01:16 03/01/2020

Cuối năm, gia tăng bệnh nhân ngộ độc do uống quá nhiều rượu

Những ngày gần đây, số ca ngộ độc rượu nhập viện gia tăng, trong đó có cả phụ nữ, thậm chí cả người dưới 18 tuổi do uống quá nhiều rượu dẫn đến ngộ độc nặng, hôn mê, nguy kịch.

Chú thích ảnh
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc rượu.

Buổi sáng tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), các y bác sĩ tất bật khám, theo dõi tình trạng của bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân ngộ độc vẫn còn chưa tỉnh sau khi cấp cứu.

Ngồi thừ người trên giường bệnh, mắt còn lờ đờ, một bệnh nhân nam 35 tuổi như người “mất hồn” sau trận ngộ độc rượu “thập tử nhất sinh”. Trong cuộc nhậu cùng bạn bè dịp Tết dương lịch vừa qua, vì vui uống quá đà nên anh uống quá nhiều rượu, dẫn tới hôn mê phải nhập viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc rượu cấp độ nặng; sau khi được kịp thời cấp cứu, điều trị giải độc, hiện bệnh nhân đã tỉnh, sức khỏe ổn định dần; tuy nhiên vẫn chưa biết trước được những biến chứng về thần kinh.

Đáng chú ý trong số bệnh nhân ngộ độc rượu đang điều trị tại đây còn có cả một học sinh 16 tuổi nhậu quá đà cùng bạn bè đến mức phải nhập viện. Bệnh nhân này cũng được cấp cứu kịp thời và sức khỏe đang dần ổn định.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân ngộ độc rượu tại đây có đủ lứa tuổi, cả phụ nữ và trẻ dưới 18 tuổi.

Ths.Bs Nguyễn Đăng Đức, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Thời gian gần đây, số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng, ở nhiều lứa tuổi. Chỉ trong ngày 2/1, Trung tâm đã tiếp nhận 2 bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê. Các trường hợp đều không phải ngộ độc do uống rượu chứa cồn công nghiệp Methanol, mà do uống rượu thường nhưng uống quá nhiều dẫn tới ngộ độc nặng”.

“Các bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện ở các mức độ khác nhau, đặc biệt có bệnh nhân nặng ở mức hôn mê, tụt huyết áp, do đến viện muộn nên đã dẫn tới tổn thương não nặng, hạ đường máu, suy hô hấp kéo dài” Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Cũng theo Ths.Bs Nguyễn Trung Nguyên, thực chất say rượu đã được coi là ngộ độc rượu vì lúc này rượu đã tác động mạnh tới cơ thể, hệ thần kinh, khiến con người không thể điều khiển, làm chủ được hành vi của mình. Ngộ độc ở mức độ nhẹ chính là say rượu, nhưng ngộ độc nặng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người uống.

Với những trường hợp này, các bác sĩ phải kết hợp điều trị với giải thích tình trạng của bệnh nhân, khuyên bệnh nhân về tác hại của rượu với sức khỏe để họ không tái lại những lần “quá chén”.

“Đặc biệt, trẻ ở độ tuổi vị thành niên rất dễ hành động sai nên khi có bất kỳ ai đó tạo điều kiện hoặc lôi kéo uống rượu, các em rất dễ uống nhiều. Các trường hợp này, khi sử dụng rượu,bia, chất có cồn, nhất là uống nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới giai đoạn đang phát triển của não bộ. Rượu cũng là chất rất dễ dẫn tới lạm dụng, gây nghiện, với người trẻ, đây là điều nguy hiểm vì có thể gây ức chế thần kinh, làm tổn thương não. Vì vậy cha mẹ, gia đình không nên để trẻ tiếp xúc, uống rượu càng sớm càng tốt.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, đối với những trường hợp người bị say rượu, cần phải ăn cho đủ, khẩn trương nạp các thức ăn có năng lượng nhanh như chất đường bột, nếu không sẽ rất dễ bị hạ đường huyết, nguy hiểm. Bên cạnh đó, cần uống thật nhiều nước, tốt nhất nên cho uống nước có chất điện giải như: Dung dịch Oresol, nước hoa quả, nước rau.

Đối với những trường hợp bị ngộ độc rượu mà có những biểu hiện bất thường như: Da lạnh toát, vã mồ hôi, tím tái, co giật, thở khò khè, nhợt nhạt... cần phải khẩn trương thực hiện cấp cứu theo điều kiện tại chỗ bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng sang 1 bên, giữ ấm, sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức