05:11 16/05/2014

Đa canh nâng cao hiệu quả sản xuất

Trong những năm gần đây, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa ở các tỉnh ĐBSCL đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương quan tâm chỉ đạo, coi là một trong các giải pháp tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.

Trong những năm gần đây, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa ở các tỉnh ĐBSCL đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương quan tâm chỉ đạo, coi là một trong các giải pháp tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững. Trong quá trình triển khai, mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng các địa phương, nông dân và doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, cần tháo gỡ.


Những mô hình hiệu quả


Theo báo cáo của Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT, điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu, nước tưới tại các tỉnh vùng ĐBSCL thuận lợi cho cây ngô và các loại cây rau màu. Những năm vừa qua, các địa phương, doanh nghiệp đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tổng kết thành các gói quy trình kỹ thuật tương đối đồng bộ phục vụ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đậu tương, vừng, lạc, dưa, rau...


 

Mô hình trồng bắp trên đất lúa đã mang lại đời sống tốt hơn cho nhà nông vùng ĐBSCL.

 

Năm 2013, theo thống kê, toàn vùng ĐBSCL đã chuyển đổi hơn 87.000 ha đất lúa sang trồng các loại cây hoa màu. Trong đó, địa phương chuyển đổi với diện tích lớn nhất là Đồng Tháp với hơn 30.000 ha, kế đến là tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh... Các tỉnh còn lại chỉ rải rác các mô hình thử nghiệm. Điều đáng mừng, những mô hình chuyển đổi đã giúp thu nhập của bà con nông dân tăng cao, đời sống được cải thiện rõ rệt.


Tại Đồng Tháp, trong vụ hè thu năm 2013, hai ấp Tân Lập và Tân Bình của xã Tân Thuận Đông (huyện Châu Thành) đã chuyển đổi sang trồng cây đỗ tương với tổng diện tích gần 40 ha. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đồng Tháp, với mô hình sản xuất kết hợp bao tiêu sản phẩm, qua tính toán, người nông dân có lợi nhuận trung bình khoảng 16,5 triệu đồng/ha, tăng hơn 8,7 triệu đồng so với sản xuất lúa.


Tương tự, mô hình canh tác cây mè (vừng) trên đất lúa cũng đã giúp người dân cải thiện đáng kể thu nhập. Với việc chuyển đổi 128 ha đất lúa trong vụ hè thu 2013 sang trồng mè ở tại hai huyện Hồng Ngự và Cao Lãnh, nếu so sánh với lúa vụ hè thu thì hiệu quả kinh tế của cây mè cao hơn lúa từ 14,5 triệu đồng/ha ở huyện Cao Lãnh và 23,5 triệu đồng/ha ở huyện Hồng Ngự.


Tại thành phố Cần Thơ, có trên 8.200/88.000 ha đất trồng lúa bị ảnh hưởng bởi hạn đầu vụ hè thu và lũ vào cuối vụ thu đông, năng suất lúa không cao, nên thời gian qua tại một số địa phương như: Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ... người dân đã dần chuyển sang các loại cây trồng khác như đỗ tương, mè, lạc, dưa hấu, khoai lang...


Bộ NN&PTNT dự kiến đến năm 2015, toàn vùng ĐBSCL sẽ chuyển đổi 112.000 ha đất gieo trồng lúa sang trồng ngô, kết hợp trồng lúa với nuôi trồng thủy sản hoặc các cây màu khác. Đến năm 2020, diện tích chuyển đổi sản xuất đạt trên 204.000 ha, trong đó riêng cây ngô chiếm 26% tương đương 53.000 ha...

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ, cho biết: “Chính do trồng các loại hoa màu, đặc biệt là mè cho thu nhập cao hơn trồng lúa nên diện tích chuyển đổi cây trồng ngày càng tăng. Theo thống kê từ vụ hè thu năm 2013, đã có gần 5.000 ha trồng hoa màu, tăng 9,7% so với kế hoạch và tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2012. Riêng đối với cây mè, sở dĩ diện tích trồng tăng cao là do cây này có khả năng chịu hạn tốt, giá cả ít biến động, lợi nhuận bình quân từ 17 - 25 triệu/ha/vụ. Cây đỗ tương cũng mang đến cho nông dân lợi nhuận trên 17 triệu đồng/ha/vụ cao hơn lúa gần 6 triệu đồng. Hoặc trồng luân canh với lúa và các loại cây hoa màu khác cho lợi nhuận tăng thêm từ 5 - 16 triệu đồng/ha so với canh tác 3 vụ lúa liên tục. Mô hình luân canh không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn giảm mức độ thâm canh cây lúa, cải thiện dinh dưỡng đất, giảm áp lực thiệt hại...”.


Tại tỉnh Tiền Giang, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa cũng đang mang lại những tín hiệu lạc quan, gia tăng lợi nhuận cho bà con. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, năm 2013 toàn tỉnh có hơn 8.300 ha cây màu luân canh trên đất lúa gồm các loại cây chủ yếu như: Dưa hấu, bắp, ớt và các loại rau tập trung tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây... Các mô hình này đã gia tăng lợi nhuận cho nhà nông từ 1 - 2,6 lần so với cây lúa.


