đức ngày 13/3, đa số người dân Đức phản đối áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine và phần lớn người dân Đức lo ngại về những tác động tiêu cực đối với nước này.     

Báo trên dẫn kết quả cuộc thăm dò dư luận do Phòng Ngoại thương Đức - Nga thực hiện cho biết, trong bối cảnh các nước thành viên EU chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Nga, đa số người dân Đức đã phản đối cách giải quyết này.

Những người biểu tình ủng hộ Nga tại Crimea.


Có tới 69% số người Đức được hỏi cho rằng trừng phạt không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện nay và chỉ có 24% số ý kiến ủng hộ giải pháp trừng phạt kinh tế. Có tới 64% số người Đức cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể gây hậu quả tiêu cực đối với Đức và 57% tố cáo chính phủ cũ ở Ukraine là nguyên nhân dẫn tới tình trạng leo thang căng thẳng như hiện nay. Đặc biệt, có tới 64% số người Đức được hỏi tin tưởng Nga sẽ không gián đoạn việc cung cấp năng lượng cho châu Âu.

Tăng trưởng kinh tế Nga có thể về 0%

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Tài chính  rất có uy tín của Nga, ông Alexei Kudrin đã lên tiếng cảnh báo rằng Nga sẽ sớm đối mặt với nguy cơ các dòng vốn chảy ra ngoài lên tới 50 tỉ USD/quý và không tăng trưởng kinh tế nếu như các nước phương Tây đồng loạt tiến hành các biện pháp trừng phạt Moskva.     

Là thành viên của Hội đồng Kinh tế Nga và cũng là đồng minh lâu năm của Tổng thống Vladimir Putin, ông Kudrin, từng làm Bộ trưởng Tài chính Nga từ năm 2000 - 2011, cho biết các ngân hàng phương Tây đã bắt đầu hạn chế tín dụng cho Nga và đình chỉ các khoản cho vay theo kế hoạch trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang giữa Moskva và phương Tây về vấn đề Ukraine.      

Ông Kudrin cảnh báo rằng các ngân hàng Nga sẽ sớm bị cấm thực hiện bất cứ giao dịch nào với các bên cho vay từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), một động thái mà theo ông có thể khiến thêm 50 tỉ USD chảy ra ngoài nước Nga. Các biện pháp trừng phạt cũng có thể đẩy tăng trưởng kinh tế của Nga xuống 0% thay vì mức dự báo 2,5% của Bộ Kinh tế trước đó.

Ông Kudrin nói: "Rất nhiều hạn mức tín dụng sẽ không được tiếp tục và một số dự án chung sẽ bị đình chỉ. Các công ty đang thận trọng theo dõi liệu sẽ có các biện pháp trừng phạt mới và khắc nghiệt hơn hay không".

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Canada John Baird tuyên bố nước này sẽ viện trợ cho Ukraine 200 triệu đôla Canada (CAD) để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và quản trị tốt.     

Phát biểu với báo giới tại Ottawa, ông Baird nhấn mạnh khoản viện trợ trên sẽ dưới dạng một khoản cho vay hoặc đảm bảo cho vay dựa trên một gói viện trợ lớn hơn, bao gồm cả sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ông Baird nói: "Rõ ràng là IMF đang muốn thương thuyết một số điều kiện tương đối nghiêm ngặt đi kèm với gói viện trợ này và Canada sẽ đóng một vai trò lớn trong việc đảm bảo rằng bất kỳ nguồn tài chính nào cũng được bảo vệ thích hợp".      

Hiện Chính phủ Canada của Thủ tướng Stephen Harper đã có những phát biểu thẳng thừng chỉ trích những hành động của Nga tại Ukraine, đồng thời áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với những người phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng này và đóng băng tài sản của những nhân vật thân cận với cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich.


TN