04:00 02/04/2020

Cuối ngày 1/4, Việt Nam ghi nhận 218 ca mắc COVID-19, vẫn kiểm soát được dịch bệnh

Cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 với quyết tâm cao nhất; tiếp tục “khóa chặt bên ngoài”, đi liền với “khoanh lại ổ dịch bên trong”; tiến hành cách ly nghiêm túc, điều trị tốt... chắc chắn sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh.

Thủ tướng công bố dịch trên quy mô toàn quốc

Như báo Tin tức đã đưa, ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19.  

Chú thích ảnh
Kiểm tra chứng minh thư nhân dân của người dân tại chốt vào thành phố Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Cụ thể, Thủ tướng quyết định công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam với tên dịch bệnh COVID-19 (dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra). Thời gian xảy ra dịch, từ ngày 23/1/2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra). Địa điểm và quy mô xảy ra dịch xảy ra trên toàn quốc, nguyên nhân do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Đường lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

Thủ tướng đề ra các biện pháp phòng, chống dịch thực hiện theo Luật phòng, chống  bệnh truyền nhiễm gồm: Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch. Khai báo, báo cáo dịch. Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức cách ly y tế. Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch. Các biện pháp bảo vệ cá nhân. Kiểm soát ra, vào vùng có dịch. Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch. Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch. Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh: Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện. Bệnh viện dã chiến (khi được huy động).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30/1/2020; của Bộ Chính trị tại Thông báo số 172-TB/TW ngày 21/3/2020; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020; 06/CT-TTg ngày 31/1/2020, số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020; các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra và các quy định của pháp luật có liên quan. Điều kiện bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 quy định nêu trên được thực hiện kể từ ngày 28/1/2020.

Nhiều gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 vào chiều 1/4, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ phải đúng thẩm quyền, như lĩnh vực nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vấn đề nào cần xin ý kiến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết; giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay, đặc biệt là nguồn vay từ các nhà tài trợ phục vụ công tác chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Ngày 1/4/2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận số tiền 200 triệu đồng từ hai học sinh, ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 và giúp các tỉnh miền Tây Nam bộ phòng chống hạn hán. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN.

Về nông nghiệp, Thủ tướng nêu rõ trong thời gian dịch bệnh, an ninh lương thực, bảo đảm lương thực hằng ngày phục vụ cho người dân cần đặt lên hàng đầu. Xuất khẩu lương thực phải có sự kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm trong nước không thiếu lương thực, đồng thời giải quyết vấn đề giá cả cho người nông dân.

Về công nghiệp và xây dựng, Bộ Công Thương tập trung thúc đẩy, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án công nghiệp quy mô lớn. Phát triển mạnh mẽ thị trường thương mại trong nước; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối, bán lẻ, không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà "ngăn sông, cấm chợ", những hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm khắc.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương chuẩn bị, xây dựng, trình Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh tại kỳ họp thứ 10 năm 2020, hạn chế việc xin lùi, hoãn, rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này; đồng thời thông qua phương án giảm thiểu chương trình học năm nay phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án báo cáo Thủ tướng, Chính phủ về vấn đề này, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất phương án thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp. Về thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19 và các biện pháp ứng phó dịch.

Cùng với cập nhật diễn biến của dịch, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cổ vũ việc thực hiện các nhiệm vụ KT-XH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tạo đồng thuận xã hội. Về gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ thống nhất cao dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyển.

“Toàn dân chống dịch”

Đến thời điểm này chúng ta đã bước sang giai đoạn 3 của "cuộc chiến" chống dịch COVID-19. Trên thực tế, rất nhiều địa phương dù chưa có người nhiễm bệnh nhưng chính quyền và nhân dân địa phương đã tham gia chống dịch với tinh thần “toàn dân chống dịch". Cả hệ thống chống dịch dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nên thực tế từ hơn 2 tháng qua cả nước đã chống dịch.

Chú thích ảnh
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa tham gia các hoạt động xã hội góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban phòng chống dịch COVID-19, việc Thủ tướng ký quyết định công bố dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc có 3 mục tiêu. Thứ nhất, làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành. Thứ hai là để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành y tế để thực sự “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch”. Thứ ba, khi Thủ tướng ký quyết định công bố dịch toàn quốc, tất cả các lực lượng tham gia chống dịch của ngành y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Mặc dù quyết định được ban hành ngày 1/4, nhưng Thủ tướng cho áp dụng chính sách đó với những người tham gia chống dịch ở tuyến đầu được hưởng chế độ từ ngày 28/1/2020. Đây là sự động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ, cũng là của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trực tiếp tham gia chống dịch ở tất cả các ngành, các cấp trong cả nước.

Nếu chúng ta thực hiện đúng, nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia thì chắc chắn sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

Số ca nhiễm ở Việt Nam đã tăng chậm lại

Nhìn lại cuộc chiến chống COVID-19, trong giai đoạn 1, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 23/1, tới ngày 11/2/2020 có 16 ca và toàn bộ 16 ca này đã được chữa khỏi.

