11:07 16/11/2011

Đã có quy định về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng

Rừng đặc dụng (trong đó có diện tích rừng ở các vườn quốc gia) có diện tích từ 5.000 ha trở lên thì được thành lập Ban quản lý khu rừng đặc dụng; nếu có diện tích từ 15.000 ha trở lên thì được thành lập Hạt kiểm lâm.

Rừng đặc dụng (trong đó có diện tích rừng ở các vườn quốc gia) có diện tích từ 5.000 ha trở lên thì được thành lập Ban quản lý khu rừng đặc dụng; nếu có diện tích từ 15.000 ha trở lên thì được thành lập Hạt kiểm lâm. Đây là hai trong nhiều điểm được quy định rõ trong Nghị định số 117/NĐ- CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng đã có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2011.

Nghị định số 117/NĐ- CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng đã có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2011. Theo Tiến sĩ Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, một trong những quan điểm khi thực hiện là tăng cường phân cấp, tăng quyền cho địa phương trong việc quản lý các khu rừng đặc dụng. Gắn quyền, lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của người dân địa phương cùng tham gia quản lý rừng đặc dụng.

Một trong những điểm được lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp lưu ý khi triển khai là ban quản lý khu rừng đặc dụng được thành lập ở vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài, sinh cảnh có diện tích trên 5.000 ha. Nơi nào chưa thành lập Ban quản lý thì giao cho cơ quan kiểm lâm quản lý rừng đặc dụng. Khu rừng cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học không thành lập ban quản lý khu rừng đặc dụng theo quy định tại Nghị định. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định thành lập Ban quản lý khu rừng đặc dụng do Bộ trực tiếp tổ chức quản lý. Còn Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Ban quản lý khu rừng đặc dụng do địa phương quản lý.

Nghị định cũng quy định rõ bộ máy tổ chức của Ban Quản lý tối đa có 7 đơn vị trực thuộc. Khu rừng đặc dụng có cả hợp phần bảo tồn biển, đất ngập nước nội địa thì có thể tổ chức Phòng Bảo tồn biển, đất ngập nước, không lập Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc khu bảo tồn đất ngập nước nội địa trong một khu rừng đặc dụng.

Hạt kiểm lâm được thành lập tại vườn quốc gia và các khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh có diện tích từ 15.000 ha trở lên. Giám đốc Ban quản lý sẽ đồng thời là Hạt trưởng Hạt kiểm lâm. Thẩm quyền thành lập Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng gồm 2 cấp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng do Bộ trực tiếp quản lý; Hạt kiểm lâm này chịu sự quản lý nghiệp vụ, trang thiết bị chuyên ngành của Cục Kiểm lâm. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng do địa phương quản lý sau khi có văn bản thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hạt kiểm lâm này chịu sự quản lý về nghiệp vụ, trang, thiết bị chuyên ngành của Chi cục kiểm lâm cấp tỉnh. Kiểm lâm công tác tại Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng được phân bổ theo mức cứ 1 kiểm lâm viên phụ trách tối đa 500 ha rừng đặc dụng.

Theo Tiến sĩ Hà Công Tuấn, Nghị định về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng ra đời đã đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Đồng thời, đây là dấu mốc về bước tiến trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý ngành lâm nghiệp nói chung và lĩnh vực bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học nói riêng. “Nghị định là cơ hội tốt cho việc tổ chức quản lý, đầu tư phát triển định hình hệ thống rừng đặc dụng một cách thống nhất trong cả nước”, ông Tuấn tin tưởng.

Mạnh Minh