09:23 07/09/2011

Cuộc vượt ngục vĩ đại-Kỳ 3: Khai tử một đường hầm

Sau một thời gian, Hermann Glemnitz - tên sĩ quan chuyên trách vấn đề an ninh của nhà tù - phát hiện thấy một ít cát trên nền đất liền sinh nghi. Hắn ra lệnh cho bọn lính gác thường xuyên kiểm tra bất ngờ và sử dụng cả ống nhòm bí mật quan sát từng cử động của các tù nhân.

Sau một thời gian, Hermann Glemnitz - tên sĩ quan chuyên trách vấn đề an ninh của nhà tù - phát hiện thấy một ít cát trên nền đất liền sinh nghi. Hắn ra lệnh cho bọn lính gác thường xuyên kiểm tra bất ngờ và sử dụng cả ống nhòm bí mật quan sát từng cử động của các tù nhân.

Ống thông hơi làm từ vỏ hộp sữa.


Thấy có dấu hiệu bị lộ, những người tù đã cắt cử một sĩ quan an ninh, người này mang bí danh “S Lớn”, để canh chừng những tên lính gác. Anh và các thành viên trong nhóm có nhiệm vụ canh chừng xem có kẻ nào đột nhiên xuất hiện không và xác định thời điểm nào mở cửa đường hầm là an toàn. Một số thành viên trong nhóm ngồi trong gian phòng gần nhất với cổng ra vào để tiện cho công việc quan sát.

Những tên lính Đức ở đây được phân loại dựa trên độ dễ dãi của bọn chúng. Một số tên dễ dàng bị lôi kéo vào phòng để uống cà phê, nhưng một số tên khác thực sự là một mối đe dọa. Nhóm an ninh có một hệ thống tín hiệu riêng, để truyền tin đến khu nhà mà những người tù đang đào đường hầm. Không ít lần những tín hiệu truyền đến họ là: Đóng cửa khẩn cấp.

Một nhóm quan trọng khác là bộ phận cơ khí. Bộ phận này có nhiệm vụ lấy gỗ và gọt đẽo để làm cột chống đường hầm, thu thập các vỏ hộp sữa bột Klim để làm ống thông hơi. Đường ống này chạy dưới nền của đường hầm và việc thông hơi quả là một vấn đề nan giải khi mà đường hầm ngày một dài ra. Nếu hệ thống bơm không khí ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian, những chiếc đèn đốt bằng mỡ trong đường hầm sẽ cháy yếu đi do thiếu ôxy. Ban đầu, những người tù dùng dây thừng để kéo cát đựng trong một chiếc chậu.

Nhưng khi đường hầm trở nên dài hơn, những người thợ kỹ thuật tiến hành lắp đặt những đường ray làm từ những tấm gỗ gỡ ra từ vách các gian phòng và một xe goòng làm từ hai chiếc hộp gỗ. Bánh xe được làm bằng gỗ, trục xe được làm từ các thanh sắt của một số bếp lò. Một sợi dây thừng được buộc vào đầu chiếc xe và kéo nó chạy qua chạy lại trên đường ray.

Những lính Đức chuyên làm nhiệm vụ thăm hầm.


Trong số những người tham gia xây dựng kế hoạch vượt ngục này có Dean và Dawson, hai người chịu trách nhiệm vẽ các tấm bản đồ, làm giả giấy đi đường, giấy phép cấp cho công nhân là người nước ngoài... Họ còn chế tạo được những chiếc la bàn có kích thước khoảng bằng một đồng 50 xu. Bảng giờ tàu, vé tàu và những vật dụng tiện ích khác thì lấy được từ chỗ những tên lính gác bằng cách đánh đổi với xà phòng, cà phê, thuốc lá hoặc sôcôla mà những người tù được cấp qua những thùng hàng cứu trợ.