Bước sang giai đoạn 2, tính từ ngày 6/3 khi phát hiện ca bệnh thứ 17. Tới ngày 19/3 cả nước đã có 100 ca nhiễm. Như vậy thời gian từ 1 lên 100 ca của Việt Nam là 57 ngày dài hơn so với mức trung bình trên thế giới là 30 ngày. Nếu trừ đi 16 ca giai đoạn 1 thì ngày 21/3/2020, Việt Nam có 100 ca nhiễm bệnh mới. Từ mốc 100 ca đến 1.000 ca, thời gian trung bình trên thế giới là khoảng từ 7 đến 9 ngày. Riêng Nhật Bản là khoảng 28 ngày.

Tại Việt Nam, kể từ mốc 100 thì sau 7 ngày có 171 ca, sau 9 ngày có 203 ca. Như vậy, tình hình số ca nhiễm ở Việt Nam tăng chậm hơn rất nhiều vì chúng ta thực hiện các giải pháp chủ động, kịp thời, sớm và và hiệu quả.

Tính đến 19h 45 phút ngày 1/4, Việt Nam đã ghi nhận 218 ca mắc COVID-19, trong đó có 63 ca đã khỏi bệnh. Các bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 22 cơ sở y tế. Đa số trong tình trạng sức khoẻ ổn định. Chưa có bệnh nhân nào tử vong.

Ổ dịch COVID-19 ở Bạch Mai đã được kiểm soát

Đến 12 giờ ngày 1/4, các địa phương đã rà soát, giám sát, quản lý sức khoẻ 44.293 trường hợp đã đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3. Cụ thể: 4.736 bệnh nhân nội trú, 1.272 bệnh nhân ngoại trú, 30.515 bệnh nhân khám ngoại trú, 7.026 người thân/người chăm sóc bệnh nhân, 91 người làm cho công ty Trường Sinh và 653 người khác có liên quan.

Chú thích ảnh
 Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TTXVN.

Tại cuộc họp chiều 1/4, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 yêu cầu Bộ Y tế huy động thêm lực lượng cùng với TP. Hà Nội để xét nghiệm trên máy (phương pháp PCR) toàn bộ những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian sớm nhất. Một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh… đã tiến hành xét ngiệm toàn bộ những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai và cho kết quả 100% âm tính.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết qua điều tra dịch tễ trên địa bàn thành phố đã xác định được 16.714 trường hợp có nguy cơ bị lây nhiễm (bệnh nhân, người nhà và những người có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai) và tổ chức cách ly theo quy định (cách ly tại nhà và cách ly tập trung), triển khai xét nghiệm sàng lọc bằng cả test thử nhanh và xét nghiệm trên máy.

Qua sàng lọc bằng test thử nhanh đối với 783 trường hợp đã phát hiện một số ca dương tính, tuy nhiên, sau khi tiến hành xét nghiệm trên máy tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội thì các ca này đều âm tính. Trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Y tế tập trung xét nghiệm trên máy toàn bộ những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai trên địa bàn thành phố để sàng lọc, cách ly, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

“Hiện nay, ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai cơ bản đã được quản lý và kiểm soát”, ông Ngô Văn Quý nói.

Liên quan đến vấn đề này, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế huy động thêm lực lượng cùng với TP. Hà Nội để xét nghiệm trên máy cho toàn bộ những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian sớm nhất. Lãnh đạo Hà Nội cho biết thêm, hiện các bệnh viện của Hà Nội đảm bảo đủ điều kiện, cơ sở vật chất, máy móc để có thể điều trị cho 1.000 người mắc COVID-19. Năng lực xét nghiệm của TP. Hà Nội có thể đạt khoảng 1.800 mẫu/ngày. Thủ đô cũng đã tính toán các phương án điều trị trong tình huống có số lượng người mắc tăng đột biến lên nhiều lần…

Việt Nam đã chủ động ngay từ đầu    

Ngay từ đầu, Việt Nam đã chủ động áp dụng các biện pháp sớm, cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới  áp dụng khai báo y tế bắt buộc với người nhập cảnh từ Trung Quốc vào ngày 8/2 và với tất cả những người nhập cảnh từ ngày 7/3). Việt Nam cũng là một trong số ít nước áp dụng biện pháp ngừng miễn visa, hạn chế nhập cảnh. Đặc biệt, Việt Nam áp dụng hình thức cách ly tập trung với người nhập cảnh từ hoặc đi qua các vùng dịch và với tất cả mọi người nhập cảnh từ ngày 21/3/2020.

Chú thích ảnh
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Yên Bái đã kịp thời hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi dịch COVID-19 nhằm duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN.

Vào thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam chưa thể thực hiện triệt để được các biện pháp ngăn chặn từ bên ngoài như nhiều quốc gia khác. Vì vậy trước ngày 21/3/2020, đã có hàng trăm ngàn người nhập cảnh vào Việt Nam, đã đi khắp đất nước và tiếp xúc với rất nhiều người nên thực tế là đã có mầm bệnh thâm nhập vào cộng đồng.

Vì vậy, Việt Nam đã thiết lập các cơ chế để phát hiện những người nhiễm bệnh, truy vết những người có nguy cơ lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng nhanh nhất có thể. Cơ chế này dần được hoàn thiện và đã giúp xác định các ổ dịch, ổ dịch tiềm năng từ đó tập trung dập ngay từ sớm. Đặc biệt là đối với các chuyến bay có người sau đó được phát hiện là nhiễm bệnh.

V.Tôn/Báo Tin tức