08:13 06/08/2014

Cuốn lịch của bố

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, nhà tôi ở là một căn nhà cấp 4 lụp xụp, cứ mưa hay trời nồm là bốc mùi ẩm mốc rất khó chịu, tường thì cứ chạm vào là vỡ ra từng mảng.

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, nhà tôi ở là một căn nhà cấp 4 lụp xụp, cứ mưa hay trời nồm là bốc mùi ẩm mốc rất khó chịu, tường thì cứ chạm vào là vỡ ra từng mảng.

 

Bố tôi là kỹ sư điện nước nên hay phải trực máy bơm, do đó ông hay phải đi làm vào những ngày người ta nghỉ và lại nghỉ vào những ngày người ta đi làm nên hầu như tôi rất ít khi gặp ông ở nhà. Thời gian mà tôi hay nói chuyện với bố tôi nhiều nhất là vào dịp Tết vì lúc đó ông và tôi đều được nghỉ. Bố tôi rất thích trang hoàng nhà cửa dịp Tết, như việc mua quất và lịch xé.


Ông ngoại tôi từng là Tổng giám đốc công ty lớn nhất tỉnh nên các bác tôi rất giàu, còn mẹ tôi vì là con gái nên không được gì, nhà nội lại nghèo nên nhà tôi rất nghèo. Nhà bác tôi rất rộng, với một đứa trẻ con thì nó cứ như là một lâu đài, lại có cầu thang bê tông chứ không phải cầu thang gác xép như nhà tôi.


Hồi bé tôi rất thích sang nhà bác tôi chơi, vì nhà ông anh họ tôi rất nhiều đồ chơi xịn - những thứ mà tôi chẳng bao giờ có, nhưng có lẽ trẻ con nên tôi chưa cảm nhận được hết. Dịp gần Tết bố mẹ tôi hay phải tăng ca nên tôi hay được gửi ở nhà bác tôi, năm nào gần cuối năm dương lịch nhà bác tôi cũng có một cuốn lịch xé rất lớn, trẻ con nên hay thích mấy tờ giấy to màu mè, xé ra gấp hạc, gấp thuyền hay làm nháp cùng đủ thứ linh tinh có thể nghĩ ra được của trẻ con thời đấy, nhưng nhà tôi thì thường mua cuốn lịch bé xíu có lẽ chỉ bằng một góc cuốn lịch to nhà bác tôi, cứ mỗi lần bố tôi mua về là tôi lại hỏi sao bố không mua cuốn lịch to như nhà bác Hùy, mua cuốn lịch này vừa bé lại vừa xấu, nhưng ông chỉ im lặng không trả lời, trẻ con thì cũng hay hỏi và cũng hay mau quên, tôi chỉ buồn một lúc đó thôi, rồi lại vui vẻ chạy theo mè nheo mẹ những chuyện khác.

Cho đến lớn hơn một chút, một lần vào đúng ngày cuối năm dương lịch khi tôi học lớp 7 hay lớp 8 gì đó bố tôi do phải đi trực nên chiều tối mới về nhà, bố tôi lấy xe đạp đèo tôi (để tôi trông xe) đi tìm mua lịch xé, đạp xe vòng hết ra chợ lại ra bà bán tạp hóa, rồi vòng ra hiệu sách nhân dân đầu phố để mua lịch, chỗ nào cũng đầy lịch to, đủ màu sắc hình hài, tôi cứ thắc mắc sao đi mua lịch mà bao nhiêu lịch bố tôi không mua lại cứ phải vòng qua vòng lại nhiều nơi như thế, mà cuối năm nên trời rất lạnh cứ phải chạy đi chạy lại nhiều làm tôi rất bực, tôi cũng không hiểu sao bố tôi không mua luôn cho nhanh, vòng đi vòng lại rất lâu cuối cùng cũng tìm được một bà cụ già dắt xe đạp bán dạo, bán lịch Tết và các sách tử vi, xem tướng đoán tuổi, bố tôi mua một cuốn lịch nhỏ xíu và xấu tệ nhưng giá rẻ chỉ bằng một phần nhỏ so với quyển lịch to có hình ông địa hay ông tam đa bầy ở các hiệu lớn.


Lúc này quả là quá sức chịu đựng của tôi, tôi quát to: “Sao bố không mua luôn quyển lịch ở cửa hàng cho nhanh cứ đi vòng vòng vèo vèo mệt hết cả người”.


Bố tôi không trả lời, tôi chỉ thấy đôi bờ vai ông rung rung lên… (sau này thì tôi hiểu là vì bố tôi không có nhiều tiền). Nhiều năm về sau cuộc sống có khấm khá hơn nhưng bản tính cần kiệm đã ăn sâu vào tiềm thức những người thuộc thế hệ của bố mẹ tôi, nên ông cũng không cho tôi mua những quyển lịch to vì bản thân ông cho rằng trước sau gì cũng xé mua lãng phí, mặc dù tôi biết bản thân ông rất thích mà vẫn trung thành với những quyển lịch bé bằng lòng bàn tay nhỏ bé và thầm lặng như chính cuộc đời của bố tôi vậy.

Có lẽ cuốn lịch nhỏ bé xấu xí ấy sẽ mãi song hành với gia đình tôi năm này qua năm khác cho đến ngày chẳng ai sản xuất những cuốn lịch kiểu như vậy nữa. Nhưng từ ngày tôi trở thành thành viên của mái nhà Tổng Công Ty Bảo Việt Nhân Thọ thì năm nào tôi cũng được Công ty biếu một quyển lịch xé to và rất đẹp, tôi đã có thể mang về biếu bố tôi để ông treo vào chỗ trang trọng trong nhà, mà không sợ bị ông phàn nàn về việc tốn kém… Nhưng có lẽ món quà lớn hơn mà tôi mang lại cho ông đó là ông được thấy tôi trưởng thành và phát triển trong một môi trường tốt và giàu tính nhân văn, sự yêu thương giữa con người với con người, một giá trị tốt đẹp mà Bảo Hiểm Nhân Thọ mang lại cho xã hội và cho cuộc sống.


Lê Hoài Anh
2/3/6 Bế Văn Đàn, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội