04:14 30/04/2015

Đà Nẵng - Thành phố đáng sống

Nhân 40 năm ngày giải phóng (29/3/1975- 29/3/2015), Đà Nẵng chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng cầu vượt nút giao thông ngã ba Huế, góp phần quan trọng xóa "điểm đen" giao thông tại khu vực có đường sắt và đường bộ giao nhau ngay cửa ngõ trung tâm thành phố.

Nhân 40 năm ngày giải phóng (29/3/1975- 29/3/2015), Đà Nẵng chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng cầu vượt nút giao thông ngã ba Huế, góp phần quan trọng xóa "điểm đen" giao thông tại khu vực có đường sắt và đường bộ giao nhau ngay cửa ngõ trung tâm thành phố. Đây cũng là cây cầu vượt 3 tầng đầu tiên tại Việt Nam.

Những cây cầu nơi cửa ngõ

Việc hoàn thành nút giao thông lập thể hình xuyến hoàn chỉnh ngã ba Huế góp phần giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, du lịch, thương mại và dịch vụ cho Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung Tây Nguyên nói chung. Đây còn là một công trình có kiến trúc đẹp, đặt tại vị trí cửa ngõ của thành phố, xứng đáng với kỳ vọng của người dân Đà Nẵng và là công trình mang tính biểu tượng của thành phố, khẳng định vị thế của thành phố Đà Nẵng là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Nút giao thông ngã ba Huế tạo nên diện mạo mới cho vẻ đẹp của Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Ngoài công trình trên, 40 năm sau ngày giải phóng, thành phố trẻ Đà Nẵng bên dòng sông Hàn đã thật sự khoác lên mình chiếc áo mới với những cây cầu nối liền đôi bờ sông Hàn, những khu đô thị mới được mọc lên thay cho những khu nhà ổ chuột trước ngày giải phóng...

Tháng 3/2000, thành phố chính thức khánh thành cây cầu bắc qua sông Hàn, kết nối hai bờ vui. Những chiếc đò ngang, đò dọc của một thời khốn khó lùi vào dĩ vãng, đánh dấu thành phố bứt phá kể từ đây. 15 năm sau, vào tháng 3/2015 thành phố có thêm nhiều cây cầu đẹp bắc qua sông Hàn và qua các trục đường thường xuyên bị ách tắc giao thông. Điển hình như cầu Quay (xoay) là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công và là cây cầu quay dây văng duy nhất ở Việt Nam. Hay như cầu Thuận Phước - cầu dây võng dài nhất Việt Nam.

Ý tưởng kiến trúc tổng thể nút giao khác mức ngã ba Huế gồm trụ tháp hình parabol và vòng xuyến tròn bao quanh, hình dáng cách điệu cho biểu tượng Linga và Yoni của thần Silva (chúa tể của muôn loài), tượng trưng cho sức sống và sức sáng tạo mãnh liệt của nhân loại. Nút giao thông ngã ba Huế là nút lập thể hình xuyến hoàn chỉnh kết hợp với cầu vượt gồm 3 tầng, tầng mặt đất cho các nhánh rẽ với đường bộ không giao với đường sắt, cầu vượt tầng 1 là vòng xuyến trên cao với các nhánh rẽ, cầu vượt tầng 2 cho các hướng ưu tiên từ Huế về trung tâm thành phố và ngược lại.

Cây cầu nằm ở vị trí đặc biệt, nơi con sông Hàn đổ ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng, nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa - Trường Sa, tạo thành hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà. Tiếp theo là cầu Rồng - cây cầu đẹp và hiện đại. Sở dĩ có tên cầu Rồng vì trên cầu hiển hiện cả một con Rồng khổng lồ, có khả năng phun lửa và phun nước. Thiết kế của cầu Rồng đã được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ, tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt về một thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ, là biểu tượng mới của Đà Nẵng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Ngoài các công trình trên, hầm đường bộ Hải Vân cũng là một trong 10 công trình và sự kiện tạo dấu ấn 40 năm của thành phố Đà Nẵng (1975 - 2015) do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam công bố. Đây là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á và là một trong 30 hầm đường bộ lớn và dài trên thế giới tại thời điểm thông xe (ngày 5/6/2005).

Tất cả các công trình trên đã tạo cho Đà Nẵng một diện mạo mới, một sức sống mới khiến ai đã một lần đến Đà Nẵng không thể nào quên. Ông Trần Hưng Đại, quê Đà Nẵng sau bao năm xa cách ở xứ người, Tết 2015 về thăm quê và đã rất ngỡ ngàng cho biết: "Sự thay đổi của quê mình nhanh và đẹp quá, đúng là thành phố của những chiếc cầu. Tôi đã đi lạc giữa lòng thành phố nơi tôi đã từng sinh ra và lớn lên...".

Xứng đáng đầu tàu kinh tế khu vực miền Trung

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết: 40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 2015), trải qua những chặng đường xây dựng và phát triển, lãnh đạo và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chung sức, chung lòng, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa thành phố phát triển đạt được nhiều thành tựu to lớn và đáng tự hào. Ngày 1/1/1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX và bắt đầu thời kỳ phát triển mới.

Từ đó đến nay, Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng đã chung sức, chung lòng quán triệt và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, năng động, sáng tạo, tập trung khai thác tiềm năng nội ngoại lực, khơi dậy nguồn lực trong dân, đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Đồng thời chủ động tháo gỡ, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để xây dựng, phát triển Đà Nẵng thành một thành phố trung tâm trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội toàn khu vực miền Trung và cả nước...

Đặc biệt, giai đoạn 2011-2015, trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được của giai đoạn trước, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và huy động hiệu quả các nguồn ngoại lực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng tiếp tục xây dựng, phát triển thành phố, thay đổi tích cực diện mạo đô thị, quan tâm giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, môi trường. GRDP giai đoạn 2011-2015 ước tăng bình quân 9,7%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 56,1 triệu đồng/người, gấp 1,5 lần so với năm 2011. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 9,4%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp” với tỷ trọng dịch vụ, thuế nhập khẩu năm 2015 ước đạt 61,6%, công nghiệp - xây dựng 36% và nông nghiệp 2,4% và từng bước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ và tỷ trọng hàm lượng kỹ thuật, công nghệ trong các ngành sản xuất.

Các lĩnh vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, trong đó du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố... Đến nay, thành phố đã có 75 dự án du lịch đã và đang triển khai với tổng vốn đầu tư 8,7 tỷ USD, trong đó 15 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư 1,7 tỷ USD. Nhiều hoạt động lễ hội văn hóa - du lịch được tổ chức hằng năm, đặc biệt Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng qua 6 năm tổ chức (2008-2013) đã thu hút đông đảo du khách và trở thành sự kiện văn hóa, du lịch quốc tế đặc sắc, góp phần từng bước hình thành thương hiệu thành phố văn hóa - du lịch, thành phố sự kiện của cả nước và khu vực...

Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, thành tích đã đạt được để tập trung xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung. Trung tâm dịch vụ, thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm bưu chính viễn thông - công nghệ thông tin và tài chính - ngân hàng; trung tâm y tế, văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của miền Trung. Đây cũng là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước; cơ bản trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Theo đó, Đà Nẵng chọn năm 2015 là "Năm văn hóa - văn minh đô thị" để tạo nên sự phát triển toàn diện cho thành phố, nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra là xây dựng thành phố môi trường và phấn đấu với khẩu hiệu "Thành phố đáng sống".

Văn Sơn