10:07 03/10/2014

Cứu một hồ nước, cứu cả Trung Đông

20 năm trước, hồ Urmia ở Iran được xếp hạng là hồ nước mặn lớn thứ 6 thế giới và lớn nhất tại khu vực Trung Đông. Đến với Urmia, du khách thỏa thích bơi lội trong hồ nước có nồng độ muối rất cao, tương đương với Biển Chết. Hệ sinh thái ở đây cũng là nơi lý tưởng cho động vật trú ngụ.

20 năm trước, hồ Urmia ở Iran được xếp hạng là hồ nước mặn lớn thứ 6 thế giới và lớn nhất tại khu vực Trung Đông. Đến với Urmia, du khách được thỏa thích bơi lội trong hồ nước có nồng độ muối rất cao, tương đương với Biển Chết. Hệ sinh thái ở đây cũng là nơi lý tưởng cho động vật trú ngụ.


Ngày nay, hồ Urmia chỉ còn cái bóng của chính nó. Sự yếu kém trong quản lí nguồn nước, các chính sách phát triển nông nghiệp ồ ạt cùng với nạn hạn hán trong vài thập kỉ gần đây đã khiến Urmia gần như khô cạn. Theo thống kê từ Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, nước hồ Urmia đã cạn 2/3 kể từ năm 1997.


Lòng hồ trải rộng, chơ vơ vài con thuyền gỉ sét, du khách cũng như rất nhiều loài động vật như chim hồng hạc, bồ nông và nai vàng… từng trú ngụ tại đây đã không còn lui tới.

 

Hồ Urmia gần như khô cạn hoàn toàn. Ảnh:AP


“Khung cảnh ở đây nhìn như ở một hành tinh khác. Đó là minh chứng cho việc con người có thể phá hủy một sự vật nhanh đến thế nào”, ông Gary Lewis, Điều phối viên Liên hợp quốc thường trú tại Iran cho biết.


“Hồ Urmia sắp biến mất”, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã nhận ra sự cấp bách của vấn đề này. Ngay trong buổi họp chính phủ đầu tiên khi lên nắm quyền, ông Rouhani đã yêu cầu thành lập một nhóm đặc biệt phụ trách về tình trạng của hồ Urmia. Trong một quyết định mới đây, ông Rouhani đã đồng ý giải ngân 500 triệu USD/năm trong một kế hoạch 10 năm để cứu lấy con hồ đang “hấp hối”.


“Nếu hồ Urmia cạn kiệt, không có bất cứ mối họa nào có thể sánh với mối họa này”, Tổng thống Rouhani nói trong một bài phát biểu hồi tháng 1. Trên thực tế, câu nói của ông Rouhani không hề thổi phồng vấn đề chút nào. Theo các chuyên gia nghiên cứu, Iran đang đứng trên bờ vực khủng hoảng nguồn nước.


Năm 1956, lượng nước khả dụng tính trên đầu người tại Iran là 7.000 m3, nay rút xuống còn 1.900 m3. Đến năm 2020, dự đoán con số này sẽ giảm còn 1.300 m3. Trước tình trạng lượng nước khả dụng ngày càng giảm trong khi dân số gia tăng, người dân Iran sẽ thiếu hơn 30 triệu m3 nước sinh hoạt vào thập kỷ tới. Hạn hán, thiếu nước đã xảy ra tại khắp Iran chứ không riêng hồ Urmia. Vùng đầm lầy Hamoun ở phía đông đất nước, nơi từng là một ốc đảo xung quanh có những làng chài hoạt động nhộn nhịp, thì nay đã khô cạn hoàn toàn. Chỉ trong năm 2012, hơn 600.000 người dân phải bỏ vùng Hamoun đi nơi khác sinh sống do thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất trầm trọng.


“Người dân đi di cư có thể gặp nguy hiểm. Khi họ đến vùng đất của một nhóm người mang sắc tộc hay ngôn ngữ khác, người dân bản địa sẽ coi họ là mối đe dọa và không để họ được an toàn”, ông Lewis chỉ ra thêm.


Iran đang có những biện pháp thiết thực hơn để khắc phục tình trạng khô cạn nguồn nước. Tháng 3 vừa qua, Bộ Môi trường Iran đã tổ chức cuộc họp quy tụ hàng trăm chuyên gia trên thế giới nhằm tìm giải pháp cho vấn nạn sinh thái này và đã phê duyệt được 24 dự án cải tạo. Trong kế hoạch kéo dài 10 năm, nếu may mắn thì cũng chỉ có thể khôi phục được Urmia về một nửa kích cỡ ban đầu.


Các chuyên gia còn lo ngại khi tình trạng thiếu nước trở nên tràn lan, không chỉ có Iran phải gánh chịu hậu quả về kinh tế và sức khỏe cộng đồng mà vấn nạn này sẽ trở thành một chuỗi dây chuyền xảy ra khắp Trung Đông.


Có một thực tế đáng ngại rằng trong vài thập kỷ gần đây, vùng đất Trung Đông rộng lớn đã chứng kiến những mùa đông khô hạn bậc nhất lịch sử với chỉ số lượng mưa tiêu chuẩn (SPI) thấp báo động kể từ năm 1970. Hạn hán, thiếu nước đã ảnh hưởng xấu tới 2/3 diện tích đất trồng trọt tại các nước Syria, Liban, Palestine… gây ra cuộc khủng hoảng nước và lương thực trong khu vực và thậm chí còn đe dọa đến tình trạng an ninh lương thực của thế giới.

 

Hoàng Trang