10:23 24/10/2012

Đã có nhiều chuyển biến trong ý thức của các doanh nghiệp

Đó là đánh giá đầy khả quan của của đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm trong năm 2012.

Đó là đánh giá đầy khả quan của của đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm trong năm 2012. Theo đó, kết quả thanh kiểm tra tại hơn 100 doanh nghiệp từ đầu năm đến nay đã cho thấy, ý thức tuân thủ của các doanh nghiệp nhìn chung đều rất cao. "Các doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam đã bắt đầu nhập cuộc với “luật chơi” quốc tế", đại diện này khẳng định.

 

Luật chặt chẽ


Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những năm gần đây, Chính phủ cùng các cơ quan liên ngành đã rất quyết liệt trong cuộc chiến chống lại nạn vi phạm bản quyền phần mềm. "Cùng với việc tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ quyền sở hữu của tác giả, các hình thức xử phạt vi phạm cũng được đẩy lên cao.

 

Thanh tra tại Công ty PRINCEMATE Vietnam đã phát hiện nhiều vi phạm về bản quyền.

 

Không chỉ đối mặt sự nghiêm khắc của luật pháp trong nước, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với sự trừng phạt nặng nề của luật pháp quốc tế, đặc biệt là đạo luật “Vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin” được Nghị viện bang Washington, Hoa Kỳ thông qua ngày 22/7/2011 để nhắm vào các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể là việc sử dụng phần mềm không bản quyền.

 

Đặc biệt, vụ việc TAND TP Hồ Chí Minh thụ lý vụ kiện Công ty bán lẻ máy tính Sáng Tạo do có hành vi vi phạm bản quyền phần mềm cho dù trước đó công ty này đã nhận được thư cảnh báo thường xuyên rằng việc bán ra phần mềm lậu sẽ được xem là hành động vi phạm pháp luật. Vụ kiện này đã đánh dấu một bước phát triển mới trong công tác thực thi của chặng đường hơn 8 năm chống lại nạn vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam", đại diện thanh tra cho biết. "Với những nỗ lực này, nên nhìn chung, theo đánh giá của Thanh tra Bộ, trong các cuộc kiểm tra được thực hiện trong năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có ý thức chấp hành luật pháp nghiêm túc hoặc hợp tác với chủ sở hữu để mua phần mềm có bản quyền".


Trong một hội thảo với các doanh nghiệp về vấn đề bản quyền phần mềm, do Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam (COV), Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA)... phối hợp tổ chức giữa năm 2012, TS.Vũ Manh Chu, Cục trưởng COV đã nhấn mạnh: “Hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các doanh nghiệp có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật.

 

Ngoài ra, người sở hữu tác quyền cũng được quyền sử dụng các biện pháp khác để xử lý việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình, như tiến hành khiếu tố tại tòa án có thẩm quyền theo Điều 198.1d, Luật Sở hữu trí tuệ, yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải ngừng hành động vi phạm, chính thức xin lỗi và có biện pháp khắc phục, yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, kể cả thiệt hại vật chất, cũng như trả án phí theo các Điều 202, 204, 205, Luật Sở hữu trí tuệ. Mức độ thiệt hại được xác định dựa trên những tổn thất thực tế đối với người có quyền sở hữu trí tuệ, do hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra”.

 

Nhưng vẫn còn những tồn tại...


Tuy vậy, cũng có một số doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính mạnh nhưng lại không chịu hợp tác trong việc thay thế các phần mềm vi phạm bằng các phần mềm chính hãng. Đơn cử như trong đợt thanh tra tháng 9 vừa qua tại một công ty 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc) là Công ty TNHH PRINCEMATE Vietnam, có trụ sở tại Lô K1-K4, đường D2-N2, Khu CN Nam Tân Uyên, Bình Dương; đoàn thanh tra đã phát hiện rất nhiều các phần mềm vi phạm được cài trong 41 máy tính, bao gồm cả các phần mềm chuyên dụng lẫn các phần mềm văn phòng phổ biến. Trong số 41 máy tính được kiểm tra, ngoài duy nhất một phần mềm đã được mua bản quyền, đoàn thanh tra liên ngành đã tìm thấy rất nhiều các phần mềm sao chép được cài đặt để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này. "Không chỉ các phần mềm chuyên dụng trong thiết kế trị giá hàng vài nghìn đô la Mỹ của Autodesk như AutoCAD (phiên bản 2012, 2011, 2007, 2006, 2004) mà các phần mềm văn phòng của Microsoft như Microsoft Office, Window XP cũng bị doanh nghiệp này cài đặt bất hợp pháp. Theo ước tính của các chủ sở hữu, tổng giá trị phần mềm vi phạm của doanh nghiệp này khoảng hơn 1 tỷ đồng", đại diện thanh tra cho biết.


Không chỉ vi phạm, mà theo thông tin từ Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, thì doanh nghiệp này còn rất "chây ỳ" trong việc khắc phục hậu quả. Cho đến nay đã hơn 1 tháng sau khi bị thanh tra, doanh nghiệp này vẫn không chịu hợp tác mua phần mềm chính hãng thay thế cho các phần mềm vi phạm.
"Những con sâu dù ít vẫn sẽ làm "rầu nồi canh", chính vì vậy chúng ta sẽ còn phải tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn, để làm trong sạch lĩnh vực bản quyền phần mềm của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tuân thủ tốt nhất Luật Sở hữu trí tuệ về bản quyền phần mềm trong khu vực và trên thế giới", đại diện thanh tra Bộ cho biết.

 

Bài và ảnh: A.A