03:09 27/03/2013

Cyprus thoát vỡ nợ - Những cái giá phải trả

Mặc dù nhận được cứu trợ nhưng các cam kết trong thỏa thuận mới đây với bộ ba chủ nợ có thể sẽ khiến Cyprus mất đi vị thế của một “thiên đường tài chính”. Đây sẽ là một trong những cái giá lớn nhất mà nền kinh tế lớn thứ 15 trong Eurozone này phải trả để đối lấy gói cứu trợ.

Sáng 25/3, Cộng hòa Cyprus đã đạt thỏa thuận vào phút chót với bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro.

Thỏa thuận này đạt được sau 12 giờ đàm phán căng thẳng đã giúp ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng Cyprus và giúp quốc đảo này tiếp tục ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, với Cyprus, cái giá phải trả cho thỏa thuận này không hề nhỏ.

Sinh viên CH Cyprus biểu tình phản đối gói cứu trợ tài chính mà châu Âu và Quĩ tiền tệ Quốc tế vừa cam kết cung cấp cho nước này, ngày 26/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Thỏa thuận phút chót


Trước khi thỏa thuận trên được ký kết, hôm 19/3, Quốc hội Cyprus đã phủ quyết đề xuất đánh thuế đại trà đối với các khoản tiền gửi ngân hàng - một trong số các điều kiện tiên quyết mà các chủ nợ đã đưa ra để đổi lấy việc cấp cho Nicosia gói cứu trợ trên. Phản ứng trước quyết định này của Quốc hội Cyprus, ECB đã dọa ngừng bơm tiền cho các "quỹ hỗ trợ thanh toán khẩn cấp" (ELA) – một cơ chế đang giúp duy trì sự tồn tại của các ngân hàng Cyprus - nếu Nicosia không đạt được một thỏa thuận cứu trợ với EU và IMF vào ngày 25/3. Nếu điều đó xảy ra, hệ thống ngân hàng của Cyprus sẽ sụp đổ và quốc đảo Địa Trung Hải này đứng trước nguy cơ phải rời khỏi Eurozone.

Phát biểu sau khi đạt được thỏa thuận mới với bộ ba chủ nợ, Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades nói quốc đảo của ông đã gần phá sản trước khi thỏa thuận trên được ký kết và mặc dù việc đạt được thỏa thuận này là rất “khó nhọc” nhưng nó “giúp gìn giữ các triển vọng của đất nước chúng ta”.

Theo thỏa thuận này, tất cả các khoản tiền gửi có trị giá dưới 100.000 euro sẽ được bảo đảm và bảo lãnh của Nhà nước. Ngân hàng Nhân dân Cyprus (hay còn gọi là Laiki) – tổ chức tín dụng lớn thứ hai ở quốc đảo này – sẽ bị đóng cửa ngay lập tức. Ngân hàng Cyprus (BoC), ngân hàng lớn nhất Cyprus và đang nắm giữ 1/3 lượng tiền gửi trong nước, sẽ tiếp quản các tài sản lành mạnh từ Laiki, bao gồm cả các khoản tiền gửi có trị giá dưới 100.000 euro, để trở thành "ngân hàng tốt". Các tài sản chưa được xử lý của Laiki sẽ được chuyển thành “ngân hàng xấu” để xử lý.

Các khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại Laiki, vốn không được đảm bảo theo luật pháp của EU, sẽ bị phong toả và sử dụng để giải quyết nợ của Laiki và tái cơ cấu BoC thông qua cơ chế chuyển đổi tiền gửi thành cổ phần. Tổng giá trị của các khoản tiền gửi bị phong tỏa ước tính lên tới 4,2 tỷ euro. Chủ sở hữu của các khoản tiền gửi này sẽ bị thiệt hại từ 30% đến 40%, cao hơn rất nhiều so với mức thuế 9,9% mà Nicosia dự định đánh vào các khoản tiền gửi này.

Những cái giá phải trả

Cyprus là một quốc đảo nằm ở phía Đông Địa Trung Hải, với diện tích 9.251 km2 (rộng thứ 162 thế giới) và dân số gần 1,1 triệu người (đông thứ 159 thế giới). Sau khi giành được độc lập từ Anh năm 1960, Cyprus đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế to lớn, trong đó đáng chú ý là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ chỗ phụ thuộc vào nông nghiệp sang công nghiệp nhẹ và dịch vụ.

Năm 2001, IMF đã xếp Cyprus vào danh sách các nền kinh tế tiên tiến, trong khi theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), quốc đảo này là một trong những nền kinh tế có thu nhập cao, với thu nhập bình quân đầu người ước khoảng hơn 30.000 USD/năm.

Sau giai đoạn bùng nổ kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân 6,1%/năm trong những năm 80 của Thế kỷ trước, từ giữa những năm 90, đà tăng trưởng của Cyprus bắt đầu chững lại do khả năng cạnh tranh của ngành du lịch nước này bị giảm và sự trì trệ của ngành công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của nước này đã giảm từ 9,7% vào năm 1992 xuống còn 1,9% năm 1996 và 2,3% năm 1997.

Để vực dậy nền kinh tế, Nicosia đã tiến hành các cuộc cải cách cơ cấu. Kết quả là Cyprus đã trở thành cửa ngõ cho các dòng vốn đầu tư từ Tây Âu vào các khu vực Trung và Đông Âu và Nga. Ngược lại, giới kinh doanh bên ngoài EU cũng sử dụng quốc đảo này như cửa ngõ để xâm nhập châu Âu.

