08:19 18/08/2020

Cứu sống bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở trên xe taxi

Vì ngại dịch bệnh COVID-19, ông Nguyễn Văn D. (67 tuổi, quận 6) không đến bệnh viện tái khám và cũng không sử dụng thuốc đều đặn như trước nên đột ngột lên cơn khó thở. Ngay lập tức, người nhà đã gọi xe taxi đưa ông D đi bệnh viện nhưng ông đã ngưng tim, ngưng thở ngay trên đường đi.

Ngày 18/8, bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, ông D. nhập viện cấp cứu vào đêm 10/8 trong tình trạng tím tái, mạch bằng 0, ngưng thở. Qua đánh giá ban đầu, ê kip trực cấp cứu khoa Cấp cứu nhận định bệnh nhân D. đã ngưng tim, ngưng thở và tiến hành hồi sức tim phổi nâng cao ngay lập tức. Đồng thời, toàn bộ êkip được điều động và luân phiên hồi sức tim phổi cho bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng tím tái, ngưng thở. Ảnh: CTV

Sau 10 phút hồi sức liên tục, tim bệnh nhân đập trở lại. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy và tiếp tục điều trị chuyên sâu đến khi có dấu hiệu tỉnh, có thể tiếp xúc bằng mắt sau 2 giờ điều trị.

Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, ông D. có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đang điều trị. Tuy nhiên, 1 tháng nay thấy sức khỏe trong người ổn định và ngại đến bệnh viện do dịch COVID-19 nên ông D. sử dụng thuốc không điều độ.

Trước khi nhập viện 20 phút, ông D. đột ngột lên cơn khó thở, gia đình đã gọi taxi đưa ông D. đi cấp cứu. Tuy nhiên,  ông D bắt đầu tím tái, ngưng thở và không còn tiếp xúc được trên xe taxi.

Theo bác sĩ Bùi Anh Triết, khoa Cấp cứu bệnh viện Nguyễn Tri Phương, ngưng tim ngoài viện từ lâu là một thách thức lớn đối với ngành y. Theo các các nghiên cứu trong và ngoài nước, tỉ lệ cứu sống được một trường hợp ngưng tim ngoài viện còn rất khiêm tốn. Điển hình tại Mỹ, trong các nghiên cứu năm 2007 và 2010 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân sống sót ra viện chiếm khỏang 5% - 10%

“Một bệnh nhân ngưng tim ngoài bệnh viện thì có 9 phần là không qua khỏi, chỉ 1 phần là có thể sống”, bác sĩ Bùi Anh Triết cho biết thêm.

Sau khi được điều trị ổn định, bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến phòng bệnh nặng của khoa Hô hấp bệnh viện và sau 2 ngày, bệnh nhân đã được rút nội khí quản và tỉnh táo bình thường.

Sau một tuần điều trị, bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn, có thể đi lại và sinh hoạt gần như bình thường so với trước khi vào viện.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo tin tức