09:13 20/09/2021

Đà Nẵng linh hoạt trong dạy học trực tuyến

Sáng 20/9, các trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng triển khai dạy chương trình mới bằng hình thức trực tuyến. Tuy vậy, việc học chương trình mới trực tuyến khiến nhiều học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp thu bài học.

Chú thích ảnh
Giáo viên trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) dạy khiến thức mới trực tuyến. Ảnh: TTXVN phát

Có con học lớp 3, Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu), anh Trần Trung Hưng (trú tại phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) chia sẻ: "Buổi đầu tiên dạy chương trình mới, cô giáo mất khá nhiều thời gian để ổn định lớp học, thậm chí có học sinh chưa vào lớp được nên cô phải gọi điện thoại nhắc. Con tôi khi học trực tuyến còn lơ đãng vì lớp đông, cô giáo không thể gọi để tương tác hết được". Anh Hưng nêu ý kiến, trong quá trình học trực tuyến, phụ huynh chỉ giúp con khi mới vào lớp, còn lại nên để con tự chủ, không nên ngồi cùng vì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý dạy học của cô giáo và học sinh.

Em Lê Quốc Anh, học sinh lớp 10, Trường Trung học Phổ thông Trần Phú (quận Hải Châu) nói: "Em khó tiếp thu được 100% kiến thức mới qua việc học trực tuyến, vì thời gian ngồi máy tính kéo dài khiến em uể oải, lơ đãng, không tập trung nghe thầy cô giáo giảng."

Thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) cho biết, nhà trường đã tổ chức học trực tuyến hơn 2 tuần trước khi học chương trình mới nên việc học bài mới cũng diễn ra khá ổn. Tuy nhiên riêng với học sinh lớp 1, 2 phải có người hỗ trợ kết nối, theo dõi; nhà trường cũng tổ chức dạy những phần nội dung chính, bám sát hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, sử dụng nhiều hình thức dạy khuyến khích học sinh tập trung bài học. Ngoài ra, giáo viên trong quá trình dạy sẽ linh động để cho học sinh giải lao, bảo đảm sức khỏe cho các em.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám Phạm Tấn Ngọc Thụy cho hay, trường có 35 lớp với 1.422 học sinh. Thực hiện các chỉ đạo và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện tại nhà trường đang tổ chức dạy học trực tuyến bằng hình thức trực tuyến trực tiếp qua phần mềm MS Teams tất cả các khối lớp. Giáo viên và học sinh dạy học theo lịch phân công theo từng lớp, mỗi buổi 4 tiết, mỗi tiết 30 phút. Tất cả học sinh đều tham gia học và ôn tập đầy đủ. Đúng như yêu cầu, giáo viên thực hiện dạy học đúng các nội dung và thao tác. Rút kinh nghiệm qua 2 tuần đầu dạy ôn tập trực tuyến, nhà trường đã tổ chức dạy học chương trình linh hoạt hơn, ứng xử phù hợp các tình huống phát sinh. Tuy nhiên qua học trực tuyến đường truyền có thời điểm bị gián đoạn.

Đưa ra một số bất cập trong việc triển khai dạy học trực tuyến, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho rằng, điều kiện của mỗi khu vực dân cư, mỗi cấp học, mỗi trường, mỗi lớp, mỗi học sinh khác nhau nên khó áp dụng đồng bộ một phương pháp; hơn nữa, phương pháp dạy học trực tuyến cũng gây nhiều băn khoăn, lo lắng trong việc quản lý, hỗ trợ con cái của phụ huynh, đặc biệt là với học sinh nhỏ tuổi. Ngoài ra, việc dạy, học không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn nhiều vấn đề kết hợp như cảm xúc, kĩ năng, phương pháp… nên dạy học trực tuyến sẽ khó phát huy hiệu quả tối đa. Cùng với đó, việc học sinh phải học trực tuyến kéo dài ít nhiều sẽ có ảnh hưởng tâm lí, gây căng thẳng, ức chế cho học sinh (nhiều báo cáo khoa học đã chứng minh).

Chú thích ảnh
Học sinh trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) học trực tuyến. Ảnh: TTXVN phát

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho hay, để thực hiện tốt việc truyền đạt kiến thức chương trình mới trong việc dạy học trực tuyến, Sở đã có hướng dẫn cụ thể cho từng cấp học và các đơn vị, trường học. Riêng đối với học sinh lớp 1, các trường cần ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới, các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc; thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập phù hợp với hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hoặc có thể hướng dẫn cho học sinh tự học với sự hỗ trợ của phụ huynh; bố trí thời gian thực hiện chương trình đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với học sinh; đảm bảo cuối năm học đạt được yêu cầu cơ bản cần đạt theo quy định của chương trình.

Đối với học sinh cấp Trung học, các trường sẽ tổ chức dạy học bài mới, kiến thức mới cho học sinh; thực hiện theo hướng dẫn điều chỉnh về nội dung dạy học; không dạy nội dung đã được giảm tải theo hướng dẫn của Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo. Việc kiểm tra, đánh giá linh hoạt phù hợp với điều kiện dạy học trực tuyến và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực tâm lí đối với giáo viên và học sinh…

Võ Văn Dũng (TTXVN)