11:08 17/11/2021

Cuộc tìm kiếm kẻ trộm ngân hàng suốt 52 năm của cha con cảnh sát trưởng

Theodore J. Conrad đã thực hiện một trong những vụ trộm ngân hàng lớn nhất lịch sử thành phố Cleveland, Mỹ. Hắn lẩn trốn cảnh sát hàng chục năm trời, cho tới khi hắn qua đời, cáo phó được đăng lên mạng và bí mật bắt đầu hé lộ.

Chú thích ảnh
Ảnh Conrad thời trẻ. Ảnh: lawandcrime

Theo tờ New York Times, một buổi chiều năm 1970, cậu con trai Peter J. Elliott nhìn thấy cha là John K. Elliott, một cảnh sát trưởng ở thành phố Cleveland (bang Ohio), đang ngồi trong bếp, trầm tư suy nghĩ. Ông đang nghĩ về kẻ đã gây ra vụ trộm ngân hàng thuộc dạng lớn nhất lịch sử thành phố. Peter hỏi bố: “Bố đưa cho con khoai tây nghiền được không ạ?”. 

Ông Elliott không trả lời con trai mà hỏi: “Khi nào thì bố mới bắt được Ted Conrad nhỉ?”. Lúc đó đã là một năm sau khi Conrad biến mất với 215.000 USD tiền mặt, tương đương 1,6 triệu USD ngày nay.

Ngày 12/11/2021, hơn 50 năm sau vụ trộm nói trên, cậu bé Peter giờ đã trưởng thành, cũng trở thành một cảnh sát trưởng như cha mình và đã tìm được câu trả lời cho cha.

Cơ quan Cảnh sát Mỹ vừa thông báo đã tìm thấy Conrad sau khi các điều tra viên theo đuổi một manh mối và phát hiện ra hắn ta đã sống với cái tên giả Thomas Randele ở Lynnfield, bang Massachusetts, cho tới khi chết vì ung thư phổi hồi tháng 5 vừa rồi.

Trước đó, họ đã tìm hiểu mọi manh mối khắp nước Mỹ, lần theo dấu vết tới California, Hawaii, Texas rồi Oregon để tìm kẻ trộm ngân hàng. Conrad xuất hiện trong một số chương trình về tội phạm như “America’s Most Wanted” (Kẻ bị truy nã gắt gao nhất nước Mỹ) và “Unsolved Mysteries” (Bí ẩn chưa có lời giải).

Các điều tra viên biết rằng sau vụ trộm, Conrad đã trốn tới Washington D.C và sau đó tới Los Angeles, cuối cùng tới Massachusetts năm 1970. Tại đây, hắn ẩn náu kỹ dưới tên giả, kết hôn năm 1982 và có một con gái. Conrad làm người huấn luyện chơi golf chuyên nghiệp tại câu lạc bộ Pembroke Country, làm việc cho một đại lý xe ô tô đắt tiền suốt 40 năm trời, thích xem các chương trình về lực lượng thực thi pháp luật.

Khi Conrad cùng gia đình sống ở Massachusetts, lực lượng thực thi pháp luật tìm anh ta khắp nơi mà không thành công. Các đặc vụ ở mọi văn phòng của Cục Điều tra Liên bang Mỹ đều tham gia tìm kiếm, số tài liệu về vụ này đầy cả 20 tập hồ sơ.

Giới cảnh sát ở chỗ Conrad sống rất thích anh ta. Peter giải thích: “Đó có thể là lý do tại sao chúng tôi không bắt được hắn trước đây vì hắn là công dân tuân thủ pháp luật và không có dấu vết nào về hồ sơ”.

Chú thích ảnh
Theodore J. Conrad. Ảnh: Cơ quan Cảnh sát Mỹ

Trên giường hấp hối, Conrad đã kể với gia đình sự thật. Khi đó hắn mới nói tên thật và những gì mình đã làm vào ngày 11/7/1969, khi hắn 20 tuổi.

Đó là một ngày thứ sáu, Conrad đi làm công việc như thường lệ tại ngân hàng Society National Bank ở Cleveland. Conrad có nhiệm vụ trong kho tiền, đóng gói tiền để giao cho các chi nhánh của ngân hàng khắp thành phố. Đây là việc được giao cho một nhân viên đáng tin cậy. Thế nhưng, cuối ngày hôm đó, hắn lấy tiền trong kho, nhét đầy một chiếc túi giấy rồi bỏ đi.

Sáng thứ hai, đồng nghiệp mở kho, phát hiện ra sự việc. Họ cũng không biết Conrad ở đâu. Conrad đã có hai ngày cuối tuần để tẩu thoát.

Chưa rõ mệnh giá các tờ tiền mà Conrad lấy trộm cũng như chưa rõ làm cách nào hắn có thể ra ngoài ngân hàng mà không ai để ý. Tuy nhiên, Peter cho biết an ninh tại ngân hàng Society National Bank không chặt chẽ. Nhân viên còn không phải lấy dấu vân tay.

Một năm trước đó, Conrad ám ảnh với bộ phim năm 1968 của Steve McQueen có tên “The Thomas Crown Affair”, trong đó một tỷ phú “nhàn cư vi bất thiện” nảy ra ý định cướp ngân hàng để giải trí. Conrad từng nói với bạn bè rằng hắn định cướp ngân hàng, ba hoa rằng việc này rất dễ dàng.

Conrad tỏ ra là kẻ liều lĩnh, dám làm. Sau khi xem bộ phim trên, Conrad có thể đã nghĩ nếu mình làm như vậy và tẩu thoát thành công thì sẽ thế nào. Với Conrad, đó là một thử thách mà hắn nghĩ hắn có thể vượt qua.

Nhiều năm sau, giới chức tìm được một bức thư mà Conrad viết cho bạn gái năm 1969. Trong đó, hắn thú nhận đã ăn cắp tiền ngân hàng và tỏ ra hối hận vì phạm tội. 

Sau khi Conrad thú tội trước khi chết, gia đình ông ta không liên lạc với cơ quan chức năng. Chỉ sau khi điều tra viên nhìn thấy cáo phó của Thomas Randele, 73 tuổi, họ mới xâu chuỗi các bằng chứng lại. Phần lớn bằng chứng do ông Elliott thu thập cách đây nhiều chục năm.

Chú thích ảnh
Conrad sống dưới tên giả Thomas Randele. Ảnh: Cơ quan Cảnh sát trưởng Mỹ

Cảnh sát trưởng Peter cho biết gia đình Randele không bị cáo buộc vì không tiết lộ lời thú tội của Conrad với chính quyền. Conrad đã bị kết án và các vụ trộm cướp ngân hàng không có thời hạn truy tố, nên hắn sẽ bị bắt nếu bị tìm ra khi còn sống.

Tuy nhiên, ông Peter không tiết lộ điều gì đã khiến các điều tra viên tìm được mẩu cáo phó trên. Chỉ biết rằng, sau khi nhìn thấy thông tin đó, họ thấy giống cuộc đời thực của Conrad. Ngày sinh thực của Conrad là 10/7/1949. Trong cáo phó, ngày sinh được ghi là 10/7/1947.

Manh mối thứ hai là tên của cha mẹ Conrad gần như giống y như trong cáo phó. Cáo phó cũng có tên trường mà Conrad từng theo học: Đại học New England và nơi sinh là Denver.

Manh mối cuối cùng khiến các điều tra viên kết nối mọi thông tin là chữ ký trong đơn ứng tuyển vào trường đại học. Chữ ký này do ông Elliott tìm ra đầu tiên và nó giống với chữ ký trên một hồ sơ xin phá sản nộp tòa án năm 2014. Hồ sơ đó do người có tên Thomas Randele nộp.

Chú thích ảnh
Chữ ký của Conrad là một manh mối giúp cảnh sát tìm ra hắn. Ảnh: Cơ quan Cảnh sát trưởng Mỹ

Đó là tất cả những gì mà cảnh sát trưởng Peter cần. Ông đã tới Lynnfield, gõ cửa nhà Conrad và gặp gia đình hắn. Họ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh sát. Ông Peter nói: “Tôi thấy tệ cho họ vì họ không bao giờ biết người chồng, người cha thực sự của họ là ai và họ cũng đang sống với cái tên tưởng tượng”.

Bà Kathy Randele, vợ Conrad cho biết gia đình bà vẫn đang đau buồn khi mất người thân, nói rằng Conrad là người chồng, người cha tuyệt vời.

Lần cuối cùng hai cha con cảnh sát trưởng Peter nói về vụ Conrad trộm tiền ngân hàng là tháng 3/2020, khi ông Elliott đang ở trong viện dưỡng lão. Peter muốn làm cha mình vui nên đã lấy iPad và bật loạt phim tài liệu “Lake Erie’s Coldest Cases” cho ông xem. Bộ phim tài liệu có một tập nói về vụ Conrad và có đoạn ông Elliott trả lời phỏng vấn. Peter nói với cha mình: “Này, bố nhìn xem, bố ở trên TV đấy”. Ông Elliott mỉm cười. Vài ngày sau, ông qua đời.

Peter cho biết cha mình chưa bao giờ ngừng tìm kiếm Conrad và lúc nào cũng muốn vụ án này kết thúc. Nếu sống lâu hơn, ông sẽ rất hài lòng khi biết con trai đã giúp mình tìm ra thủ phạm vụ án mà ông theo đuổi cách đây nửa thế kỷ.

Thùy Dương/Báo Tin tức