Một khi chúng đã chấp thuận nhận quà, những người tù liền tống tiền chúng để kiếm thêm những thứ mà hai chuyên gia làm giả mạo giấy tờ cần. Nhiệm vụ của bộ phận may mặc là sửa lại các bộ quân phục, làm mũ từ lớp lót của những chiếc áo choàng và quần áo dân sự từ những vật liệu mà người tù kiếm được. Họ thậm chí còn làm được cả hai bộ quân phục của lục quân Đức. Họ cũng chỉnh sửa các bộ quân phục mà các tù nhân đang mặc sao cho giống với những bộ thường phục hơn.

Lực lượng trực tiếp đào các đường hầm có khoảng 30 người, ngoài ra còn khoảng 300 người nữa làm các công việc khác. Sau vài tháng, đường hầm Tom gần như đã tiến sát được đến lớp hàng rào thép gai và những đường hầm khác cũng đạt được tiến bộ tương tự. Cùng thời điểm này, những người tù nhận được thông tin: Vì nhà tù trở nên chật chội nên các tù binh Mỹ sẽ bị chuyển sang một trại giam khác gần đó. Vì thế, một số người Mỹ tham gia kế hoạch vượt ngục đã quyết định đẩy nhanh tốc độ đào đường hầm Tom với hy vọng sớm thoát được ra ngoài.

Vào thời điểm đó, bọn lính gác nghi ngờ có một đường hầm ở đâu đó nên liên tục tiến hành lục soát, nhất là ở khu nhà có đường ngầm Tom bởi vì nó gần hàng rào nhất. Trong một lần lục soát, một tên lính Đức đã thọc vu vơ chiếc que thăm hầm của hắn lên tấm bê tông đậy cửa đường ngầm. Thật không may, chiếc que xuyên qua vết nứt của tấm bê tông và thế là Tom bị bại lộ. Bọn chúng tiến hành đặt thuốc nổ trong đường hầm và cho nổ để phá hủy đường hầm này.

Để tránh sự nghi ngờ, “S Lớn” quyết định dừng mọi công việc với hai đường ngầm còn lại và đợi cho tình hình lắng xuống. Mùa đông không phải là thời điểm thích hợp để tiến hành vượt ngục. Cho đến tháng 1/1944, công việc đào đường hầm mới được khởi động trở lại. Bởi Harry đã dài hơn 40 m, trong khi đó Dick chỉ dài khoảng hơn 30 m nên những người tù quyết định sẽ sử dụng đường hầm Dick để làm nơi chứa cát thải ra từ việc thi công đường ngầm Harry. Các cai ngục Đức hầu như không nghĩ rằng những người tù sẽ đào một đường hầm từ vị trí của Harry bởi quãng đường này dài khoảng hơn 100 m.

Những người tù thường đào khoảng 6 tiếng một ca, khoảng thời gian giữa lần điểm danh sáng và điểm danh tối. Lúc đầu họ mặc quần dài và áo lót khi đào nhưng khi làm việc dưới đường hầm, chúng dễ bị ẩm ướt và có mùi hôi; do đó rất dễ bị bọn lính Đức để ý. Vì thế sau này, họ thường không mặc gì khi đào hầm. Sau khi đào được khoảng hơn 30 m, việc kéo chiếc xe goòng trở nên khó khăn hơn nên những người tù tiến hành xây dựng cái mà họ gọi là trạm dừng chân. Đây là một đoạn đường hầm mở rộng dài khoảng 1,8 m, rộng hơn và cao hơn những đoạn khác của đường hầm. Cát được kéo trên một chiếc xe goòng từ chỗ đào và được chuyển sang một xe goòng khác ở vị trí trung chuyển, sau đó nó lại được kéo đến miệng hầm. Khi đường hầm hoàn thành, chúng có hai trạm trung chuyển, được đặt tên là “quảng trường” Piccadilly và Leicester.

Khánh Chi (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ cuối: Cuộc tàn sát đẫm máu