Đánh giá về hiệu quả chuyển đổi cây trồng trong thời gian qua tại các tỉnh vùng ĐBSCL, ông Phan Văn Dư, Cục Phó Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, cho rằng: “Những mô hình chuyển đổi có hiệu quả tại các tỉnh đều xuất phát từ sự hỗ trợ của đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành Thông tư số 47/2013/TT - BNNPTNT về “Hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa”. Mới đây, ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 580/QĐ - TTg về hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu trong năm 2014 tại vùng ĐBSCL. Chính sách này sẽ tiếp tục góp phần rất lớn và khuyến khích cho công tác chuyển đổi cơ cấu tại các tỉnh trong thời gian tới”.


Còn nhiều thách thức


Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa vùng ĐBSCL ngày một bức thiết nhằm giúp cho nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống theo hướng đa dạng cơ cấu sản xuất. Nhất là sau thời điểm dịch hại “vàng lùn, lùn xoắn lá” bùng phát trên cây lúa thì nhu cầu về chuyển đổi sản xuất được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Bộ NN&PTNT xem đây là mối quan tâm hàng đầu, là một trong những giải pháp tái cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt tại ĐBSCL theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững.


Bên cạnh việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo thì việc chuyển một phần diện tích trồng lúa sang trồng ngô và cây rau màu khác ở những vụ, vùng đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, tạo ra sản phẩm hàng hóa mới đáp ứng nhu cầu trong nước đặc biệt đối với một số nông sản đang phải nhập khẩu như: Ngô, đậu tương...


Tuy nhiên, thực tế cũng đã bộc lộ những khó khăn. Cục Trồng trọt đánh giá, lúa là lợi thế trong sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL là nghề lâu đời của nông dân và việc chuyển đổi từ trồng lúa nước sang trồng cây hoa màu là một việc hoàn toàn mới mẻ, hầu như nhiều nơi nông dân chưa có tập quán, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, theo cơ quan quản lý nông nghiệp tại các địa phương vùng ĐBSCL, cơ sở sản xuất phục vụ sản xuất hiện tại, nhất là hệ thống thủy lợi hiện nay chỉ phục vụ chủ yếu cho sản xuất lúa. Việc chuyển đổi sang cây trồng khác cần phải có sự điều chỉnh và đầu tư thêm chi phí cho việc tiêu thoát nước. Mặc dù hiện tại trồng lúa có hiệu quả thấp nhưng vẫn tiêu thụ được. Trong khi chuyển sang cây trồng khác thì xuất hiện tình trạng thị trường tiêu thụ chưa ổn định, khó dự báo, tạo tâm lý không an tâm cho người sản xuất. Nếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp khó tổ chức thu mua sản phẩm.


Ông Nguyễn Hữu An, Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, nhìn nhận: “Hiện nay hệ thống thủy lợi cho cây lúa ở tỉnh đã đảm bảo phục vụ. Tuy nhiên để chuyển đổi phục vụ cho cây trồng khác thì cần trung ương có chính sách hỗ trợ cho địa phương đầu tư, cải tạo hệ thống thủy lợi. Về đầu ra, chẳng hạn như ngô hiện trồng tập trung tại các huyện An Phú, Tân Châu, với tổng diện tích gieo trồng cả năm khoảng 5.000 ha, sản lượng 45.000 - 50.000 tấn/năm; năng suất bình quân trên 10 tấn/ha/vụ. Nhưng hiện nay cây ngô được trồng ở các hộ gia đình, quy mô nhỏ và còn phân tán; chủ yếu là thương lái thu mua ngô sau thu hoạch của nông dân, chưa có nhà máy sơ chế hay chế biến sản phẩm từ cây ngô. Nông dân và cán bộ quản lý nhà nước từ cấp huyện và cấp xã phần lớn đều “không rõ”, thị trường và đầu ra nên chịu nhiều thua thiệt. Trong khi đó, nguồn giống không chủ động và giá mua nguyên vật liệu luôn tăng cao. Do đó, để tiến đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng lợi ích kinh tế cho nông dân thì cây ngô cần được tổ chức lại từ khâu quy hoạch sản xuất đến thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ và các giải pháp hỗ trợ từ nhà nước”.


Một trong những giải pháp quan trọng và yêu cầu các địa phương phải triển khai trước mắt là thực hiện nghiêm Quyết định số 580/QĐ - TTg ngày 22/4/2014 về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hoa màu tại các vùng ĐBSCL trong năm 2014. Chính từ việc thí điểm thực hiện quyết định này, Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương tổng kết thực tiễn xây dựng dự thảo trình Bộ NN&PTNT và trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ ổn định lâu dài cho công tác chuyển đổi cây trồng trên đất lúa trong đó bao gồm cả việc hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.


Bài và ảnh: Anh Đức