01:14 11/01/2022

Cứu sống bệnh nhân trầm cảm tự đóng đinh lên đầu

Các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công một trường hợp hy hữu, lấy ra dị vật là cây đinh dài 4 cm xuyên sọ 1 bệnh nhân.

Bệnh nhân nam N.V.Đ (70 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long), nhập viện ngày 7/1 trong tình trạng có một cây đinh đường kính khoảng 5 mm ở đỉnh đầu.

Nhận định đây là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, các bác sĩ đã khám, hội chẩn phẫu thuật khẩn cấp lấy cây đinh ra. Ê-kíp phẫu thuật phải khoan sọ xung quanh dị vật, lấy dị vật, mở màng cứng kiểm tra, cầm máu kỹ. Thời gian phẫu thuật kéo dài 2 giờ.

Theo người nhà bệnh nhân, ông N.V.Đ mắc bệnh trầm cảm khoảng 12 năm nay, có uống thuốc điều trị. Gần đây, bệnh nhân thường xuyên mất ngủ, cảm thấy đau đớn, bứt rứt khó chịu. Khoảng 15 giờ ngày 7/1, bệnh nhân tự đóng một cây đinh vào ngay đỉnh đầu của mình.

Sau 4 ngày điều trị, hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, không sốt, không yếu liệt chi, đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Ngoại Thần kinh kết hợp điều trị trầm cảm.

Bác sĩ Chuyên khoa II Chương Chấn Phước, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh cho biết, đây là tai nạn rất ít gặp do bệnh nhân có chủ ý gây ra, nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân này rất may mắn khi cây đinh không đâm trúng các cấu trúc quan trọng của não. Đặc biệt, cây đinh nằm rất gần xoang tĩnh mạch sọ, chỉ cần lệch về bên phải 5-10 mm thì tiên lượng rất nặng, khả năng phẫu thuật thất bại cao. Dị vật xuyên não màng não là cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng, tùy theo vị trí tổn thương của dị vật mà có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: yếu liệt chi, rối loạn chức năng sống, áp xe não, thậm chí nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân được cứu sống và hiện chưa ghi nhận biến chứng.

Bác sĩ Chương Chấn Phước khuyến cáo, trường hợp bị dị vật đâm xuyên, không nên cố gắng rút dị vật ra mà nhanh chóng sơ cứu, rửa sạch, băng vết thương và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để xử trí kịp thời.

Trong các trường hợp tổn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm thời, khi vội rút ra, bệnh nhân có thể tử vong vì chảy máu ồ ạt. Chưa kể rút dị vật không đúng phương pháp còn làm mạch máu, thần kinh tổn thương thêm nặng nề, gây khó khăn cho bác sĩ phẫu thuật. Rút dị vật chỉ được thực hiện ở phòng mổ vô khuẩn, bởi các bác sĩ có kinh nghiệm trong phẫu thuật thần kinh, ê-kíp phẫu thuật có thể tính toán rút dị vật ra theo hướng nào, góc bao nhiêu độ để giảm thiểu nguy cơ tổn thương mạch não và các cơ quan lân cận, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Người nhà bệnh nhân bị trầm cảm không nên lơ là, phải luôn theo dõi sát tình trạng bệnh; không để bệnh nhân ở một mình quá lâu, bệnh nhân phải uống thuốc và được bác sĩ thăm khám thường xuyên, đúng lịch. Thực tế ghi nhận nhiều bệnh nhân trầm cảm có hành động nguy hại đến tính mạng, nếu người nhà không phát hiện và can thiệp kịp sẽ có hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Ánh Tuyết (TTXVN)