11:21 25/11/2011

“Cứu” nghệ thuật sân khấu truyền thống: Phải “đào tạo” khán giả!

Trong bối cảnh kinh tế xã hội không ngừng thay đổi, đời sống văn hóa nghệ thuật phát triển mạnh song nghệ thuật sân khấu truyền thống lại đang gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh kinh tế xã hội không ngừng thay đổi, đời sống văn hóa nghệ thuật phát triển mạnh song nghệ thuật sân khấu truyền thống lại đang gặp nhiều khó khăn. Đã đến lúc chúng ta cần đánh giá một cách toàn diện những chặng đường đã qua, tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này.

Một cảnh trong vở “Giầu giả, nghèo thật” của Đoàn kịch CAND tại Liên hoan sân khấu Hài toàn quốc lần thứ nhất, tại Cung văn hóa Việt - Nhật (Quảng Ninh). Ảnh: Minh Đức – TTXVN


Hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống” do Cục nghệ thuật biểu diễn, Hội nghệ sĩ sân khấu, Hội nhạc sĩ, Hội nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức ngày 23/11, tại Hà Nội, đã thảo luận về vấn đề này. Nhiều ý kiến đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống.

“Đào tạo” khán giả, vấn đề cấp thiết

Gần đây, các cuộc hội thảo, các phương tiện thông tin đại chúng thường nói nhiều về việc sân khấu truyền thống bị lâm vào tình trạng khó khăn, mà khó khăn đáng lo ngại nhất là ngày càng thiếu vắng khán giả. Các nguyên nhân được nêu ra như thiếu tác giả có tài, dẫn đến thiếu kịch bản hay, sự cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại hình giải trí mới, giới trẻ quay lưng với nghệ thuật truyền thống… và những điều đó là đúng. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, PGS.TS Lê Thị Hoài Phương - Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, cho rằng, các đơn vị nghệ thuật cũng cần đổi mới tư duy nhanh hơn, thoát khỏi nếp nghĩ, nếp làm của cơ chế bao cấp đã ăn quá sâu vào cung cách làm việc của lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật.

Các nhà hát cần chủ động tìm đến khán giả, tìm nhiều cách để kéo họ đến với mình. Muốn vậy, phải đầu tư nhân lực và tài chính cho việc maketing, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khán giả và phát triển khán giả. Theo bà Phương, phần lớn các nhà hát không chú trọng đến công tác này, mà vẫn hoạt động theo kiểu cũ, chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.

Về giải pháp, bà Phương cho rằng, việc “đào tạo” khán giả cho sân khấu truyền thống là vấn đề thiết yếu nhất và là một trong các giải pháp cấp thiết nhất để giữ cho sân khấu truyền thống không bị rơi vào tình trạng “dở sống, dở chết” như hiện nay, bởi chân lý “Không có khán giả bất thành sân khấu” luôn luôn đúng. Bộ VH,TT&DL đã có dự án “Sân khấu học đường”, song hiệu quả chưa cao và cũng chưa đủ để lôi cuốn giới trẻ đến với nghệ thuật truyền thống. Theo bà Phương, hãy thử học tập cách làm của một số game show trên truyền hình, tạo ra sân chơi mới cho các bạn trẻ với các hình thức giải trí vui nhộn, nhưng có nội dung bổ ích gắn với việc tìm hiểu về sân khấu truyền thống; hay tổ chức các cuộc thi có nhiều giải thưởng hấp dẫn…

Không chỉ “đào tạo” khán giả, việc đào tạo đội ngũ nghệ sỹ cho sân khấu truyền thống cũng đang là vấn đề rất nan giải cho cả sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên. Để cải thiện tình trạng này, Nhà nước cần có chế độ, chính sách ưu tiên đặc biệt cho các em học ngành sân khấu, đồng thời thay đổi chương trình đào tạo, chế độ dành cho người giảng dạy, về thời gian học…

NSƯT Ngọc Bình - Giám đốc Nhà hát ca kịch Huế cũng cho rằng, một tác phẩm nghệ thuật sân khấu truyền thống muốn đến được với đông đảo người xem đòi hỏi phải có một chương trình quảng bá rộng rãi. Tuy nhiên, việc quảng bá cũng chỉ là giải pháp tức thời, bởi nghệ thuật truyền thống có tính đặc thù riêng. Vì vậy, để có một lượng khán giả ổn định và yêu mến nghệ thuật truyền thống thì ngoài việc tạo ra tác phẩm sân khấu có chất lượng và quảng bá cho tác phẩm đó thì khâu đào tạo để công chúng hiểu và yêu mến nghệ thuật truyền thống sẽ tạo nên sức sống lâu dài cho loại hình nghệ thuật này.

Cũng đề cao vai trò của đào tạo, GS Hà Văn Cầu cho rằng, người nghệ sỹ cần được đào tạo theo hướng chuyên sâu, đặc biệt coi trọng việc “cầm tay chỉ việc” cho người đến sau. Mỗi lớp đào tạo học theo chế độ thầy và đệ tử, sau đào tạo nên chia theo các vở nghiệm thu.

Cần một sự chung tay

Theo PGS.TS Lê Thị Hoài Phương, trong bối cảnh xã hội hiện đại, không thuận lợi cho các loại hình nghệ thuật truyền thống phát triển, cần phải tìm nhiều cách, cùng một lúc thực hiện nhiều biện pháp, tác động tới nhiều thành phần, yếu tố thì mới hy vọng có được lối thoát. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Đình - Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, cho rằng, nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà đang ở những khúc quanh đầy khó khăn, sự cố gắng của một vài cá nhân không bao giờ là đủ. Đây là vấn đề chung của cả nền sân khấu, cần sự chung tay góp sức của Nhà nước, nhân dân và toàn xã hội.

PGS Tất Thắng cũng khẳng định, muốn bảo tồn sân khấu truyền thống thì phải bảo tồn chủ yếu bằng các vở diễn, vai diễn… qua sự sáng tạo đầy sức mạnh nhân thân và cảm hứng sáng tạo của các thế hệ nghệ sỹ tiếp nối nhau. Ông Thắng cũng cho rằng, với sân khấu, riêng việc bảo tồn, chứ chưa dám nói đến phát huy nó, thật là một công việc không đơn giản. Nếu không có sự tham gia đồng bộ của nhiều người, nhiều tổ chức thì sẽ rất khó. Còn theo nhạc sĩ Đôn Tuyền, muốn nâng cao vị thế của nghệ thuật truyền thống trong đời sống cộng đồng, muốn lôi kéo khán giả về với tuồng, chèo không thể dùng biện pháp hành chính hay kinh tế mà là ở chính sự nỗ lực nội tại của giới sân khấu truyền thống. Làm chèo cho ra chèo, làm tuồng cho ra tuồng, đúng tuồng… Tuy nhiên, PGS.TS Trần Trí Trắc lại cho rằng, giải pháp bảo tồn, phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam hôm nay phải đi từ văn hóa, bằng văn hóa và vì văn hóa. Để thực hiện được giải pháp này trước hết nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam cần có một đội ngũ nhà quản lý, người cầm quyền đạt chất lượng cao.

Hạ Sơn