Bên cạnh đó, với quy định tài chính thoáng và thuế suất thuế công ty thấp, Cyprus đã trở thành “thiên đường tài chính” cho giới kinh doanh của nhiều nước, đặc biệt là các thể nhân và pháp nhân Nga (cũng vì hệ thống ngân hàng ở Nga chưa thật sự tốt). Nhờ vậy, ngành dịch vụ tài chính đã nổi lên thành ngành quan trọng nhất ở nước này. Hiện nay, các ngân hàng ở Cyprus đang nắm giữ lượng tài sản lớn gấp 8 lần quy mô của nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, kể từ năm ngoái, các ngân hàng của Cyprus đã bị thiệt hại nặng nề khi Eurozone buộc phải tái cấu trúc các khoản nợ công của Hy Lạp. Kết quả là khoảng 4,5 tỷ euro đã biến mất khỏi bảng cân đối tài sản của các ngân hàng của Cyprus. Điều này đã đẩy các ngân hàng Cyprus tới bên bờ vực vỡ nợ và quốc đảo này buộc phải xin cứu trợ từ EU.

Mặc dù nhận được cứu trợ nhưng các cam kết trong thỏa thuận mới đây với bộ ba chủ nợ có thể sẽ khiến Cyprus mất đi vị thế của một “thiên đường tài chính”. Đây sẽ là một trong những cái giá lớn nhất mà nền kinh tế lớn thứ 15 trong Eurozone này phải trả để đối lấy gói cứu trợ.

Theo các cam kết trên, Chính phủ Cyprus sẽ tư hữu hóa các tài sản nhà nước, tái cơ cấu các khoản nợ công hoặc nợ ngân hàng hiện nay, tăng thuế suất thuế công ty từ mức 10% hiện nay lên 12,5% và thuế thu nhập đối với thu nhập về vốn lên 28% và đặc biệt là chấp nhận một cuộc kiểm tra độc lập liên quan tới các nỗ lực chống rửa tiền của các tổ chức tài chính trong nước. Những cam kết này có thể sẽ khiến các dòng vốn nước ngoài, nhất là từ Nga, không còn mặn mà với Cyprus và chảy sang các “thiên đường tài chính” khác.

Bên cạnh đó, theo tuyên bố của EU, Cyprus phải “thu hẹp một cách thích đáng quy mô của ngành tài chính và hệ thống ngân hàng trong nước phải đạt chuẩn mực chung của EU vào năm 2018”. Cam kết này có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành dịch vụ nói chung, vốn đang đóng góp gần 80% GDP và tạo việc làm cho hơn 70% số người trong lực lượng lao động ở Cyprus, và ngành dịch vụ tài chính nói riêng, và làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp ở nước này.

Bộ trưởng Tài chính Cyprus Michael Sarris nói: “Tôi không nghĩ rằng có ai đó phủ nhận một thực tế rằng người dân Cyprus sắp trải qua những thời khắc khó khăn và sẽ phải hứng chịu những hậu quả của một giai đoạn mà những quyết định sai lầm đã được đưa ra, chủ yếu ở cấp độ ngân hàng”.

Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp ở Cyprus lên tới 14,7%, trong đó đáng chú ý tỷ lệ thất nghiệp trong số những người dưới 25 tuổi lên tới 28,5%.

Dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi Cyprus ?


Mặc dù có những quan ngại rằng Cyprus có thể sẽ mất đi vị thế “thiên đường tài chính” hay tình trạng thất nghiệp có thể gia tăng ở quốc đảo này nhưng những lo ngại như vậy sẽ chưa phải mối đe dọa ngay lập tức đối với nền kinh tế nước này. Tại thời điểm hiện nay, điều mà Chính phủ Cyprus lo ngại chính là nguy cơ người gửi tiền đổ xô tới các ngân hàng để rút tiền khi các ngân hàng mở cửa trở lại, dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống tài chính nước này.

Phản ứng trước quan ngại đó, đêm 25/3, Bộ trưởng Sarris đã quyết định yêu cầu tất cả các ngân hàng của nước này đóng cửa cho đến ngày 28/3 với mục đích kiện toàn hệ thống tài chính trong nước trước khi các ngân hàng mở cửa trở lại . Và trong nỗ lực nhằm hạn chế sự tháo chạy của các dòng tiền, Tổng thống Anastasiades cho biết các biện pháp kiểm soát vốn sẽ được áp dụng như “một biện pháp tạm thời” nhưng “sẽ được nới lỏng dần dần”. Theo dự kiến, quy định giới hạn lượng tiền rút tối đa 100 euro/ngày từ các máy rút tiền tự động (ATM) vẫn có hiệu lực đến khi hai ngân hàng lớn nhất nước này mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, nhà phân tích Sean Harrison của tổ chức IHS Global Insight cho rằng “các biện pháp hạn chế rút tiền và chuyển nhượng tài sản càng kéo dài bao lâu thì nguy cơ dòng vốn tháo chạy quyết liệt sẽ càng gia tăng một khi các biện pháp này được dỡ bỏ”.

Trong báo cáo mới nhất của mình, ông Harrison viết: “Các dấu hiệu của một nền kinh tế tiền mặt đã bắt đầu xuất hiện và có thể gia tăng trong những tuần tới bởi vì, ngày càng có nhiều nhà cung cấp yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt”.

Nhiều người lo ngại việc hạn chế sự dịch chuyển của vốn sẽ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Cyprus. Ngược lại, nó có thể sẽ đẩy nền kinh tế vốn phụ thuộc nặng nề vào các ngành dịch vụ tài chính và du lịch của nước này lún sâu hơn vào suy thoái và làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nợ của Chính phủ. Nếu niềm tin vào các ngân hàng không được khôi phục và nền kinh tế này bị rơi vào vòng xoáy suy thoái, bất ổn chính trị và xã hội sẽ gia tăng nhanh chóng ở quốc đảo này. Và nếu như vậy, cái giá của gói cứu trợ đối với Cyprus sẽ không hề nhỏ.


Thanh Tùng