02:11 28/02/2018

Cứu sống người Hàn Quốc bị ngưng tim, ngưng thở

Ông L.S.K, 52 tuổi, người Hàn Quốc đã phải vào cấp cứu tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn trong tình trạng đau tức ngực dữ dội kèm nôn ói liên tục và sau đó ông rơi vào tình trạng ngưng tim, ngưng thở.

Với những biểu hiện của ông L. S. K. gia đình của ông cứ nghĩ ông bị ngộ độc thực phẩm. Thế nhưng, ngay khi tiếp nhận, người bệnh được thực hiện đo điện tâm đồ và các bác sĩ nhanh chóng nhận ra đó biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp.

Người đàn ông người Hàn Quốc này đã may mắn được cứu sống.

Người bệnh ngay lập tức được xử trí theo phác đồ điều trị nhồi máu cơ tim cấp gồm thở ô-xy, tiêm thuốc giảm đau ngực, dùng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (chống đông máu)… đồng thời giải thích cho gia đình để can thiệp động mạch vành cấp cứu cho người bệnh. Trong thời gian đó, người bệnh được theo dõi liên tục điện tim qua monitor.


Tuy nhiên, chỉ 10 phút sau khi nhập viện, khi đang được chăm sóc và theo dõi, chờ quyết định của gia đình, người bệnh rơi vào cơn rung thất, co giật, ngưng tim, ngưng thở. Ngay lập tức, ê kíp cấp cứu của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã tiến hành sốc điện phá rung và phục hồi được nhịp tim cho người bệnh.


Sau đó, người bệnh được đưa vào phòng thông tim để can thiệp động mạch vành khẩn cấp với 01 stent phủ thuốc trên nhánh liên thất trước. Nhờ vậy, người bệnh hết đau ngực, hết khó thở và được chuyển về phòng săn sóc đặc biệt tim mạch để theo dõi và điều trị tiếp tục.


Theo bác sĩ Trần Nguyễn An Huy, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, khi gặp các triệu chứng như đau tức ngực trái hoặc sau xương ức dữ dội, liên tục không giảm (dấu hiệu của nhồi máu cơ tim) thì không nên chủ quan và đừng chần chờ, cần đến ngay khoa Cấp cứu của các bệnh viện. Nếu người bệnh được can thiệp và điều trị càng sớm càng tốt trong thời gian vàng (trong vòng 12 giờ từ khi đau ngực) thì sẽ giảm nguy cơ đột tử, giảm được biến chứng nặng nề của nhồi máu cơ tim.


Bởi hồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch với những biến chứng nguy hiểm như trường hợp ngưng tim ở người bệnh nói trên. Nếu không được xử trí kịp thời tại cơ sở y tế, người bệnh có thể tử vong nhanh chóng. Hiện nay, can thiệp động mạch vành trong những giờ đầu tiên của nhồi máu cơ tim được xem là biện pháp hàng đầu để cứu sống và giảm tối đa các biến chứng về sau cho người bệnh. Các mạch máu ngoại biên (động mạch chi dưới, động mạch thận, động mạch cảnh…) bị hẹp cũng có thể được nong, đặt stent theo cách tương tự.


Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim nên điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý với nhiều rau xanh, hạn chế mỡ, da, nội tạng động vật, thức ăn nhanh… đồng thời tăng cường thói quen vận động, tích cực tập luyện thể dục, thể thao, hạn chế bia, rượu, thuốc lá, giảm các stress tâm lí.


Đ.Phương/Báo Tin tức